Tổ quốc bên bờ sóng: Bến cảng nghĩa tình

Cập nhật: 30-07-2014 | 00:00:00

>>> Tiếp theo kỳ trước

Kỳ 27: Bến cảng nghĩa tình

Trong cuộc đấu tranh giải phóng đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được nhiều lần đón tiếp đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc… Mảnh đất kiên cường này đã đi vào ký ức của hàng vạn con người về một thời chiến tranh khói lửa…

Xứ Thanh - vùng đất văn vật nổi tiếng này luôn thu hút chúng tôi tìm đến nhưng chưa bao giờ cảm nhận hết sự hấp dẫn của đất và người nơi đây. Kỳ lạ thay, cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã cho đến bây giờ vẫn là niềm tự hào pha lẫn sự ngạc nhiên có phần tâm linh của nhiều người. Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu nối liền con đường huyết mạch Bắc - Nam nên đã trở thành túi hứng bom đạn của địch. Hàng vạn tấn bom đã trút xuống nhưng chưa bao giờ trúng cầu Hàm Rồng mà chỉ rơi vào các vách núi xung quanh. Người ta nói rằng, các dãy núi sừng sững bao quanh chiếc cầu đã tạo nên thế phong thủy rất hiểm trở nên mặc cho bom rơi, đạn lạc cầu vẫn bình yên.  

Bia tưởng niệm những đoàn tàu nghĩa tình chở đồng bào miền Nam ra Bắc tại TX.Sầm Sơn

Dòng sông Mã mùa này nước đục ngầu, chở nặng phù sa cho những cánh đồng miền xuôi lúa thêm trĩu hạt. Sông Mã - con sông hiền hòa và dữ dội một thời đã đi vào thơ ca và lịch sử dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng vạn con em Thanh Hóa đã ngược dòng sông này đi chiến dịch. Vết chân xưa của cha ông nay vẫn còn vang vọng trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

Sầm Sơn một chiều biển lặng. Những con thuyền đánh cá đang từ Hoàng Sa trở về trong sự chào đón của người dân ven bờ. Một cảm giác rất lạ - sự đón chào những con thuyền hôm nay không phải chỉ là tình cảm của những người thân với nhau mà là cả tấm lòng của nhân dân vui mừng đón những chàng trai từ vùng biển đang dậy sóng trở về. Thuyền cập bến, cả một rừng cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển thổi lồng lộng. Anh bạn tôi xen vào một câu mang tính triết lý: “Dân tộc ta là thế. Khi Tổ quốc vẫy gọi, nhân dân luôn đặt lợi ích của dân tộc trên hết. Sẽ là sai lầm nếu một thế lực nào đó muốn thách thức cả dân tộc bất khuất này”. Thật chí lý! Tôi bỗng nhớ, vùng biển này cách đây hơn nửa thế kỷ cũng đã diễn ra một sự chào đón lớn, đầy ắp nghĩa tình.  

Biển Sầm Sơn hôm nay

Từ Sầm Sơn đi về khu vực Bến Hới (nay là Cảng Hới, phường Quảng Tiến, TX.Sầm Sơn) chừng 4km. Chúng tôi đến đây khi nắng chiều đã tắt. Từng cơn gió mát dịu ùa về. Trên bến cảng, thuyền về đầy ắp. Sát bên cầu tàu Cảng Hới vẫn còn một tấm bia khắc ghi một sự kiện lịch sử. Nơi đây, gần 60 năm về trước đã diễn ra cuộc gặp gỡ có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước ta. Đó là, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc 1.800 thương binh và hơn 50 ngàn cán bộ, nhân dân từ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Người dân nơi đây còn nhớ rằng: Vào những ngày sục sôi năm ấy, khi chuyến tàu đầu tiên chở chiến sĩ ta bị địch bắt trao trả vừa cập cảng, hàng ngàn đồng bào đứng chật ních hai bên đường chào đón những đứa con thân yêu của Tổ quốc trở về trong niềm vui và xúc động trào dâng. Tiếp theo những chuyến tàu chở bộ đội là những tàu chở cán bộ, đồng bào miền Nam.

TX.Sầm Sơn những ngày năm ấy chan chứa tình người và vui như ngày hội, dù đó là một cuộc chia ly chưa hẹn ngày về. Ông Trần Chí Trác, một người dân địa phương, nhớ lại: “Năm 1954, tôi khoảng 15 tuổi, là học sinh và được trường chọn vào đội phụ trách công tác thanh thiếu niên địa phương. Hồi ấy gọi là “Thiếu niên chim hòa bình”. Nhiệm vụ của tôi là tham gia vào xưởng sản xuất bánh kẹo, phân phát cho các học sinh miền Nam. Những người lớn tuổi thì lo cơm đùm, cơm nắm đến tận nơi đón tiếp đồng bào. Bà con kẻ Nam, người Bắc như chung một nhà…”.

Từ trong môi trường học tập, rèn luyện ban đầu trên miền Bắc XHCN, nhiều đồng chí sau này đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân… và nhiều lãnh đạo khác. Ông Lưu Hùng Sơn, Trưởng phòng Văn hóa TX.Sầm Sơn cho biết: Hàng năm, đều có các lãnh đạo nguyên là con em miền Nam tập kết trở lại thăm mảnh đất này với biết bao nghĩa tình sâu nặng. Ông Sơn còn cho biết thêm, nhằm lưu giữ tình cảm thiêng liêng này, TX.Sầm Sơn đang triển khai việc khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án khu lưu niệm cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đây cũng chính là nguyện vọng, tình cảm của nhân dân Thanh Hóa và đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhằm ôn lại những năm tháng thắm đượm nghĩa tình.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã diễn ra nhiều cuộc chia ly của nhân dân. Nhưng chia ly mà không hề ly biệt, hay nói như lời một bài hát là “Cuộc chia ly màu đỏ”. Chia ly để cuối cùng thống nhất một nhà, non sông thu về một mối. Hôm nay, trên mảnh đất nghĩa tình này đang có hàng ngàn người miền Nam ở lại lập gia đình, an cư lạc nghiệp. Họ ra Bắc từ nhiều vùng quê nhưng bây giờ Thanh Hóa đã trở thành quê hương thứ hai của họ như gia đình bác Huỳnh Ngọc Kiều (quê ở Bến Tre), bác Châu Hồng Hải (quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang)…

Chúng tôi chia tay TX.Sầm Sơn. Biển chiều nay thật dịu êm. Trên bến cảng, ngư dân đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để ra khơi cho kịp mùa đánh bắt. Cờ đỏ tung bay. Trong trang phục màu đỏ, ai ai cũng phấn khởi vui cười mặc cho ngoài biển xa có những “cuồng phong, bão tố” do các thế lực phi nghĩa gây nên. Tạm biệt ngư dân Thanh Hóa. Ngày mai, chúc mọi người buồm căng gió lộng ra khơi…

Kỳ 28: Cửa Lò biển sóng

• KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=624
Quay lên trên