Góp ý dự thảo 3 phương án tổ chức kì thi Quốc gia: Cần thay đổi theo lộ trình

Cập nhật: 07-08-2014 | 09:32:52

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay). Kết quả kỳ thi này sẽ sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ xét tuyển. Tại Bình Dương, nhiều ý kiến cũng được đưa ra,nhưng tất cả đều mong muốn tiến đến một kỳ thi hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.

 3 phương án môn thi
Về môn thi, hiện Bộ GD-ĐT vẫn lấy ý kiến về 3 phương án. Phương án 1 sẽ thi theo môn, thi 8 môn gồm toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (còn gọi là môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH-CĐ quy định.

Phương án 2 sẽ thi theo bài. 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm toán, văn, sử, địa, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi, gồm: bài thi toán, bài thi văn, ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh), bài thi khoa học xã hội (gồm sử, địa). Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Phương án 3 cũng thi theo bài nhưng 11 môn ở lớp 12 THPT, gồm: toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ, tin học, công nghệ, giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi là bài thi toán - tin (gồm toán, tin); bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh, công nghệ); bài thi khoa học xã hội (gồm văn, sử, địa, giáo dục công dân); bài thi ngoại ngữ. Có 4 buổi thi trong 2 ngày. Mỗi thí sinh đều phải thi cả 4 bài thi nói trên. Phương án này được coi là gọn nhẹ nhất, ít tốn kém nhất vì chỉ thi 2 ngày.

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Hội đồng thi trường THPT Dĩ An

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Hội đồng thi trường THPT Dĩ An.   Ảnh: N.THANH

Theo ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương thì cả 3 phương án trên đều chưa có tính khả thi. Nhưng năm 2015 nên thi theo phương án 1, tức là vẫn thi theo các môn vì phù hợp với cách dạy và học hiện nay, không gây xáo trộn, tâm lý hoang mang trong học sinh. Các em sẽ vẫn thi theo môn học truyền thống với 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại. Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Thêm vào đó, với phương án 1, học sinh trong quá trình học sẽ không thể xem nhẹ các môn học xã hội, nhất là trong giai đoạn lịch sử hiện nay. Công tác tuyển sinh trong nhiều năm qua đã quácoi trọng các môn khoa học tự nhiên dẫn đến nhận thức của các em về văn hóa, đạo đức những cái lẽ ra rất cần nhưng lại rất xem nhẹ.

Ông Trần Đăng Nam, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Dĩ An cũng cho rằng: “Phương án 1 là khả thi nhất và theo tôi vẫn nên bắt buộc thi môn ngoại ngữ”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 cũng đã nhấn mạnh cần phải coi môn ngoại ngữ quan trọng không kém môn văn, toán. Thông điệp của vị lãnh đạo cấp Nhà nước một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của môn ngoại ngữ. Học sinh khi đã được học ngoại ngữ trong nhà trường thì khi học xong phải biết giao tiếp, sử dụng hiệu quả. Có như thế chúng ta mới chuẩn bị cho thế hệ trẻ tự tin hội nhập, trở thành công dân toàn cầu như mong muốn.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau ngoài những phương án trên. Theo ông Trần Đức Thịnh,cán bộ về hưu tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An thì chỉ nên tổ chức một kỳ thi ĐH để phân loại học sinh. Và nên xét tuyển tốt nghiệp THPT theo kết quả học tập cả năm. Sau 12 năm học, cháu nào cũng sẽ muốn được tốt nghiệp THPT nên sẽ phải cố gắng học để có kết quả tốt các môn. Còn cháu nào muốn vào học ĐH thì sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều.

Em Lê Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12A1 trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) cho biết: “Theo em thì nên giữ phương án thi ĐH như năm 2014 là hợp lý nhất. Vì nếu đổi ngay năm nay sẽ gây ra nhiều bất lợi cho khóa của em. Bởi vì khi bước vào lớp 10 chúng em đã học theo cách thi ĐH như cũ (3 chung). Nay lên 12, bộ thông báo thay đổi cách thức thi, trong thời gian ngắn chúng em khó có thể tiếp nhận và thay đổi cách học tổng hợp kiến thức nhiều môn thi như phương án mà bộ đưa ra”. 

Sau khi dự thảo được công bố, Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng, sớm công bố phương án chính thức để có thể áp dụng vào năm 2015.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X