Xuất hiện nhiều điển hình
Giờ đây, đi dọc theo các xã có người ĐBDTTS sinh sống như: An Bình, Tam Lập, Tân Hiệp, An Thái, An Linh, Phước Sang, An Long… mới thấy hết được sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn cao su trải dài trên các con đường; cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, nhà cửa xây cất khang trang của người dân mọc lên ngày càng nhiều. Xã An Bình, nơi ĐBDTTS có hơn 1.000 dân là một điển hình trong xóa đói, giảm nghèo của huyện. Nơi đây, số hộ nghèo giảm xuống nhanh chóng từ 36 hộ (2012) còn 26 hộ (2013) theo tiêu chí mới của tỉnh. Riêng đối với đồng bào dân tộc còn khoảng 5 - 6 hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Võ Văn Lợi, cho biết so với 5 năm trước, hộ ĐBDTTS ở An Bình có thu nhập 50 triệu đồng/ năm là điều rất hiếm. Hiện nay, số hộ có thu nhập từ 50 triệu đồng, thậm chí lên đến 200 triệu đồng/ năm như hộ chị Ngưu Thị Dung, Kim Minh Thành… xuất hiện nhiều, với những mô hình phát triển kinh tế gia đình giỏi.
Nhiều con em ĐBDTTS Phú Giáo học nghề tại trường Dạy nghề Phú Giáo Ảnh: THIÊN LÝ
Đến với Tân Hiệp, hỏi thăm gia đình ông Đàm Văn Thảo (SN 1966, người dân tộc Tày), mọi người ai cũng biết. Gia đình có 5 anh chị em vào Bình Dương lập nghiệp. Ban đầu, đời sống phụ thuộc vào vườn rau, củ, lúa... nhưng thường xuyên bị mất mùa. Không nản chí, anh em động viên nhau nghĩ ra cách chuyên canh cây điều để thoát nghèo. Sau cây điều, họ chuyển sang trồng cao su. Hiện nay, 5 anh chị em ông Thảo đều có 4 - 8 ha cao su, thu nhập hàng năm vài trăm triệu. Đặc biệt, con cháu của “đại gia đình” ông Thảo ai cũng học khá giỏi, nhiều em sau khi ra trường đã về phục vụ địa phương. Với tâm niệm “Anh em như thể chân tay”, họ đoàn kết để “kéo” những người còn khó khăn vươn lên ổn định kinh tế. Nhờvậy, khu người Tày tại Tân Hiệp giờđược gọi là “khu nhà giàu”.
Lên xã Tam Lập hỏi về chuyện phát triển kinh tế, ai cũng nhắc đến gia đình ông La Văn Sự - người dân tộc Sán Chỉ. Ông Sự cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn vì chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, nên cứ luẩn quẩn đói nghèo. Cuộc sống của gia đình thật sự thay đổi kể từ khi chuyển sang trồng cao su”. Ông La Văn Sự là một trong những điển hình người dân tộc làm kinh tế giỏi, tích cực đóng góp bảo lưu giá trị văn hóa dân tộc. Học tập gia đình ông Sự, nhiều hộ gia đình ở xã Tam Lập đã chuyển đổi sang trồng cao su. Phong trào trồng cao su đã mở hướng làm ăn mới, có thu nhập cao cho bà con đồng bào dân tộc Sán Chỉ, cũng như người Kinh trong xã. Giờđây, Tam Lập đang ngày một đổi thay, người dân ngày càng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khu ấp yên ấm, con cháu được học cao.
Con cá và cần câu
Sự chuyển biến trong đời sống ĐBDTTS Phú Giáo là một bước đột phá của huyện, đi đúng mục đích giúp “cái cần” chứ không cho “con cá”. Huyện Phú Giáo đã đầu tư xây dựng đường nội bộ khu tái định cư ĐBDTTS xã An Bình. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với chiều dài tuyến đường hơn 10km, tổng mức đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, huyện đã sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào vùng sâu, vùng xa an cư lạc nghiệp. Huyện còn hỗ trợ vay vốn, chính sách và các trợ cấp khác cho đồng bào. Riêng năm 2013, huyện đã hỗ trợ vốn công trình nước sạch cho 208 hộ dân tộc, với hơn 1,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 18 hộ với số tiền 360 triệu đồng; xây dựng 5 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn. Hàng năm huyện còn chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ nông dân DTTS.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo Đoàn Văn Đồng, cho biết: “Nhờsự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nên kết cấu hạ tầng ở vùng ĐBDTTS được xây dựng phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh. Các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới, điện thoại, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi cơ bản hoàn thiện; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí. Nhờvậy, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn giỏi, gia đình đạt chuẩn văn hóa…”.
Bên cạnh chăm lo đời sống kinh tế cho ĐBDTTS, giáo dục, y tế, văn hóa cũng được huyện quan tâm. Toàn huyện, khối mầm non có 11 trường công lập, 5 trường tư thục và 5 cơ sở nhóm trẻ mầm non; tiểu học có 15 trường; 8 trường THCS; 3 trường THPT; 1 trung cấp nghề và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tính đến cuối năm 2012, con em ĐBDTTS đến trường khá đông, với 50 em theo học đại học, 46 cao đẳng, trung cấp 72 em; các em học sinh được đi học đúng độ tuổi, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao. Hàng năm đều tổ chức họp mặt học sinh, sinh viên đồng bào và tặng mỗi em 200.000 đồng để mua sách, dụng cụ học tập cho năm học mới. Về chăm sóc sức khỏe, các trung tâm y tế, trạm y tế hoạt động 24/24 giờđể phục vụ người dân; nhiều đoàn khám từ thiện cũng đến để khám, phát thuốc, tặng quà cho người ĐBDTTS trong huyện.
Ông Đồng, cho biết thêm: “Để giúp bà con ĐBDTTS lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho ĐBDTTS. Bên cạnh đó, huyện kêu gọi đoàn viên thanh niên là người dân tộc tích cực động viên gia đình giữ gìn bản sắc văn hóa. Qua đó, mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa từ chính người đồng bào các dân tộc, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, của ngành VH-TT”.
THIÊN LÝ