Xe “quá đát”: Nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cập nhật: 10-06-2015 | 08:58:04

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước còn khoảng 120.000 xe “quá đát” (hết niên hạn sử dụng - NHSD), phần lớn trong số này vẫn tiếp tục lưu thông trên các tuyến đường và đang là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Riêng tại Bình Dương, phương tiện hết NHSD, trong đó gồm xe chở khách và xe tải, chưa kể loại xe gắn máy 2, 3 bánh “quá đát” cũng không phải là ít.

Một chiếc xe máy “quá đát” vẫn được tận dụng làm xe kéo chở hàng hóa. Ảnh: T.QUANG

Sợ xe… “quá đát”!

Nhiều lần đi trên các tuyến đường liên tỉnh, đường giao thông nông thôn thuộc các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Tân Uyên… chúng tôi thấy nhiều chiếc xe chở hàng cũ kỹ, rệu rã vẫn ì ạch chở nông sản, chở người; những chiếc xe tải nhỏ nhìn qua là đã biết “quá đát” nằm giữa lộ hoặc ven đường trong khi tài xế đang mướt mồ hôi cạy cục, sửa hết chỗ này đến chỗ khác nhưng xe vẫn cứ nằm ỳ như “ăn vạ”. Anh Nguyễn Thắng Tư, một người dân có nhà nằm dọc tuyến đường ĐT741, cho biết: “Nhiều xe đã “quá đát” nhưng tài xế vẫn cứ điều khiển chạy với tốc độ cao, chẳng chịu nhường ai hết. Thấy xe ầm ầm chạy từ xa là tôi phải lo tránh ngay để không bị mang họa vào thân...”.

Phương tiện hết NHSD lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất lớn, bởi nhiều yếu tố kỹ thuật của xe không còn đáp ứng được cho việc tham gia giao thông an toàn như hệ thống phanh, nguy cơ cháy nổ bình nhiên liệu, đèn... Đó là chưa kể đến hiểm họa tiềm ẩn từ các xe chở khách hết NHSD vẫn tiếp tục chở khách hay các xe tải vẫn đang được tận dụng chở hàng tại các chặng đường ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Và thực tế sau nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một số địa phương trong nước, ngành chức năng đã phát hiện xe gây tai nạn đã hết NHSD nhưng vẫn tham gia giao thông.

Theo quy định của Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ, NHSD của xe ô tô chở hàng là 25 năm, chở người (từ 10 chỗ ngồi trở lên) là 20 năm và 17 năm đối với xe chuyển đổi công năng thành phương tiện chở người. Khi xe hết NHSD, các chủ xe bị cấm lưu hành phải đến cơ quan công an nộp lại đăng ký và biển số xe để làm thủ tục xóa sổ phương tiện. Tuy nhiên, thời gian qua người dân thường có thói quen tự xử lý xe cũ của mình như bán sắt vụn, tháo rời các bộ phận của xe để bán rẻ mà chưa có ý thức tự giác đến cơ quan công an để nộp lại giấy tờ, vì lo ngại thủ tục rườm rà, mất thời gian và cả vì... tiếc của. Bên cạnh đó, nhiều chủ phương tiện vẫn vô tư cho xe vận hành dù xe của mình đã hết NHSD...

Biện pháp chế tài chưa đủ mạnh?

Xung quanh vấn đề xử lý số phương tiện giao thông đã hết NHSD, mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị bổ sung chế tài với chủ phương tiện sử dụng xe quá hạn đăng kiểm hoặc xe hết NHSD bởi mức xử phạt hiện nay là quá nhẹ (chỉ từ 1 - 5 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe. Theo ông Hùng, đối với xe hết NHSD, nếu chủ xe vi phạm, cố tình cho lưu hành, cần áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện, bán đấu giá hoặc tiêu hủy...

Có thể nói rằng, vẫn còn nhiều phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hết NHSD trên địa bàn tỉnh hoặc đã trở thành những đống phế liệu, hoặc vẫn đang âm thầm lưu thông trên các cung đường, gieo rắc nỗi ám ảnh cho người dân về việc bảo đảm ATGT. Trước thực trạng đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác của các chủ phương tiện hết NHSD. Vẫn biết họ cũng vì cuộc sống nhưng dù sao cũng phải cố gắng chấp hành quy định của pháp luật vì sự an toàn của chính mình và người khác. Bên cạnh đó, cần siết chặt khâu giám sát, kiểm tra và xử lý các phương tiện cơ giới đường bộ hết NHSD thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng, đơn vị chức năng.

Có một thực tế hiện nay là đối với những chiếc xe ô tô quá niên hạn sử dụng thì bị cấm lưu hành nhưng xe gắn máy 2 hoặc 3 bánh “quá đát” vẫn được phép lưu hành phổ biến trên đường phố dù mức độ gây tai nạn nguy hiểm như nhau. Trong khi hiện nay, số người sử dụng xe gắn máy chiếm gần 70 - 80%; số vụ tai nạn giao thông do xe gắn máy gây ra chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các loại phương tiện và mức độ gây ô nhiễm môi trường do xe gắn máy gây ra cũng rất lớn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có lộ trình để đào thải những xe gắn máy 2, 3 bánh đã quá hạn sử dụng, có lẽ do tỷ lệ người nghèo sử dụng phương tiện cũ kỹ này để kiếm sống hàng ngày khá nhiều nên việc đào thải còn khó khăn... Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, cũng nên có chủ trương chỉ duy trì những xe gắn máy có niên hạn sử dụng nhất định và bảo đảm được yêu cầu an toàn khi lưu thông.

 

B.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên