20 năm dắt con đi 'tìm chữ'

Cập nhật: 29-05-2011 | 00:00:00

Suốt hơn bao năm qua, hình ảnh một người cha đen nhẻm, chân tây run rẩy dắt hai đứa con trên chiếc xe đạp cà tàng đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân cụm 5, xã Tích Giang, Phúc Thọ (Hà Nội).

Hai đứa con trai bị teo cơ, không đi lại được, người vợ nay ốm mai đau tưởng chừng ông Khuất Đình Thảo không trụ nổi. Nhưng tình yêu thương các con và gia đình ông vẫn không để con cái “đứt gánh” trên con đường học vấn.

Tận cùng của đau khổ

Gia đình ông sinh được ba người con, ông là trưởng nam của cả dòng họ Khuất Đình (trên ông còn hai chị gái). Ông Khuất Đình Thảo được đặt trọn niềm tin và hi vọng cho cả dòng họ, vậy mà mới được mấy tháng tuổi, ông mắc một căn bệnh lạ. Trên đầu mọc rất nhiều mụn nước, có cái to bằng nắm đấm.

  Tìm con chữ nhờ “chiếc nạng” bố.

Cả nhà đưa ông đi chạy chữa khắp nơi mà không khỏi, đã từng đến 3 lần cả nhà tá hỏa đi làm ma cho ông. “Bao nhiêu lần tôi “chết chó chết mèo”, có đến 3 lần bà mẹ tôi làm tiểu rồi mà vẫn thoát được lưỡi hái tử thần. May mà có ông “lang vườn” quyết tâm giúp tôi chọc mủ ra, chữa trị cho tôi. Ấy thế mà tôi sống đến tận ngày nay, hơi có bị ảnh hưởng đến não, chân tay cứ run run, giờ nói chuyện cái lưỡi cứ bị líu lại” – ông Thảo nhớ lại.

Sau khi ông lấy vợ, ba thằng con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Niềm vui không tả xiết, thế nhưng cũng chẳng được dài lâu. Tai họa ập xuống khi cậu con trai thứ hai Khuất Đình Hiếu (SN 1988), đang khỏe mạnh, bụ bẫm năm lên 6 tuổi, đôi chân cứ nhỏ dần đi. Đang tung tăng chạy nhảy bình thường nhưng giờ đây Hiếu chỉ có thể quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà.

Người con trai thứ 3 Khuất Đình Phương (SN 1999) cũng không tránh khỏi căn bệnh quái ác đó. Thân hình ẻo lả như một “dải khoai”, muốn đi lại Phương cũng phải có chỗ bấu víu mới được. Mọi sinh hoạt của hai anh em đều dựa vào bố mẹ. Tất cả mọi công việc trong nhà đều do một tay bà Hà Thị Mão, vợ ông Thảo cáng đáng.

Cuộc sống đỡ chật vật hơn khi cậu con trai cả của ông bà xin được vào làm công nhân ở một công ty. Tưởng chừng cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng “bệnh tật” cứ bám riết lấy gia đình ông. Sức khỏe của hai đứa con teo cơ của ông rất yếu, không kiêng cữ, chăm bẵm cẩn thận là lại đi viện.

Vừa ra viện được 2 ngày, Hiếu thều thào kể: “Chỉ ngồi trên giường một chỗ mà chẳng hiểu sao, gió máy thế nào mà tôi bị viêm phổi nặng, cứ mỗi lần vào viện là cả nhà lại loạn hết cả lên”.

Chuẩn bị quần áo cho Phương đi học, ông Thảo lấy đến tận hai cái áo trắng dài tay kín đáo trong tiết trời tháng 5 bức bối. Động tác thuần thục, nhẹ nhàng như người mẹ, ông Thảo buồn buồn nói: “Thằng Phương cũng yếu, mùa hè nóng bức như thế này mà phải mặc tận hai ba áo. Phải thật kín không nó sẽ bị nhiễm lạnh”.

Năm ngoái, sau khi trải qua một trận sốt virut kinh hoàng, vợ ông Thảo đi khám xét toàn bộ thì nghe bác sĩ chẩn đoán bà bị u nang buồng trứng. Cả nhà lại đôn đáo đưa bà vào bệnh viện Phúc Thọ nằm theo dõi.

Đưa mắt nhìn về phía hai con, ông Thảo rầu rĩ chia sẻ: “Cái nghèo cứ đeo bám gia đình tôi, cũng may thằng lớn không mắc căn bệnh quái ác đó, không thì tôi không biết bấu víu vào đâu. Người trong nhà cứ thay phiên nhau nằm viện. Các khoản đóng góp học hành của ba đứa được miễn giảm gần hết, không thì các con tôi mù chữ hết”.

Tìm con chữ nhờ “chiếc nạng” bố

Hiện nay, cả gia đình đều trông chờ vào 5 sào ruộng của ông Thảo và thu nhập của người con trai cả, anh Khuất Đình Luận đang làm công nhân may. Lương ba cọc ba đồng vừa phải nuôi vợ, chăm các em và mẹ cũng chẳng thấm vào đâu.

Ông Thảo ngượng ngịu nói: “Trước cửa nhà có mảnh vườn nhỏ, tôi cũng gắng cầy cuốc trồng lấy ít rau thơm để bán. Cũng chẳng dám đi làm xa, ở nhà hai thằng con muốn làm gì cũng không được, tội lắm. Nhờ bà con hàng xóm, tôi xin nốt mảnh rìa ao trước nhà để trồng trọt. Giờ mẹ tụi nó nằm viện, không ai bán rau, nó cũng già hết cả”.

Không muốn nhìn những đứa con của mình nằm héo mòn dần trong góc nhà, ông đã nguyện với lòng mình dù vất vả đến đâu cũng quyết cho chúng đi học. Con đường kiếm con chữ của ba bố con ông thật gian nan. Dù trời mưa hay nắng, ông vẫn không để cho con mình bị nhỡ một tiết học nào. Chuẩn bị sách vở, mặc quần áo cho Phương, ông Thảo lại để cái xe đạp cà tàng trước cửa nhà, bế Phương lên, dắt em đến trường.

“Người nó yếu lắm, tôi không dám đạp xe, không giữ chắc nó ngã xuống đất lúc nào không biết. Hết thằng em lại đến thằng anh đến trường như vậy”, ông Thảo tâm sự.

Đến trường, ông Thảo lại bế Phương lên tận lớp học, nhìn con trai ngồi vững trên chiếc ghế mới quay về. Còn Hiếu, học lên đến cấp 3, con đường đến trường của hai bố con ông lại càng thêm khó khăn. Đưa Phương đi trước, sau lại nhanh chóng đạp xe về nhà đèo Hiếu đi học.

Cố gắng học đến lớp 11, Hiếu xin nghỉ ở nhà, vì sức khỏe ngày càng yếu. Gác lại giấc mơ Đại học, em dồn hết tâm sức còn lại dạy học cho thằng em.

Trên con đường kiếm cái chữ của hai anh em đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của cả nhà. Và không phụ lòng yêu thương đó, thành tích học tập của Phương không kém bất cứ bạn học lành lặn nào trong lớp. Năm nào Phương cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Dù tay em rất yếu nhưng chữ viết của em rất đẹp, không những thế môn họa của em năm nào cũng đạt hơn 9 phẩy.

“Dù viết rất khó vì tay yếu nhưng em chưa bao giờ chán học. Càng không viết được em lại càng cố gắng hơn", Phương thổ lộ.

Em tâm sự: “Lên lớp 6, có môn vi tính rất mới và em rất thích nó. Nhưng em chỉ được học lí thuyết thôi, đến giờ thực hành có hôm em không lên lớp được, vì các cô không bế em lên được”.

Khi hỏi đến ước mơ của em sau này, Phương tủm tỉm cười và nói: “Anh Nguyễn Công Hùng còn bị nặng hơn em nhưng anh ấy vẫn là hiệp sĩ công nghệ thông tin. Em sẽ cố gắng để có thể được như anh ấy".

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=343
Quay lên trên