Những “bông hoa” trong lòng địch: Đất lửa anh hùng

Cập nhật: 27-08-2014 | 09:00:58

Kỳ 7: Đất lửa anh hùng

>> Xem kỳ trước

Chúng tôi về với xã An Điền, TX.Bến Cát trong một chiều mưa nặng hạt. Đất lửa anh hùng đã sản sinh một người con anh dũng kiên trung mà người dân địa phương nơi đây còn nhớ mãi…

 Ông Nguyễn Văn Mỏi tự hào kể về ông Sáu Tấn cho các thế hệ con cháu xã An Điền noi gương

Anh cả an ninh

Nói đến ông Nguyễn Văn Ca (Sáu Tấn), đi đến đâu các bậc cao niên trong xã An Điền ai cũng nhớ. Ồ! Tưởng ai chớ Sáu Tấn thì thế hệ chúng tôi, không ai lạ gì! Cụ bà Nguyễn Thị Xê, ở tuổi 74 nói. Ông Sáu Tấn xưa từng nhiều lần làm người dân hả gan, hả dạ với những trận chiến không khoan nhượng với kẻ thù. Cũng chính ông là người trừ gian, diệt ác góp phần nuôi dưỡng phong trào cách mạng của địa phương trong những năm chiến tranh khốc liệt.

Sinh năm 1930, ông Sáu Tấn lớn lên giữa những năm sục sôi chống Pháp, chống Mỹ của quân dân ta trên đất lửa anh hùng. Đến năm 1954, ông giác ngộ cách mạng và tham gia lực lượng công an hoạt động trên địa bàn xã An Điền (Bến Cát) với nhiệm vụ nắm tình hình địch cung cấp cho huyện và bảo vệ quần chúng trong các cuộc đấu tranh chính trị, quân sự. Đây được xem là giai đoạn rất khó khăn, khổ cực nhưng ông Sáu Tấn không ngại khó, khổ và luôn làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Sáu Tấn tham gia lực lượng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đáng kể có việc thực hiện chỉ đạo của Ban an ninh huyện Bến Cát diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng như tên Bảy, Hoàng Thọ, Mười Xanh, Thị Lư… Trong đó, nổi tiếng và làm nức lòng nhân dân địa phương nhất vẫn là điệp vụ tiêu diệt tên Cả Châu và nhóm ác ôn khét tiếng “Hiệp sĩ áo đen”.

 

Quân và dân An Điền - Bến Cát liên tục lập đại công trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong ảnh: Địch bị thương vong nặng nề trong một trận càn ở xã An Điền Ảnh: T.L 

Năm 1961, ở Dầu Tiếng nổi lên một nhóm ác ôn khét tiếng gồm 12 tên do quận trưởng Ngà gom góp từ những tên lưu vong, phản bội, thám báo, cho mặc đồng phục màu đen, đội mũ đen, đặt danh hiệu là “hiệp sĩ”. Cầm đầu bọn này là tên Cả Châu. Chúng cam kết với quận trưởng Ngà sẽ “Tiêu diệt sạch Việt cộng nằm vùng”. Bọn chúng thông thạo đường đi từng làng, biết được nhiều cơ sở cách mạng nên sẵn sàng bắt bớ và bắn bất cứ ai trong tầm ngắm. Chính vì thế, nhiều cơ sở cách mạng bị chúng phục kích bắt, tra tấn và giết dã man. Ngoài ra, Cả Châu còn tổ chức nội gián vào tổ chức của ta. Chính vì thế, Ban an ninh huyện quyết liệt đề ra kế hoạch phải tiêu diệt gấp tên này để trừ hại cho dân, giữ gìn lực lượng cách mạng. Để thực hiện kế hoạch này, không ai khác ngoài Sáu Tấn có thể đảm nhận trách nhiệm. Bởi ông chính là “anh cả” an ninh của toàn huyện thời bấy giờ…

Vạch tội áo đen

Cũng cần phải kể thêm rằng, hoạt động của bọn “Hiệp sĩ áo đen” rất tinh vi và khó lường. Ban ngày chúng thường mặc áo quần thường dân, ngồi xe lam, xe ba bánh chở tranh, chở rơm rồi nhảy xuống các ngã ba, ngã tư đường phục kích. Xế chiều, chúng đã đến các ngả đường phục kích, đón đường các cán bộ cách mạng đi công tác vào ban đêm. Do đó, việc đi lại hoạt động của ta ngày càng khó khăn, tổ chức có nguy cơ bị mất cơ sở, mất quần chúng.

Cầm trên tay quyết định phải tiêu diệt bọn này bằng được, ông Sáu Tấn rất suy tư. Điều này được ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi), nguyên cán bộ Ban an ninh huyện thuật lại: “Đêm đó, tôi với anh Sáu Tấn suy nghĩ rất lâu. Tiêu diệt địch là nhiệm vụ phải làm, nhưng phải làm sao diệt gọn ổ bọn chúng, lại tránh thương vong cho ta ở mức tối thiểu. Bàn mãi, cuối cùng anh Sáu Tấn quyết định, phải diệt ngay tại ổ của chúng…”.

Đó là một ngày cuối tháng 11-1962, sau một thời gian dài tổ chức theo dõi, Ban an ninh huyện nhận được tin mật báo của quần chúng, tên Cả Châu từ thị trấn vô làng 6, lập sòng bài tại nhà y tá Liên. Ông Sáu Tấn quyết định cùng Tổ an ninh vũ trang huyện phối hợp Đại đội 64 giả trang làm lính ngụy đến nơi Cả Châu đang ngồi đánh bài. Vốn bản tính hung tợn, kẻ cả nên khi thấy lực lượng ta vào, Cả Châu lớn tiếng quát mắng, chửi thề. Sẵn lúc địch bất ngờ chưa cảnh giác, lực lượng công an, quân sự đồng loạt xông vào bắt giữ tên ác ôn khét tiếng mang về căn cứ.

Được tin Cả Châu bị bắt, nhân dân ta ở Dầu Tiếng rất mừng. Đúng 24 giờ sau, tại căn cứ Đồng Trúc, đồng chí Sáu Nhàn đọc tuyên bố bản án dành riêng cho Cả Châu cùng đội “Hiệp sĩ áo đen” Dầu Tiếng. Tin Cả Châu bị tiêu diệt làm quận trưởng Ngà lo sợ, bọn phản động khu vực Dầu Tiếng cũng giảm bớt các hoạt động, băng nhóm “Hiệp sĩ áo đen” tan rã. Từ đây, phong trào cách mạng của ta được khôi phục mạnh mẽ, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng lại tăng cao.

Sau chiến dịch vạch tội bọn áo đen, ông Sáu Tấn còn xây dựng được cơ sở bên trong ấp chiến lược, hướng dẫn, vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Ông cũng chỉ đạo trinh sát vũ trang kết hợp lực lượng binh vận của huyện rải truyền đơn, kêu gọi binh sĩ địch ra hàng, cảnh cáo ác ôn, nợ máu với cách mạng bằng những hành động thích đáng. Ông Huỳnh Văn Thu (Bảy Thu), nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát nhớ lại: “Nếu không có Sáu Tấn đề ra các kế hoạch diệt ác, phá kìm và xây dựng cơ sở, có lẽ ta sẽ rất khó khăn trong việc chống đỡ những trận càn ác liệt của địch. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân ở các xã bị địch khống chế lập ấp chiến lược, nhiều nơi địch làm đi làm lại 3, 4 lần vẫn không được”.

Đất lửa anh hùng đã sản sinh những người anh hùng như ông Sáu Tấn, góp phần vào chiến công oanh liệt của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Năm 1966, Bác Hồ đã từng nói: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công. Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Pleime, Đà Nẵng…”.

Kỳ 8: Chiến công lạ thường

 

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1198
Quay lên trên