Nghệ nhân sơn mài “thổi hồn” vào tranh
Khôi phục thương hiệu
Thời hoàng kim của sơn mài TBH là vào các thập niên từ 60 đến 90. Lúc ấy, tại TBH hầu như nhà nhà đều làm sơn mài. Làng nghề TBH còn thu hút khoảng hơn 200 lao động các nơi đến học nghề. Nhiều gia đình nơi đây đã giàu lên nhanh chóng nhờ nghề sơn mài. Sản phẩm sơn mài TBH đã khẳng định được tên tuổi nhờ vào uy tín, chất lượng, bởi được đúc kết từ công sức, tâm huyết của những nghệ nhân, những người thợ tài hoa... Tuy nhiên, sự vững chãi ấy không tồn tại được lâu, bởi một số cơ sở chạy theo lợi nhuận, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, tên tuổi làng nghề sơn mài TBH vì vậy bị mai một dần. Không bằng lòng với điều đó, những người con của TBH tâm huyết với nghề, đã quyết tâm khôi phục lại thương hiệu sơn mài TBH.
Bà nguyễn Thị Mai Khanh, Chủ cơ sở sơn mài Tươi Khanh, 46 tuổi, cho biết: “Tôi theo nghề này tính đến nay là hơn 30 năm. Lúc sơn mài ế ẩm, vợ chồng tôi vẫn cố gắng bám trụ giữ nghề. Để sản phẩm đến với khách hàng, vợ chồng tôi phải ôm hàng đi khắp nơi từ Hà nội, Quảng Ninh, Huế, Hội An, Nha Trang, Cần Thơ... để chào hàng và ký gửi sản phẩm. Sau đó ít lâu, họ bán được mới liên hệ đặt hàng. Giờ thì đỡ hơn nhiều rồi, bởi sản phẩm đạt chất lượng, bán chạy nên họ tin cậy đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Doanh số năm thuận lợi đạt vài ba tỷ, năm khó khăn như 2011 vừa qua cũng đạt hơn 1 tỷ đồng”.
Cũng với chiêu thức chinh phục khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Bốn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc, là người đã có công đưa sản phẩm sơn mài TBH đi xa hơn. “Chúng tôi dành khoảng 30 - 40% sản phẩm làm ra để bán cho các khu du lịch trong nước. Số sản phẩm còn lại dành để xuất khẩu. Sản phẩm của công ty hiện được xuất sang thị trường khó tính thuộc các nước châu Âu như Đan Mạch, Pháp... và một số nước châu Á, như Malaysia, Ả-rập... Để xuất được hàng chúng tôi phải nhờ một công ty trung gian và phải chi cho họ 10% giá trị đơn hàng. Đối tác của chúng tôi rất có uy tín, họ giới thiệu cho tôi rất nhiều khách hàng suốt gần chục năm nay. Nhờ có các mối hàng ổn định nên công ty luôn bảo đảm công việc cho khoảng 40 lao động và gần chục “vệ tinh” là bà con, anh em trong làng”.
Và, công sức họ bỏ ra đã được đền đáp, những người con tâm huyết của làng nghề sơn mài TBH đã sống được nhờ nghề, từng bước khôi phục thương hiệu làng nghề và làm cho làng nghề sống dậy. Làng nghề sơn mài TBH lại xôn xao sản xuất, xôn xao mua bán. Khách hàng lại nườm nượp kéo về. Ông Trần Văn khiêm, 77 tuổi, hơn 60 năm theo nghề và là một trong những nghệ nhân lâu năm của Công ty Sơn mài Thành Lễ vang bóng một thời, cho biết: “Công thức làm ra tấm sơn mài ít nhiều đã đổi mới, nhưng tôi vẫn thích làm ra sản phẩm bằng sơn ta để đỡ nhớ nghề. Mặc dù có hao công, đội giá nhưng tôi vẫn làm để không phụ lòng khách hàng. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, có một bà Việt kiều Mỹ đã nói: “Về Mỹ mà đêm ngày tôi cứ mơ thấy bức tranh Tam thế Phật của ông nên phải quay lại”. Thấy bà ấy có tâm, có lòng tôi liền tháo bộ tranh để dành treo trong nhà bán cho bà với giá vốn. Tiếng lành đồn xa, mấy ông Việt kiều Mỹ cũng đến nài nỉ đặt tranh Chúa để thờ. Họ trầm trồ, ngưỡng mộ dữ lắm. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đời của những người làm sơn mài như tôi!”.
Đổi mới công nghệ
Làng nghề sơn mài TBH được UBND tỉnh ra quyết định công nhận vào ngày 29-8-2006. Năm 2011, tại đây có khoảng 900 hộ với khoảng 3.000 lao động tham gia sản xuất - kinh doanh sơn mài, tạo ra giá trị xuất khẩu gần 1 triệu USD. Đúng vào dịp Giỗ tổ sơn mài vào đầu năm 2012, làng nghề sơn mài TBH được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trao “Nhãn hiệu tập thể sơn mài Bình Dương”.
Hiện nay, làng nghề sơn mài TBH đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi các công đoạn làm ra sản phẩm như phủ sơn, tạo độ bóng... Tuy nhiên, cho dù có đổi mới cách mấy thì mỗi sản phẩm làm ra vẫn phải bảo đảm 15 - 16 lớp sơn mới đạt chất lượng. Hàng làm ra không được nứt, cong vênh hay rớt ốc... Hàng bị lỗi phải bỏ, không được đưa ra thị trường vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như tên tuổi của làng nghề. Cùng với đó, các nghệ nhân làng nghề cũng không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu và hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước. Hiện làng nghề sơn mài TBH đang tập trung nhiều vào các loại sản phẩm trang trí nội thất, như bàn ghế, tủ thờ, tranh ảnh... hay các vật dụng như bát đĩa, lọ hoa, âu khay, hộp trang điểm... Chất liệu chính là gỗ, ván MDF, gần đây có thêm các chất liệu mới từ nhựa tổng hợp. Sản phẩm của làng nghề sơn mài TBH qua tham dự triển lãm trong và ngoài nước được các chuyên gia đánh giá rất cao.
Đạt được điều này là nhờ những người con tâm huyết, cố gắng giữ nghề đã tìm mọi cách để tránh cái sai đã từng một lần mắc phải. Nói về điều này, ông Lê Bá Linh, cho biết: “Ngoài chất lượng sản phẩm, khách hàng còn quý chúng tôi ở chỗ có tinh thần cầu thiện, cầu toàn, tôn trọng khách hàng. Cũng có một vài sản phẩm xuất đi không đạt yêu cầu, nhưng khi được đối tác hồi báo là chúng tôi phải làm ngay sản phẩm mới để đền và chịu mọi phí tổn. Sau đó, chúng tôi cố gắng tìm nguyên nhân để khắc phục khuyết điểm, nhằm làm ra sản phẩm tốt hơn”.
Theo ông Linh thì tuy có đổi mới một số khâu trong cách làm hàng, nhưng không phải cứ có máy móc, công nghệ hiện đại là bỏ truyền thống. Muốn sản phẩm đạt chất lượng phải tuân thủ truyền thống là phủ nhiều lớp sơn dầu hạt điều để giữ độ bền chắc, rồi mới phun các lớp sơn màu theo yêu cầu của khách hàng. Và dù có áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại đến đâu thì một số khâu như: mài, hom, đánh bóng, lau dầu... vẫn cần đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ.
Cần những giải pháp căn cơ
Sau một thời gian chững lại do “con sâu làm rầu nồi canh”, sơn mài TBH đang dần lấy lại uy tín với thị trường. Tuy nhiên, làng nghề TBH vẫn rất cần những giải pháp căn cơ để giữ nghề, khẳng định thương hiệu. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của những người theo nghề vẫn là thị trường và vốn. Theo ông Linh, do phải cạnh tranh khốc liệt với các ngành trang trí, quà tặng được thiết kế công nghiệp... nên hiện tại các mặt hàng sơn mài không thể tăng giá bán, mặc dù các chi phí đầu vào đều tăng.
Đánh bóng sản phẩm, một công đoạn đòi hỏi phải
thực hiện bằng tay trong quá trình làm ra một sản phẩm
Bên cạnh khó khăn về thị trường, vốn cũng là một vấn đề lớn của làng nghề. Ông Huỳnh Văn Nút, chủ doanh nghiệp tư nhân Mười Nút, cho biết: “Do hợp đồng sơn mài chỉ được tạm ứng từ 20 - 30% giá trị hợp đồng và phải 60 ngày sau khi giao hàng đối tác mới chuyển đủ tiền, nên chúng tôi luôn trong tình trạng “đói vốn”, thiếu tiền trả lương, kéo theo tình trạng thợ bỏ nghề! Nếu có vốn chúng tôi sẽ trả đủ lương kịp thời để giữ chân lao động. Có lao động ổn định thì chúng tôi mới có thể nhận thêm đơn hàng, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh”. Cũng với nguyên nhân đói vốn, bà Khanh, Chủ cơ sở sơn mài Tươi Khanh, bức xúc: “Chúng tôi cần nguồn vốn lớn bởi phải sản xuất hàng nằm. Hàng phải làm trước là vì chờ đến khi khách đặt hàng mới làm thì không kịp. Nếu đón đầu trúng nhu cầu của khách hàng thì thắng, nhưng nếu đón trật thì coi như thua vì hàng tồn. Vậy là tiếp tục kẹt vốn để thực hiện hợp đồng mới”. Thiếu vốn phải vay ngân hàng và với lãi suất như hiện nay thì hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề này đều than trời. Không ít cơ sở buộc phải giải thể vì không trả nổi lãi ngân hàng nếu tiếp tục sản xuất!
Trao đổi về giải pháp để khôi phục, phát triển làng nghề bền vững, ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Chủ tịch phường TBH, nói: “Tại làng nghề này hiện có khoảng 200 hộ đăng ký thành lập cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sơn mài, nhưng chỉ có khoảng 5 -6 cơ sở, doanh nghiệp ăn nên làm ra, xuất khẩu được hàng. Đây đúng là một con số quá khiêm tốn. Để khôi phục và phát triển làng nghề bền vững, theo tôi Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn và hỗ trợ quảng bá thương hiệu làng nghề qua cổng thông tin điện tử của tỉnh để các nơi biết mà liên hệ đặt hàng. Cùng với đó là ưu đãi, mở rộng làng nghề theo hướng hiện đại, kết hợp du lịch, tăng cường đào tạo nghề cho giới trẻ và có chế độ bồi dưỡng, đãi ngộ cho nghệ nhân; quan tâm ban hành tiêu chuẩn mẫu mã sản phẩm, có thưởng phạt nhằm hạn chế sản phẩm kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề”.
Để đưa làng nghề sơn mài TBH trở lại đỉnh vinh quang như thời vang bóng là công việc chung của nhiều người. Trách nhiệm xốc dậy làng nghề không riêng của những người tâm huyết với nghề!
BẢO ANH