Xây dựng và bảo vệ đất nước: Trách nhiệm của người cầm bút

Cập nhật: 21-06-2014 | 00:00:00

Tất cả người dân Việt Nam tại thời điểm này đều phẫn nộ và lo lắng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các nhà báo - những người cầm bút, đang cố gắng hoàn thành thiên chức truyền thông, bởi đó là cách tốt nhất để thể hiện lòng yêu nước như bao người dân đất Việt.

Song hành với những diễn biến phức tạp khó lường trên biển là những lo âu. Người thì lo về những điều tệ hại nhất - chiến tranh - như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ và lần gần đây nhất là năm 1979, bởi lẽ ai có thể lường trước được điều gì có thể xảy ra từ “anh hàng xóm khó lường”; người lại đăm chiêu về những tác động bất lợi có thể mang tới nền kinh tế nước nhà. Chẳng thể đứng ngoài cuộc và tất nhiên không thể vô lo, nhưng trên mặt trận tư tưởng, các nhà báo đồng nghiệp của chúng tôi, vượt qua những âu lo ấy là sự tuyệt đối tin tưởng vào nội lực của Việt Nam - chất men thành công đó được hình thành và nhào nặn nên điều mà tất cả đều không khỏi tự hào khi gọi tên: Đó là bản lĩnh Việt!

Một nhóm nhà báo đang tác nghiệp trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại biển Đông Lòng tin sắt đá đó đã giúp các nhà báo, bằng những bài báo của mình đã thành công trong việc thắp lên những ngọn lửa trong mỗi trái tim của những người con đất Việt và triệu triệu trái tim được thắp lửa ấy đã biến thành một thông điệp vô giá: Dân tộc Việt không thể và không bao giờ khuất phục.

Vậy là, trong những ngày giữa tháng 5-2014, khi vừa xảy ra những lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, nhà báo Hồ Quang Phương, Báo Quân đội nhân dân - người từng đoạt Giải A Báo chí Quốc gia năm 2012 - không nề hà, ngay lập tức đã có mặt trên công trường của Dự án Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) để tác nghiệp. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, anh chia sẻ: “Vào thời điểm này, thông qua các các tác phẩm của mình, tôi phải có trách nhiệm phân tích được tính hợp pháp và chính nghĩa của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông, bao gồm cả các hoạt động kinh tế trên biển. Các bài báo không chỉ thúc đẩy lòng yêu nước, mà còn cần phải tạo nên sự gắn kết cho toàn dân tộc - chỉ có đoàn kết mới giúp chúng ta vượt qua thử thách. Lòng yêu nước cần được thể hiện một cách tỉnh táo, có trách nhiệm, tránh manh động làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và cơ hội phát triển của đất nước”.

Có lẽ, cho đến lúc này không ai lại tự nhiên đặt câu hỏi: Vì sao tất cả những người dân Việt Nam, từ con trẻ đang cắp sách đến trường, đến các cụ già, tất cả đều biết và đau đáu về biển Đông. Bởi lẽ, ai cũng mặc nhiên cho rằng, cái sự tưởng như ngẫu nhiên ấy lại là bao công sức của những người cầm bút. Và không chỉ có vậy, chỉ đến lúc này, mỗi người dân mới vỡ lẽ rằng, thế nào là chủ quyền biển đảo, thế nào là đặc quyền kinh tế...

Nhà báo Lê Tuyết, Phó Trưởng phòng Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV (Giải A Báo chí quốc gia 2012), cho rằng bổ sung vào đó là việc báo chí còn giúp người dân thêm một lần được cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, với những cuộc trường chinh bảo vệ biên cương, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc dấu yêu. Trong khi đó, nhà báo trẻ Trần Sơn Bách, Báo điện tử VietnamPlus TTXVN (Giải B Báo chí quốc gia 2012) lại có suy nghĩ của một... người không còn trẻ, khi cho rằng. “Việc được tham gia, hòa mình vào sự kiện, chuyển tải một cách trung thực nhất những gì từ thực địa, cũng như phản ánh những nỗ lực từ nhiều phía của Chính phủ tới bạn đọc là trách nhiệm không thể chối bỏ của mỗi người cầm bút”.

Cùng với các nhà báo trong cả nước, những ngày này nhà báo Mai Thanh Phong - Báo Bình Dương (Giải B Báo chí quốc gia năm 2012), cũng đứng ngồi không yên với tình hình “nóng” tại biển Đông. Để thỏa lòng góp chút công sức tuyên truyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, anh cùng một đồng nghiệp chọn cung đường dọc bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau để thực hiện loạt bài viết về biển đảo thân yêu và những trận thủy chiến tiêu biểu của quân dân Việt Nam. Loạt bài viết của nhà báo Mai Thanh Phong và đồng nghiệp sẽ được khởi đăng trên Báo Bình Dương vào đầu tuần tới.

Còn với nhà báo Thanh Hà - Báo Đầu tư (Giải B Báo chí Quốc gia năm 2012), không có cơ hội được “bám biển”, để phản ánh các tin tức nóng hổi từ vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, chị chọn cách truyền thông điệp của Chính phủ Việt Nam về việc cam kết bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhà đầu tư và người lao động thông qua các bài viết của mình. “Tôi mong muốn qua các bài viết của mình, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn nữa về một môi trường đầu tư Việt Nam luôn thân thiện và an toàn. Mong họ hiểu và chia sẻ với Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này, tin tưởng và tiếp tục ở lại với Việt Nam. Tôi nghĩ, đó cũng là cách để tôi thể hiện trách nhiệm của một nhà báo với Tổ quốc”, chị Hà chia sẻ.

Vào những ngày này, những người cầm bút đang cùng nhau kỷ niệm lần thứ 89 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tối nay (21-6), tại Hà Nội cũng diễn ra sự kiện lớn của những người làm báo là lễ trao Giải Báo chí quốc gia 2013. Tại buổi lễ này, sẽ có thêm các tác phẩm báo chí xuất sắc được tôn vinh, đánh dấu sức lao động sáng tạo không mệt mỏi của các nhà báo đã luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.

Báo chí tạo sức lan tỏa rất lớn trong bảo vệchủ quyền trên biển Đông

Trả lời phỏng vấn các nhà báo bên hành lang kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII về vai trò, hiệu quả thông tin của báo chí trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhấn mạnh:

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tất cả các cơ quan báo chí trong nước đã bám rất sát tình hình, đưa được đầy đủ thông tin, đặc biệt đã truyền tải được các biện pháp đấu tranh của Đảng và Nhà nước, Chính phủ ta đối với hành động sai trái của Trung Quốc. Chính vì thế đã tạo nên sức mạnh rất tốt trong dư luận cả trong nước và quốc tế để mọi người hiểu được tình hình, hiểu được sự vi phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam; đặc biệt hiểu được chủ trương, chính sách của chúng ta là hết sức kiềm chế nhưng kiên quyết đấu tranh trong hòa bình để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi Việt Nam. Và đó là sức mạnh để buộc Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu của chúng ta. Tôi đánh giá cao các phương tiện thông tin truyền thông đã bám rất sát tình hình.

Đặc biệt, cùng với các cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã theo sát tàu của các lực lượng chấp pháp của ta ra thực địa. Họ đã rất dũng cảm đưa được kịp thời, nhanh chóng những thông tin, hình ảnh tới dư luận trong nước và quốc tế. Chính những thông tin, hình ảnh tại hiện trường của báo chí đưa ra đã có tác dụng rất thuyết phục đối với dư luận, cho thấy hành động phi pháp, hung hăng của tàu Trung Quốc đối với các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Có thể nói, chưa một lúc nào tình hình biển Đông được các phương tiện truyền thông trên thế giới đưa nhiều như lúc này. Đó là nhờ đội ngũ báo chí của ta đưa tin rất tích cực. Có rất nhiều tờ báo trên thế giới đã lấy lại thông tin trên báo chí của ta, từ đó tạo sức mạnh lan tỏa rất lớn, rất tích cực đối với dư luận quốc tế.

Riêng đối với các phương tiện truyền thông của Đài TNVN, với lợi thế đến được mọi ngõ ngách, tới được mọi người dân ở mọi miền đất nước cũng như thế giới, Đài TNVN là một phương tiện thông tin tuyên truyền rất tích cực trong cuộc đấu tranh này.

(Theo VOV)

 

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên