“...Ai cũng được học hành”

Cập nhật: 04-03-2015 | 08:43:21

Sinh thời, Bác Hồ có một ham muốn tột bậc là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thực hiện ước nguyện của Người, cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, xem giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu. Bởi chỉ có tri thức mới xây dựng được đất nước phồn vinh, sánh vai với bè bạn năm châu.

Tất cả học sinh đều được đến trường

Học tập là nhu cầu chính đáng của mọi người. Con người có học có hành thì chất lượng công việc mới tốt. Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, thực hiện nghị quyết, mục tiêu phát triển giáo dục của Tỉnh Đảng bộ, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã bám sát nghị quyết, có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao trình độ dân trí.

Với mong muốn ai cũng được đến trường, hàng năm, cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, ngành giáo dục phối hợp với địa phương rà soát số học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường để vận động ra lớp. Theo thống kê, tỷ lệ HS ra lớp 1, lớp 6 luôn đạt tỷ lệ 100%. Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, hàng năm số HS ngoài tỉnh luôn tăng cao, nhất là ở các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, riêng năm học 2014-2015 tăng 27.900 HS ở các cấp. Không để HS đến tuổi đi học phải ngồi ngoài nhà trường, kể cả HS tạm trú, đó là chủ trương chung của ngành GD-ĐT. Tùy đặc điểm mỗi trường, mỗi địa phương mà các trường có hướng giải quyết số HS gia tăng một cách hợp lý, hợp tình. Từ sự cố gắng của tỉnh, ngành GD-ĐT, Bình Dương bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả HS, kể cả con em lao động ngoài tỉnh.

Ngân hàng Kiên Long trao học bổng cho HS nghèo hiếu học. Ảnh: A.SÁNG

Chủ trương nâng cao trình độ dân trí, xây dựng xã hội học tập phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chị Lê Thị Mai Lan, giáo viên trường Tiểu học Vĩnh Hòa (Phú Giáo) nhận xét: “Qua nhiều năm gắn bó với ngành, tôi rất tin tưởng khi nhận thấy Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo việc học cho HS, nhất là ở vùng xa. Tôi rất mừng khi HS Phú Giáo đến tuổi đi học đều được đến trường, từ đó trình độ học vấn của người dân vùng xa này tăng lên rõ rệt”.

Không để còn những trường hợp người dân mù chữ, ngành GD-ĐT tiếp tục duy trì công tác phổ cập giáo dục (PCGD). Bình Dương có thể tự hào khi các mục tiêu PCGD đều đạt rất sớm, về đích trước thời gian quy định của Trung ương. Tỉnh tiếp tục duy trì PCGD tiểu học đúng độ tuổi; 100% huyện, thị, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS; 89/91 xã, phường thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGD bậc trung học, chiếm tỷ lệ 97,8%; cuối năm 2013 Bình Dương đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, trước thời hạn 2 năm.

Vận động HS ra lớp chưa phải là hết trách nhiệm, lo cho các em yên tâm học hành, không có nguy cơ phải nghỉ, bỏ học là việc làm được các cấp ủy Đảng, ngành GD-ĐT và toàn xã hội tính đến. Cứ vào đầu năm học mới, các đơn vị, trường học trong tỉnh lại sàng lọc HS thuộc diện khó khăn và vận động các tổ chức kinh tế - xã hội hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập cho các em. Hàng năm có hàng ngàn suất học bổng kịp thời đến tay HS nghèo, giúp các em vững tin tiếp bước con đường học vấn.

Tạo điều kiện cho mọi người dân được học văn hóa, những HS vì hoàn cảnh khó khăn không được học chính quy thì vào học ở các lớp học tình thương cho con em công nhân lao động, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Ở nhiều địa phương, Đoàn thanh niên đã đứng ra tổ chức thực hiện khá hiệu quả hoạt động này, không để trường hợp nào mù chữ trong thời đại văn minh.

Xã hội cùng học tập

Học tập là suốt đời, ở lứa tuổi nào cũng cần phải học. Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Đây là địa chỉ để mỗi người dân có thể học tập thường xuyên. Hàng năm các trung tâm tổ chức cho hàng vạn lượt người tham gia học tập để nâng cao nhận thức về tư tưởng, chính trị, học để làm kinh tế. Năm 2014 có 750.000 lượt người được học các chuyên đề về chính trị, thời sự, tìm hiểu pháp luật, văn hóa xã hội, kỹ thuật nông nghiệp, nghề truyền thống; trên 26.000 lượt người học ngoại ngữ, tin học. Có thể nói, chủ trương xây dựng xã hội học tập nhận được sự đồng tình cao của người dân. Bà Đặng Thị Tuyết, người dân phường Tân Định (TX.Bến Cát) nói: “Học tập không chỉ là học văn hóa, mà thực tế trong cuộc sống có nhiều kiến thức chúng ta chưa thông hiểu, cần phải học. Con tôi sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được tham gia học nghề miễn phí, nay đã có công việc ổn định. Tôi rất đồng tình với chủ trương phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà”.

Xây dựng xã hội học tập, tỉnh đã xây dựng đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hiện 8/9 huyện, thị, thành phố đã có hội khuyến học, riêng Bắc Tân Uyên đang hình thành Ban Chấp hành Hội Khuyến học lâm thời, chuẩn bị đại hội trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhìn nhận, sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đòi hỏi phải nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ngày nay, khi giáo dục đã được xác định là quốc sách hàng đầu, thì mỗi bước đi, mỗi thành bại của giáo dục đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.

Ông DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, Giám đốc Sở GD-ĐT: Hàng năm số HS ngoài tỉnh theo cha mẹ đến Bình Dương sinh sống, học tập khá cao. Dù có những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền đã tập trung sức lực, đáp ứng nhu cầu học tập cho người dân, đặc biệt là HS con em lao động ngoài tỉnh.

Chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT, hàng năm tỉnh dành khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp của tỉnh từng bước được chuẩn hóa và hiện đại. Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường trang thiết bị dạy học, thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để nâng chất lượng giảng dạy trong nhà trường, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học đến mức thấp nhất.

 

Á.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1129
Quay lên trên