Honda SH và SH Mode tăng giá 6 triệu đồng

Cập nhật: 30-10-2013 | 00:00:00
Trong khi SH Mode tăng nhẹ khoảng 3 triệu thì SH 125i có giá bán cao nhất 72 triệu, cao hơn 6 triệu so với giá đề xuất của hãng.

Dù còn 3 tháng nữa mới tới Tết nguyên đán nhưng thị trường xe máy, nhất là xe tay ga bắt đầu rục rịch trở lại. Tại Hà Nội, hai mẫu xe mang thương hiệu SH của Honda là SH 125i và SH Mode đều có giá bán cao hơn so với giá đề xuất của hãng.

SH 125i được hầu hết các Head (cửa hàng ủy nhiệm Honda) bán với giá 71-72 triệu đồng, tức là cao hơn 5-6 triệu so với giá mà Honda Việt Nam đưa ra. Không khan hiếm hàng, không thực sự sốt nhưng mức giá này đang đưa SH từng bước tiến đến đợt bán hàng nóng nhất vào cuối năm, đồng thời mang về khoản lời cao hơn cho các Head.

 IMG-4992-JPG-6350-1383042433.jpg SH Mode được bán với giá 52-52,5 triệu đồng. Ảnh: Đức Huy.

Dưới một bậc, đàn em SH Mode cũng tăng giá, mức giá 52-52,5 triệu đồng cho tất cả các phiên bản. Nếu trước đây màu hồng không được ưa chuộng thường rẻ hơn khoảng một triệu đồng thì đến nay, các Head cho biết, Honda không xuất hàng màu hồng nữa, do đó mức giá san bằng cho 6 màu còn lại.

Ra đời tháng 6, đến nay sau gần 5 tháng SH Mode đã bán trên mức giá đề xuất khoảng 3 triệu. Khoảng 2-3 tháng đầu tiên, mức giá đi theo quy luật sốt cao (sau khoảng 10 ngày lên kệ), quay về vạch xuất phát, rồi từ từ nhích từng chút. Khoảng 2 tháng trở về trước 51 triệu đồng là giá bán chung cho các phiên bản thì đến nay con số này đã tăng nhẹ 1 triệu.

Nhưng khác với SH 125i sẵn hàng thì SH Mode lại khan hàng, hầu hết Head chỉ còn một vài xe, có Head không còn phải chờ đến đợt hàng vào tháng tới. Nguyên nhân của hiện tượng này là Honda hạn chế lượng xe cung cấp khi các đại lý có đơn hàng.

Theo các Head, sau thời gian đầu "chê bai" thiết kế, khách hàng đã quay trở lại hành vi mua hàng thường thấy là chấp nhận hình dáng và tập trung vào tính năng. Vì thế để chuẩn bị tốt cho đợt bán hàng cuối năm, hãng xe Nhật Bản có hành động dè chừng để thăm dò thị trường.

Tình trạng giá bán của đại lý cao hơn giá đề xuất của nhà sản xuất đã thành chuyện bình thường trên thị trường và xảy ra ở tất cả dòng xe được khách hàng ưa thích. Quy luật cung cầu là lý giải của hầu hết liên doanh tại Việt Nam. Khi nhu cầu cao đại lý tăng giá, khi ế ẩm đại lý giảm giá. Cả hai khoản chênh lệch lên và xuống này đều không được thể hiện vào hóa đơn bán hàng.

Ông Ngô Trọng Thanh, trong bài viết "Bản chất của việc làm giá xe máy tại Việt Nam" nhận định: "Một quy luật tất yếu trong phân phối, đó là sản phẩm có thị trường càng mạnh, thì tỷ suất lợi nhuận càng nhỏ. Hiện tượng sốt giá là một trong các kỹ xảo để gia tăng lợi nhuận cho nhà phân phối, qua đó hút vốn kinh doanh.

Ngoài ra, không loại trừ việc các hãng muốn dùng cách này để hâm nóng hình ảnh bằng cách tạo cơn sốt trên thị trường. Vô hình trung, dư luận trong cộng đồng tiêu dùng mặt nào đó góp phần xây dựng hình ảnh, biến các loại xe đó thành những sản phẩm luôn được chào đón nồng nhiệt".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=519
Quay lên trên