Từ đầu năm đến nay, cả nước đã thu hút 411 dự án mới FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD; có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 700,3 triệu USD; có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ 2017. Trong số này có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 858,87 triệu USD và 402 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 394,5 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay là 3,34 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 2-2018, nguồn vốn FDI đã đầu tư vốn vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 188,52 tỷ USD; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,56 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí nước đứng thứ ba với 21 tỷ USD.
Hiện nay, vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,25 tỷ USD (chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,66 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,69 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư) đứng thứ ba.
K.VINH