Ý chí vượt khó của nữ cựu chiến binh hậu cần

Cập nhật: 15-07-2017 | 16:40:42

(BDO) Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi với muôn vàn khó khăn của chiến tranh nhưng bằng lòng yêu nước nồng nàn cựu chiến binh Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1949) đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi phục viên không được bao lâu chồng cũng mất vì bệnh nặng. Bằng ý chí và nghị lực của người lính cụ Hồ, một mình bà đã nuôi dạy con khôn lớn, xây dựng kinh tế gia đình vươn lên khá giả.

Bà Nguyễn Thị Lan sinh ra và lớn lên ở ấp Vũng Tây, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng giữa lúc đất nước đang hứng chịu những trận bom đạn của giặc. Do tình yêu quê hương sôi sục muốn đi theo cách mạng nên năm 1965 khi vừa tròn 16 tuổi bà đã tự nguyện tham gia quân ngũ vào làm công tác hậu cần tại bệnh viện Quân y Đoàn 83, Quân khu 7.

Bà kể lúc đó chưa biết nấu cơm nhưng vào đó nấu một lần hai thúng gạo. Nhiều lần bà khóc vì sợ nấu cơm không chín, sợ không hoàn thành nhiệm vụ bị kiểm điểm. Bằng sự kiên trì, chịu khó học hỏi từ đồng đội trong thời gian ngắn bà đã vượt qua nỗi lo lắng đó thực hiện tốt phần việc của mình để mang lại những bữa cơm ngon cho bộ đội.

Một năm trôi qua thấy bà có tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên xét duyệt cho bà đi học y tá tại bệnh viện quân y B18 thuộc Đoàn 83 vào năm 1966. Sau 6 tháng học tập bà được phân công chăm sóc sức khỏe của các chiến sĩ tại đội 3 của Đoàn 83, phục vụ với tinh thần “Lương y như từ mẫu”.


Cựu chiến binh Nguyễn Thị Lan dạy dỗ các cháu học bài

Đến năm 1969, bà được điều chuyển tới Campuchia tới tháng 7 năm 1975 chuyển về tòa hành chánh Hậu Nghĩa, Long An. Bà được Chủ tịch Nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có công lao trong cuộc kháng chiếng chống Mĩ cứu nước vào năm 1999.

Năm 1976, sau khi phục viên, hai vợ chồng trở về quê hương xây dựng kinh tế gia đình với biết bao khó khăn do thiếu vốn, không có đất sản xuất. Càng khó khăn hơn khi năm 1982 người chồng qua đời do bệnh nặng. Từ đó một mình bà phải gồng gánh mọi việc để nuôi 5 đứa con nhỏ còn đang tuổi ăn học. Năm 1983 bà được nhận vào làm công nhân tại nông trường cao su với đồng lương ít ỏi dành dụm mua được mua con trâu.

Ông bà ta thường nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” khi bán con trâu đó bà có tiền mua thêm một mẫu đất kết hợp với một mẫu đất do vợ chồng bà khai phá được trước đó đã giúp bà có thêm điều kiện tăng gia sản xuất. Bà tâm sự, đến năm 1995 cuộc sống mới dần ổn định khi gia đình bà được cấp nhà tình nghĩa vững chắc thay cho căn nhà tranh lụp xụp trước kia. Đến năm 2.000, bà nghỉ hưu theo chế độ và cùng với con cái đầu tư chăn nuôi heo kết hợp với trồng cao su. Bằng sự nỗ lực, ý chí vượt khó của người lính năm xưa đã giúp nữ cựu chiến binh nuôi dạy con khôn lớn, đưa gia đình vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, bà còn là hội viên hội cựu chiến binh xã Long Tân được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh ấp Long Chiểu trong 10 năm liền. Từ những đóng góp thiết thực trong các phong trào ban ngành đoàn thể bà được Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010. Được Ban chấp hành hội cựu chiến binh tỉnh Bình Dương tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016.

Ông Nguyễn Long Vũ – Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Long Tân cho biết: “Cựu chiến binh Nguyễn Thị Lan là tấm gương điển hình trong phong trào vượt khó được Hội cựu chiến binh tỉnh đánh giá cao. Ngoài ra, bà luôn hoàn thành tốt các hoạt động xã hội tại địa phương, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

AN THẠCH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=608
Quay lên trên