Xóa bỏ ân hạn thuế sẽ đẩy DN chân chính vào tình thế khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu theo hình thức FOB tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương
DN mất lợi thế cạnh tranh
Theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi Quốc hội đang xem xét, về thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa; trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh, phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) trước ngày hết thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh. Theo đa số ý kiến DN, hiệp hội ngành hàng, quy định này thực chất là bãi bỏ việc ân hạn thuế 275 ngày đã được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành vì nếu để được bảo lãnh DN phải mất thêm khoản phí, lãi suất (LS) vì các tổ chức tín dụng không dễ gì đứng ra bảo lãnh không cho DN. Chính vì thế, quy định này đang bị các DN xuất nhập khẩu phản ứng rất mạnh mẽ vì sẽ gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn tới các DN; làm giảm sức cạnh tranh của DN.
“ Luật sửa đổi nhằm hạn chế tình trạng DN chây ì thuế. Tuy nhiên, thất thu thuế do một số DN chây ì trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất chỉ xảy ra ở những DN nước ngoài vào Việt Nam nhập nguyên liệu, làm gia công nhưng không làm mà thực hiện bán nguyên liệu đi rồi trốn về nước hoặc họ chỉ có một vài đơn hàng, thuê nhà máy sản xuất xong đơn hàng đó rồi bỏ trốn. Trong khi đó, các DN làm ăn chân chính, nhiều năm đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước bỗng dưng chỉ vì một số DN tiêu cực lại bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần phải phân loại DN để áp dụng”
(Ông Lê Hồng Phoa)
Theo ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, trên thực tế, để nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất, DN đã phải đi vay vốn ngân hàng với mức LS cao hơn so với mức LS ở các nước khác. LS vay USD tại các nước chỉ 1 - 2% còn ở Việt Nam là 5% và LS tiền đồng của Việt Nam cũng phải từ 15% trở lên. Nay khi DN đã phải đi vay để nhập nguyên liệu, khi nhập về lại phải đóng thuế một lần nữa và để có tiền đóng thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, DN lại phải đi vay vốn ngân hàng để đóng thuế vì không còn được ân hạn thuế và tiếp tục chịu thêm phần LS cao trong khoản vay để nộp thuế nhập khẩu. Tất cả những điều này sẽ làm tăng chi phí đầu vào của DN lên rất nhiều. Bản thân mặt bằng LS của Việt Nam đã khiến DN thất thế trong cạnh tranh với DN các nước khác, nay lại chịu thêm khoản LS đi vay để đóng thuế này thì DN rất khó mà cạnh tranh được với các DN nước ngoài trên thị trường quốc tế.
Cần tiếp tục ưu đãi DN chân chính
Không chỉ làm mất sức cạnh tranh của hàng hóa, nếu quy định ân hạn thuế bị xóa bỏ sẽ phải mất thêm một khoản chi phí rất lớn gây thiệt hại không đáng có cho những DN làm hàng FOB. Vì theo quy định hiện hành, loại hình làm hàng FOB được xếp vào hình thức tạm nhập, tái xuất, sẽ được hoàn thuế nhập khẩu. Xưa nay, với việc ân hạn thuế 275 ngày, DN hoàn toàn chủ động được thời gian nhập hàng, sản xuất, xuất khẩu rồi hoàn thuế. Với quy định phải đóng thuế nhập khẩu ngay sau đó mới hoàn thuế, vô hình trung đã buộc DN phải mất thêm khoản chi phí LS ngân hàng cho việc đi vay để đóng thuế.
Đại biểu Quốc hội MAI HỮU TÍN: “Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương vẫn đang kiên trì bảo vệ DN”
Ngay từ khi dự luật được đưa ra lần đầu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu bày tỏ sự không đồng tình với nội dung này của dự luật. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận được kiến nghị của nhiều hiệp hội ngành hàng giải thích những khó khăn mà họ gặp phải nếu nội dung này của dự luật được thông qua, nhất là trong tình hình kinh doanh không thuận lợi hiện nay. Tất cả những thông tin này đều đã được chuyển đến cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự luật. Tuy nhiên, Chính phủ, mà đại diện là Bộ Tài chính, chưa thay đổi quan điểm trong dự thảo luật đưa ra thảo luận và sẽ được thông qua trong lần họp này. Đoàn ĐBQH Bình Dương, cũng như nhiều đại biểu của các đoàn khác, vẫn đang kiên trì đứng về phía DN. Chúng tôi cho rằng quy định luật nên phục vụ cho quyền lợi của số đông và giúp làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày một tốt hơn. Chúng ta không thiếu biện pháp để xử lý con số rất ít các DN gian lận thuế trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Tất cả họ đều phải đạt những tiêu chuẩn cần thiết trước khi được phép ân hạn thuế như quy định hiện nay và thực tế họ đã cố gắng làm rất tốt việc này.
Theo tính toán từ Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, trung bình 1 tháng công ty nhập khẩu nguyên phụ liệu với trị giá gần 2 triệu USD, nếu xóa bỏ việc ân hạn thuế 275 ngày, DN sẽ phải nộp thuế nhập khẩu khoảng gần 6 tỷ đồng. Với số tiền thuế phải nộp này, đi vay ngân hàng với LS 15%, DN sẽ phải mất thêm khoảng 200 triệu đồng/tháng. Như vậy, trong 1 năm, DN sẽ phải mất thêm chi phí trên 2 tỷ đồng. Đây mới chỉ là tính toàn sơ bộ về thiệt hại tại riêng một DN. Nếu xét trên diện rộng, tại Bình Dương có hàng ngàn DN trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó có nhiều DN hoạt động theo hình thức tạm nhập tái xuất, thì mức thiệt hại của các DN sẽ lớn biết chừng nào? “Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi mà DN đang phải đổi mặt với quá nhiều áp lực, việc chịu thêm mức chi phí đầu vào này với các DN khỏe mạnh sẽ làm họ yếu đi, còn với các DN yếu kém sẽ giống như một cú đấm knock-out loại họ khỏi thương trường…”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương nói.
Cũng theo ông Phoa, hiện nay chúng ta đang khuyến khích các DN dệt may chuyển từ làm gia công sang làm hàng FOB (nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất và bán thành phẩm). Nếu quy định mới tại Luật Quản lý thuế được thông qua, xóa bỏ việc ân hạn thuế, sẽ khiến cho các DN dệt may quay lại thời kỳ làm hàng gia công cho các đối tác nước ngoài vì DN sản xuất hàng FOB sẽ gặp khó khăn, còn DN làm hàng gia công sẽ không bị ảnh hưởng, vì nguyên liệu do khách hàng cung cấp, nên không phải đóng thuế. Tuy nhiên, khi quay lại làm hàng gia công thì các DN may trong nước cũng sẽ trở lại nguy cơ bị ép giá như trước đây và chắc chắn sẽ còn điêu đứng hơn!
THÀNH SƠN