Kỳ 8: Chiến công lạ thường
Chiếc máy bay “cá rô” gầm rú quần thảo trên bầu trời Sở Ông Kho, nay thuộc ấp An Mỹ (An Điền, Bến Cát). Địch đã phát hiện ra các hầm bí mật của ta nằm ẩn sâu dưới những gốc cây cầy và chuẩn bị đổ bộ bắt sống. Trong tình thế nguy cấp, một bóng áo đen lao lên đối đầu với chiếc “cá rô” đang lia đạn như mưa. Bốp! Bốp! Bốp! Máy bay địch quay cuồng rồi lảo đảo lao về hướng chi khu Bến Cát trước khi tan xác…
Ông Tám Tàng chỉ nơi ông Sáu Tấn dùng súng K54 bắn hạ máy bay địch
Anh dũng đi đầu
Trong suốt thời kỳ kể từ khi được giác ngộ cách mạng, tham gia lực lượng an ninh rồi có lúc làm Trưởng ban an ninh Bến Cát, đồng chí Nguyễn Văn Ca (Sáu Tấn) luôn anh dũng đi đầu trong công tác diệt ác, phá kìm. Ông thể hiện tinh thần ngoan cường của một chiến sĩ công an, làm tốt công tác vận động quần chúng đấu tranh yêu cầu thi hành Hiệp định Giơnevơ, chống trò “trưng cầu dân ý”, chống bầu cử quốc hội giả hiệu của chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Ông luôn thể hiện được tinh thần nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Trần Nam Văn, nguyên Thường vụ Huyện ủy Bến Cát, nhìn nhận: “Sau đồng khởi ở Bến Cát, tháng 7-1960, đồng chí Sáu Tấn về công tác tại Ban an ninh huyện Bến Cát với nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác do thám, gián điệp, bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ và vùng giải phóng. Từ đây, Ban an ninh Bến Cát dần trở thành lực lượng an ninh vững mạnh nhất”.
Ông Sáu Tấn ngày còn hoạt động bí mật (ảnh do gia đình cung cấp)
Nay ở tuổi 71, ông Nguyễn Văn Tàng (Tám Tàng), nguyên là cận vệ của đồng chí Sáu Tấn giai đoạn 1966-1970 vẫn nhớ như in về tinh thần dũng cảm đi đầu của thủ trưởng mình khi ấy. Ông nói: “Anh Sáu Tấn là người cán bộ an ninh giỏi nhất mà tôi từng gặp. Anh gan dạ và dũng cảm lắm! Dù là cán bộ chủ chốt nhưng diệt gian, phá kìm trận nào, ở đâu anh cũng xuống tận địa phương trực tiếp chỉ huy anh em chứ chưa bao giờ ra lệnh bằng giấy tờ…”.
Với tinh thần sâu sát, nghiêm túc thực hiệm nhiệm vụ, trong suốt thời gian đấu tranh với địch, ông Sáu Tấn đã cùng anh em diệt gọn tên Long, Trưởng chi cảnh sát quận của ngụy khi hắn đang chỉ đạo quân ngụy dồn dân từ Long Nguyên ra địa điểm nhà dân gần Cầu Đò, tuyên truyền nói xấu cách mạng. Hay như việc ông trực tiếp cùng anh em chặn bắt nhiều tên tình báo của địch đi dò la tin tức của ta, diệt tên nội gián Ba Bê…
K54 diệt “cá rô”
Trong quá trình thực hiện loạt bài, chúng tôi được các anh em, đồng đội của ông Sáu Tấn dẫn về thăm lại những chiến trường xưa, nơi họ đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến khốc liệt với địch, sát nách của chúng. Đâu đâu cũng ghi dấu những chiến tích anh hùng, kể cả xương máu ướt đẫm những vạt đất cằn. Những nơi ấy nay đã trở thành những vạt rừng cao su tươi tốt, những mái nhà ngói mới đỏ tươi hay nhà xưởng đã mọc lên…
Ông Tám Tàng ngồi sau xe máy của chúng tôi bồi hồi kể: “Tôi sẽ đưa các anh về lại nơi mà anh Sáu Tấn năm đó bắn rớt máy bay địch chỉ bằng một khẩu K54. Đó là khu rừng thuộc Sở Ông Kho…”. Ông Tám Tàng bảo, mùa khô năm 1970, căn cứ các cơ quan đầu não của Bến Cát đã được tạm thời di dời về đây. Khu vực này bây giờ đã trở thành một vựa cây cảnh rất lớn của một nghệ nhân từ TP.HCM lên lập nghiệp.
Một buổi sáng như thường lệ, địch tổ chức 3 chiếc máy bay gồm 1 máy bay trinh sát, loại máy bay OH6 (thường gọi là “cá rô”) và 2 máy bay vũ trang hiệu Cobra (thường gọi là “cá lẹp”) càn quét và lùng sục tìm căn cứ, hầm trú ẩn của ta. “Cá rô” có nhiệm vụ chính bay rất gần mặt đất, quạt bay cây rừng để 2 chiếc “cá lẹp” đi sau bắn phá. Đến 15 giờ chiều, chúng tổ chức lùng sục khu vực Sở Ông Kho. Từ đây, chúng phát hiện hầm trú ẩn nơi đồng chí Sáu Tấn cùng cận vệ Tám Tàng, bà Nguyễn Thị Tuyết, thư ký của ông và 2 giao liên của ta.
Miệng hầm lộ ra dưới gốc cây cầy, địch trên chiếc “cá rô” lia lựu đạn khói xuống đánh dấu, lập tức 2 chiếc “cá lẹp” vãi đạn như mưa. Đồng chí Sáu Tấn nhanh tay cầm lựu đạn khói quăng ngược trở ra rồi hô to: “Yêu cầu các anh em nhảy ra ngoài! Ta thà chiến đấu và hy sinh chứ không thể để địch bắt sống!”. Dứt lời, ông bung nắp hầm nhảy ra ngoài, rút súng K54 đối đầu với địch. Ông Tám Tàng nhảy ra sau yểm trợ cho thư ký và 2 giao liên rút chạy.
“Tôi vừa chạy vừa nghe tiếng đạn cày nát đất ở dưới chân. Bỗng nhiên, tôi nghe 3 tiếng súng nổ “bốp! bốp! bốp” khô khốc rồi không thấy tiếng đạn của địch nữa. Bốn người chúng tôi ngoái lại và không thể tin vào mắt mình. Chiếc “cá rô” chở 3 tên lính Mỹ và nhiều quân ngụy rung lắc dữ dội, lảo đảo lao về hướng Mỹ Phước được khoảng 500m thì rơi xuống bốc cháy. Lúc này, huyện đội cũng ra khỏi hầm trú ẩn và tiếp tục bắn yểm trợ làm rớt thêm một máy bay vũ trang của địch…”, ông Tám Tàng kể lại. Chúng tôi dừng lại bên vạt đất mà ông Tám Tàng chỉ, xưa kia là gốc cây cầy có hầm bí mật của cán bộ cách mạng, bỗng thấy như mùi khói lửa chiến tranh còn khét lẹt nơi đây. Nơi này, cách đây 44 năm đã ghi dấu chiến công lạ thường của anh Trưởng ban an ninh Bến Cát, trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù.
Gương chiến đấu dũng cảm, dùng súng K54 bắn rơi máy bay trinh sát địch của ông Sáu Tấn được xem là một chiến công tiêu biểu của Ban an ninh huyện lúc bấy giờ. Trong tình thế nguy nan, ông Sáu Tấn đã bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, giải thoát cho đồng đội và bảo vệ cơ quan đầu não của huyện không bị phát hiện. Tấm gương diệt máy bay Mỹ của ông đã cổ vũ tinh thần quân và dân ta, được Huyện ủy Bến Cát phát động thành phong trào thi đua sâu rộng trong lực lượng vũ trang huyện giai đoạn 1970- 1974. Dùng súng K54 bắn rơi máy bay “cá rô” của địch, quả là một chiến công lạ thường trong lịch sử chiến tranh.
Chúng tôi chia tay ông Tám Tàng, Tư Mỏi, bà Nguyễn Thị Tuyết, những nhân chứng sống trong giai đoạn chiến tranh ác liệt của quân và dân ta, trong một buổi chiều mát dịu. Đất lửa anh hùng trong chiến tranh với tấm gương anh dũng của ông Sáu Tấn, nay đã khoác trên mình chiếc áo mới. Chính những tấm gương kiên trung, dũng cảm như ông Sáu Tấn và các đồng đội của ông cùng bao chiến công của quân và dân trong suốt cuộc chiến dai dẳng đã ươm mầm cho một Bình Dương phát triển văn minh, giàu đẹp như hôm nay.
Kỳ 9: Tấm gương anh dũng
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG