Xây dựng thành phố thông minh: Hướng tới sự phát triển bền vững

Cập nhật: 12-10-2020 | 09:19:04

Với mô hình “3 nhà”, lấy con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua đề án xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của tỉnh, đặt nền tảng cơ bản, đưa Bình Dương lên một vị thế mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) Bình Dương 2019

Nền tảng và những cơ hội mới

Những năm qua, với các chương trình đổi mới, Bình Dương liên tiếp vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt có những chỉ tiêu tăng trưởng đột phá như về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu… Nhiều năm liên tục gần đây, tỉnh luôn nằm trong tốp đầu toàn quốc trên nhiều lĩnh vực như đứng nhất về cơ sở hạ tầng, tốp 3 về thu hút đầu tư nước ngoài, tốp 3 về sản xuất nội địa… Về an sinh xã hội, Bình Dương cũng là một điển hình trong xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, là địa phương đã xóa hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Các huyện phía bắc lần lượt công nghiệp hóa mạnh mẽ, trong khi phía nam có TP.Thủ Dầu Một vươn lên đô thị loại I, còn Dĩ An và Thuận An lên thành phố trực thuộc tỉnh.

Các chương trình thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), giáo dục hiện đại như STEM/STEAM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ Techlab, Fablab, các vườn ươm doanh nghiệp… đã và đang được triển khai rất chủ động và mạnh mẽ từ chính quyền cũng như viện trường, doanh nghiệp.

Đặc biệt, từ chiến lược TPTM, tỉnh đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong KHCN, như Tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA…, các viện trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện Nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Portland State… từ đó xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô.

Bình Dương cũng đã đăng cai tổ chức liên tiếp các sự kiện mang tầm quốc tế về hợp tác kinh tế, KHCN, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh như Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu với Hiệp hội Đô thị KHCN thế giới (WTA) và UNESCO, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis)… nâng tầm thương hiệu của tỉnh trên trường quốc tế. Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới, như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội Đô thị KHCN thế giới (WTA), Hiệp hội Các trung tâm thương mại thế giới (WTCA)... Liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM Bình Dương, cho biết: “Đề án TPTM đã được lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai quyết liệt, thu hút toàn xã hội hăng hái góp sức, huy động được nguồn lực. Sau gần 4 năm đề án đã đạt được những kết quả thực sự to lớn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội mới đầy tiềm năng cho giai đoạn tiếp theo”.

Đổi mới, sáng tạo, bền vững

Theo ông Mai Hùng Dũng, giai đoạn 2021-2025, đề án TPTM Bình Dương vẫn sẽ đặc biệt được đầu tư phát triển, giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, chiều sâu hơn và sẽ chú trọng hơn nữa kinh tế - xã hội số. Về chiến lược, tỉnh vẫn phát huy sức mạnh công nghiệp, xem đó là trọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất tiên tiến; đồng thời tập trung hơn nữa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao. Việc tăng tỷ trọng dịch vụ trong thời kỳ mới là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, từ đó hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện mô hình “3 nhà”, gắn kết các bên, huy động nguồn lực toàn xã hội và hoàn thiện bộ máy chính quyền. Về việc đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ, 3 thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân và Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng.

Tỉnh cũng đã thống nhất xây dựng và triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương. Đây là nội dung trọng tâm trong xây dựng TPTM cho giai đoạn tiếp theo. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới, sáng tạo, bền vững, giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó, sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.

“Để triển khai hiệu quả các dự án quy mô trên, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhanh chóng mạng lưới giao thông vận tải, chống ùn tắc, xây dựng logistics thông minh với hệ thống cảng, đường sông, đường sắt, hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng, cũng như chú trọng cơ sở hạ tầng băng thông rộng, cơ sở dữ liệu lớn dùng chung, ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính. Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để đột phá kinh tế - xã hội, luôn là trọng điểm quan trọng nhất của đề án TPTM. Cùng với lộ trình định vị lại thương hiệu, việc Bình Dương đồng bộ tiến hành các dự án đột phá trên sẽ tạo một động lực mới, thu hút mạnh mẽ nguồn lực để đóng góp vào sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ mới của tỉnh”, ông Dũng nói.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=670
Quay lên trên