Xuất khẩu những tháng cuối năm: Nhiều tín hiệu khả quan

Cập nhật: 01-11-2024 | 12:02:20

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế của Bình Dương đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó riêng xuất khẩu hàng hóa đạt gần 27 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 80% kế hoạch năm 2024, đứng thứ 3 cả nước. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hơn nữa để lĩnh vực xuất khẩu đạt mức cao nhất trong năm 2024.

 Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng tổng hợp Bình Dương

 Mở rộng phương thức xuất khẩu

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp cùng Công ty Cổ phần FADO iExport đã tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu vận chuyển mặt hàng dừa tươi xuất khẩu từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần đến Quảng Châu, Trung Quốc. Lô hàng dừa tươi gồm 3 container với trọng lượng 67,5 tấn trị giá khoảng 220.000 nhân dân tệ dự kiến đến Quảng Châu với thời gian toàn trình 7 ngày. Đây là một phương thức vận chuyển mới, có ưu điểm là thời gian vận chuyển ổn định, thủ tục hải quan xuất và nhập khẩu vào Trung Quốc nhanh chóng, chi phí logistics giảm hơn so với đường bộ.

Ông Mai Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ratraco, cho biết việc lựa chọn vận chuyển dừa tươi, một sản phẩm nông sản quan trọng của Việt Nam, bằng đường sắt giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đến tay đối tác. Đồng thời, việc vận chuyển bằng đường sắt còn thể hiện sự chuyên nghiệp và cam kết trong việc cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho thị trường quốc tế, tiết giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp (DN) hai nước, góp phần tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu bằng đường sắt.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, chia sẻ việc đa dạng hóa phương thức vận chuyển hàng hóa, như vận chuyển bằng tuyến đường sắt liên vận sang Trung Quốc là một yếu tố mà các DN rất cần. Điều này vừa giúp DN giảm chi phí vận chuyển, vừa rút ngắn thời gian giao nhận; hàng hóa vận chuyển bảo đảm an toàn, không bị va đập, hư hỏng, vận chuyển đúng lịch trình không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác. Bên cạnh đó, việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua, đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, cần thời gian vận chuyển nhanh.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình

Nỗ lực đạt mức cao nhất

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đang có nhiều thuận lợi. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như ngành gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD, tăng 27,7%, chiếm tỷ trọng 18,8% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh; kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 12,8%; kim ngạch xuất khẩu ngành giày da đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TBS Group, cho biết bên cạnh sản xuất, công ty đang mở rộng các phân xưởng, thu hút thêm 10.000 lao động nhằm tiếp nhận thêm đơn hàng mới, đồng thời để đáp ứng yêu cầu nâng cao sản lượng xuất khẩu ngay từ quý I-2025. Đến nay, công ty đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024. Công ty phấn đấu giá trị xuất khẩu năm nay tăng 20% trở lên so với năm 2023.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan. Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để khai thác.

Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt mức cao nhất, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; chú trọng việc tiếp cận thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa kênh xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng. Bình Dương phấn đấu các dự án hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành đúng tiến độ, giải tỏa điểm nghẽn trong vận tải và xuất khẩu, tiết kiệm chi phí cho DN, củng cố điểm sáng của Bình Dương trong môi trường đầu tư.

 Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu tại tỉnh được đầu tư phát triển tương tối đồng bộ, hiện đại, kết nối với các cảng biển lớn trong cả nước như cảng Cát Lái, cảng Cái Mép, thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và cảng sông quốc tế (Cảng tổng hợp Bình Dương). Đây là cơ sở quan trọng để hoạt động xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian tới.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=770
Quay lên trên