Cha mẹ tốt sẽ cho con đủ thời gian vui chơi, dạy con thay vì trừng phạt, cho con được là chính mình…
Nhiều bậc cha mẹ muốn con mình thành công đến mức bắt chúng tham gia vào các hoạt động ngoại khóa triền miên. Măc dù tham gia các lớp học piano, bóng đá, học thêm, khiêu vũ... có thể có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhưng chắc chắn sẽ có những lúc gây ra sự căng thẳng và áp lực cho trẻ.
Cho con có đủ thời gian vui chơi
Trẻ em cũng là một cá thể bình thường, vì vậy chúng cần có thời gian riêng của mình chỉ để vui chơi. Không cho trẻ có đủ thời gian tự do vui chơi có thể khiến trẻ có cảm xúc tiêu cực, thậm chí gây ra hành vi và tâm lý không tốt.
Không cần cố gắng để trở thành cha mẹ hoàn hảo
Làm cha mẹ là điều khó khăn và ai cũng mong muốn làm hết sức mình để con cái hạnh phúc. Tuy nhiên có một sự khác biệt rất lớn giữa việc "làm tốt nhất" và đạt tới "sự hoàn hảo". Và khi cha mẹ đặt ra những tiêu chuẩn không thể đạt được cho chính mình, họ đã tước đi những kinh nghiệm quý báu của con cái. Phương pháp làm cha mẹ kiểu này thiếu tính xác thực vì cha mẹ không bao giờ thể hiện cảm xúc thực của mình, luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ. Cha mẹ cảm thấy có lỗi vì không đáp ứng được những kỳ vọng của con cái, cuối cùng dẫn đến tâm trạng không tốt và sự thất vọng trong mối quan hệ với con
Dạy con bài học thay vì trừng phạt
Trẻ em thường bắt chước hành vi của cha mẹ và học hỏi từ hành động của họ. Vì vậy, nếu trẻ làm điều gì sai trái, cha mẹ nên sử dụng các phương pháp nuôi dạy tích cực và giải thích cho chúng tại sao hành vi này không được chấp nhận.
Trừng phạt không mang lại hiệu quả trong việc thay đổi hành vi của trẻ bởi vì chúng không hiểu hậu quả của hành vi của mình và tại sao nó sai. Tốt hơn là tạo cơ hội cho trẻ một cơ hội để nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của chúng với sự giúp đỡ của cha mẹ.
Tạo ra những kỷ niệm hạnh phúc cho con cái
Ký ức thời thơ ấu giúp chúng ta hiểu cách mà mình nên phản ứng với những sự kiện nhất định và nhận thức thế giới xung quanh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có nhiều ký ức hạnh phúc sẽ lớn lên khỏe mạnh và hài lòng hơn với cuộc sống. Chúng có xu hướng có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống và kỹ năng đối phó với căng thẳng tốt hơn. Những đứa trẻ này ít có khả năng bị trầm cảm và có xu hướng xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với mọi người.
Luôn thể hiện tình yêu với con
Thể hiện tình yêu và tình cảm sẽ giúp trẻ tránh được các vấn đề về tâm lý và hành vi sai lệch, làm cho trẻ kiên cường hơn trong việc đối phó với căng thẳng. Nó cũng tăng cường sự gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khiến đứa trẻ cảm thấy được bảo vệ nhiều hơn. Bằng cách này, cha mẹ cũng dạy con cách thể hiện tình yêu và chăm sóc mọi người, giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ an toàn và tốt đẹp hơn trong tương lai.
Ưu tiên sự nỗ lực hơn là kết quả
Đôi khi mọi thứ không đi theo cách chúng ta đã lên kế hoạch và mong muốn, cho dù chúng ta có cố gắng thế nào, vì vậy cha mẹ nên chuẩn bị cho con cái tâm lý vững vàng để đối mặt với thực tế cuộc sống. Trẻ em nên được dạy để không bị gục ngã trước một thất bại, mà hãy xem nó như một thách thức và sẵn sàng vượt qua.
Trẻ nên biết rằng thất bại có thể không phải là kết quả của sự thiếu thông minh hoặc tài năng, mà là cơ hội để phát triển trong tương lai. Thái độ này ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ và giúp chúng giải quyết các vấn đề sau này, theo cách hiệu quả hơn.
Ưu tiên sự nỗ lực thay vì kết quả cũng là sự khác biệt lớn giữa cha mẹ thông thái và cha mẹ bình thường .
Nhờ con giúp đỡ việc nhà
Theo một nghiên cứu, những đứa trẻ làm việc vặt trở nên hạnh phúc hơn khi lớn lên. Đó là vì làm việc nhà dạy cho trẻ rằng chúng là một phần của xã hội và phải tự đóng góp để xây dựng. Những đứa trẻ này hiểu rằng công việc là một phần tất yếu của cuộc sống và không ai sẽ làm điều đó thay chúng. Khi lớn lên, chúng có xu hướng chủ động hơn tại nơi làm việc và có kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.
Một thiên tài gần đây của Trung Quốc đã bị thui chột năng lực vì người mẹ không hề yêu cầu con làm việc gì, kể cả tự chăm sóc bản thân.
Dạy trẻ nhận ra cảm xúc của mình
Cha mẹ có thể khuyến khích những cảm xúc tích cực và cố gắng kìm nén những điều tiêu cực. Tuy nhiên, bỏ qua những cảm xúc tiêu cực không làm cho chúng biến mất hoàn toàn. Tốt hơn là giải thích cho trẻ rằng nên cảm thấy bình thường với mọi cảm xúc, nhưng điều quan trọng là phải hiểu những gì đã gây ra các loại cảm xúc đó. Cha mẹ nên dạy con cách suy nghĩ về kinh nghiệm và cách thể hiện cảm xúc của chúng một cách trưởng thành và lành mạnh.
Để con là chính mình
Cha mẹ tốt không nên kìm nén tính cách của trẻ và đừng cố biến chúng thành một người khác. Một số cha mẹ có thể so sánh con mình với những đứa trẻ khác với hy vọng rằng chúng có được những thành tựu như bạn mình. Nhưng thực tế, cách này phản tác dụng. Cách làm này của cha mẹ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ và khiến trẻ trở nên bực bội, chán ghét hơn. Nó cũng khiến trẻ trở nên thiếu tự tin vào bản thân và có tính đố kỵ.
Cha mẹ nên có cuộc sống riêng
Cha mẹ dành gần như toàn bộ thời gian và sức lực của họ cho con cái, nhưng thực ra, họ nên có cuộc sống riêng của mình. Một số cha mẹ thể hiện hành vi sở hữu hoặc kiểm soát quá cao, không thể buông con ra khiến trẻ cảm thấy áp lực khi trưởng thành. Bên cạnh đó, trẻ cần có một hình mẫu thực sự trong cuộc sống, khác những người trong ngôi nhà chúng đang ở.
Điều này có mối liên hệ với triển vọng nghề nghiệp tương lai của trẻ: Một nghiên cứu cho thấy con gái của những bà mẹ đi làm có thể có thu nhập cao hơn và thường làm việc ở vị trí người giám sát.
Tạo ra sợi dây kết nối tình cảm gia đình
Trẻ em cần một môi trường tốt, cho chúng cảm giác an toàn, thoải mái khám phá thế giới xung quanh. Nó cũng giúp trẻ đối phó với căng thẳng và biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Trẻ có kỹ năng xã hội tốt sẽ hình thành mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong tương lai. Chúng không sợ bị từ chối và cởi mở tương tác với mọi người. Những đứa trẻ này cũng có kết quả tốt hơn ở trường vì chúng có sự hỗ trợ và tin tưởng của gia đình.
Giúp trẻ nhận thức được hành vi của mình
Một đứa trẻ nên biết rằng cha mẹ chúng sẽ yêu thương chúng vô điều kiện và hành vi của chúng như thế nào cũng không làm thay đổi điều đó. Nhưng nếu con sai, cha mẹ nên giải thích vì sao hành động đó khiến mình khó chịu và hậu quả của nó. Mục đích chính không phải là kiểm soát trẻ thông qua cảm giác tội lỗi và xấu hổ, mà là biến chúng thành một cá nhân có trách nhiệm kiểm soát hành vi. Cha mẹ cũng đừng nghĩ mình chỉ ra lỗi của con sẽ khiến trẻ sợ hãi mà hãy nghĩ, đó là cách giúp con biết đồng cảm với cảm xúc của người khác.
Theo VNEXPRESS