Có thể nói công tác vận động sức mạnh từ quần chúng nhân dân vào công cuộc tấn công tội phạm bằng cách xây dựng mô hình “Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm (CLB PCTP)” của Bình Dương được đánh giá là một trong những điểm sáng. Để làm được điều đó không chỉ có tinh thần nghĩa hiệp của các “hiệp sĩ” mà còn có sự chung tay của các ngành, các cấp và người dân.
Những “điểm sáng”
Để những CLB PCTP hoạt động hiệu quả không phải một sớm một chiều là làm được mà cần phải có sự quan tâm đúng mức. Ở Bình Dương, mô hình này hoạt động hơn 10 năm nay và nhận được sự quan tâm của người dân, chính quyền các cấp trước khi trở thành một trong những “điểm sáng” trong số các mô hình PCTP trong cả nước.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh, thăm và chúc tết các thành viên trong CLB PCTP phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một vào dịp Tết Bính Thân 2016. Ảnh: VĂN CHÂU
Theo Công an (CA) tỉnh, đến nay có 91/91 xã, phường thành lập CLB PCTP. Để mô hình này ngày càng lớn mạnh và hoạt động hiệu quả, CA tỉnh cũng như CA các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn về võ thuật nhằm trang bị kỹ năng cần thiết cho các “hiệp sĩ” khi tiếp cận khống chế tội phạm hiệu quả và hạn chế thấp nhất việc chấn thương; tuyên truyền pháp luật cho các “hiệp sĩ” để họ nâng cao kiến thức pháp luật, có sự phối hợp tốt với người dân và các lực lượng khác trong việc bắt quả tang đối tượng phạm tội. Thậm chí vào năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành một văn bản quy định về hoạt động của lực lượng này. Từ đó mô hình CLB PCTP chính thức có “hành lang pháp lý” để hoạt động…
Hàng năm, những “hiệp sĩ” đã trực tiếp hoặc phối hợp cùng người dân, lực lượng CA bắt quả tang, làm rõ hàng trăm vụ trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản và được người dân đánh giá cao. Một đồng chí cán bộ lão thành CA tỉnh cho rằng khi nhiều người trở nên vô cảm trước vấn nạn tội phạm xảy ra trước mặt mình vì sợ liên lụy, thì những hành động nghĩa hiệp của các “hiệp sĩ” xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận. Và thời gian qua, các cấp chính quyền và người dân đã dành cho những “hiệp sĩ” một tình cảm đặc biệt.
Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc CA tỉnh: Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ngày càng lớn mạnh Thời gian qua, phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu. Đặc biệt các mô hình PCTP ở Bình Dương đã có nhiều đóng góp, giúp cho công tác tấn công tội phạm của lực lượng CA ngày càng hiệu quả. Thời gian tới, CA tỉnh sẽ quan tâm, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân của các mô hình này cũng như quần chúng nhân dân tích cực tham gia giữ gìn ANTQ để phong trào ngày càng lớn mạnh, lan tỏa. |
Hồi tháng 3-2016, Ban chỉ đạo PCTP, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt tất cả các CLB PCTP trong tỉnh. Đây là dịp để cổ vũ, khích lệ và ghi nhận những đóng góp của các “hiệp sĩ” trong thời gian qua, cũng như để thời gian tới mô hình này tiếp tục là “điểm sáng” trong phong trào toàn dân tham gia PCTP của tỉnh nhà.
Xây dựng thế trận an ninh nhân dân
Nhằm khích lệ tinh thần các "hiệp sĩ", hàng năm Ban Giám đốc CA tỉnh đều tổ chức thăm, chúc tết, tặng quà cho các thành viên trong những CLB PCTP trong tỉnh. Năm qua, Giám đốc CA tỉnh đã khen thưởng đột xuất cho 34 tập thể, 226 cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Bên cạnh đó, CA tỉnh còn phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn sử dụng kinh phí hàng năm cho CLB PCTP trên địa bàn tỉnh; tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo xây dựng, duy trì và củng cố để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình nhân dân tham gia PCTP, bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), như: CLB PCTP; “Đội công nhân xung kích tự quản về ANTT trong các doanh nghiệp (DN)”; “CLB chủ nhà trọ tự quản về ANTT”; “CLB Chi hội thanh niên nhà trọ”; “CLB quản lý chồng, con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”; “CLB xứ đạo bình yên”; mô hình “Thắp sáng niềm tin”, “Tiếng kẻng dân phòng”...; đồng thời xây dựng 2 mô hình mới là mô hình “Đội xe máy cứu thương” thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Dĩ An, TX.Dĩ An; mô hình xã hội hóa “Lắp đặt hệ thống camera” tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Đây là 2 mô hình mới hoạt động nhưng đã đạt được kết quả cao trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Trước tình hình phức tạp về ANTT trong công nhân các khu, cụm công nghiệp, trong năm 2016 CA tỉnh đã hoàn thành dự thảo Đề án xây dựng tổ chức và hoạt động của Đội thanh niên công nhân xung kích tự quản về ANTT trong DN. Đây là tổ chức của lực lượng thanh niên công nhân toàn tỉnh. Bước đầu mô hình này đã đóng góp tích cực vào công tác bảo đảm ANTT tại các DN và hạn chế số vụ đình công, lãn công do nguyên nhân bị xúi dục, kích động cũng như bảo vệ tốt tài sản của DN. Đến nay, đã có 245 DN thành lập Đội công nhân xung kích. CA tỉnh đã tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành quyết định thành lập được 161 đội công nhân xung kích, có 5.895 đội viên tại 151 DN.
Có thể nói thời gian qua phong trào quần chúng nhân dân tham gia PCTP và các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở đã được phát huy tốt và góp phần cùng lực lượng CA giữ gìn ANTT, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà.
L.V.CHÂU