Dưới 3 sức ép lớn – các cuộc không kích của NATO, các cuộc tấn công của phe nổi dậy và lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế, Gaddafi vẫn không khuất phục. Để giữ được sự bình tĩnh đó, hẳn trong tay nhà lãnh đạo Libya còn có “át chủ bài”.
Gần đây, sau khi Pháp cung cấp vũ khí cho phiến quân Libya, Gaddafi đã đưa ra lời đe dọa sẽ tấn công Châu Âu nhằm trả thù các hành động của NATO tại Libya. Thế giới đều nghi ngờ về khả năng này hoặc quyết tâm thực hiện khả năng này của Gaddafi.
Tuy nhiên, điều không thể nghi ngờ là bài phát biểu này ít nhất cho thấy ý chí của Gaddafi không hề thay đổi. Dưới ba sức ép lớn – các cuộc không kích của NATO, các cuộc tấn công của phe nổi dậy và lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế, Gaddafi vẫn cứng đầu không khuất phục, có lẽ vì tin rằng trong tay mình còn có “át chủ bài”.
Át chủ bài lòng dân
Bất chấp phiến quân tại miền đông gọi Gaddafi là “đồ tể”, bất chấp quân đội chính phủ đánh chết người biểu tình tại tỉnh Benghazi là chuyện có thật; xuất phát từ yêu cầu thống trị, Gaddafi vẫn “ban” những ân huệ cho những bộ lạc trung thành và tin tưởng rằng có thể nhận được sự “báo đáp” từ những bộ lạc này.
Hàng vạn dân chúng thủ đô Tripoli biểu tình ủng hộ Gaddafi
Điều này có thể được kiểm chứng từ 2 phương diện: thứ nhất, khi NATO bắt đầu triển khai các cuộc không kích, Gaddafi đã phát vũ khí cho người dân tại thủ đô Tripoli mà không hề e sợ rằng dân chúng có thể lật đổ ông bằng chính những vũ khí này; thứ hai, mấy tháng nay, hàng vạn dân Tripoli không ngừng biểu tình ủng hộ Gaddafi.
Đối với một quốc gia dân số chỉ trên 6 triệu người thì sự ủng hộ này đủ khiến Gaddafi đắc ý. Người ta có lí do để phản biện rằng đây chỉ là sự thao túng của nhà độc tài đối với dân chúng; tuy nhiên, vấn đề ở chỗ: Tại sao cũng là nhà độc tài nhưng Mubarak lại không có bản lĩnh này?
Át chủ bài quân sự
Hồi đầu tháng, chỉ huy hành động của NATO tại Libya, Trung tướng Canada Charles Bouchard tuyên bố: "Chúng tôi đã tiêu diệt quân lực của Gaddafi trên diện rộng; hiện nay, Gaddafi đã không còn khả năng tấn công”.
Hiện nay, tình hình quân sự có thể chứng thực vế sau trong lời phát biểu của tướng Bouchard, còn về tiêu diệt quân lực của lãnh đạo Gaddafi trên diện rộng như thế nào thì không ai có thể nói rõ.
Còn nhớ trong hành động không kích của NATO đối với Nam Tư năm 1999, cường độ không kích mạnh hơn rất nhiều so với hiện nay; khi đó, NATO tuyên bố quân đội Nam Tư bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi các cuộc không kích kết thúc, quân đội Nam Tư gần như hoàn hảo không hề bị thương tổn xuất hiện chỉnh tề trên đường phố đã khiến truyền thông phương Tây kinh ngạc: “Đây nào phải đoàn quân bại trận, rõ ràng là quân đội khải hoàn”.
Cũng chính tướng Bouchard thừa nhận rằng: “Quân đội chính phủ Libya đang áp dụng chiến thuật quân đội trà trộn vào nhân dân, gây khó khăn cho hành động tấn công của NATO”. Đoạn phim tướng Bouchard cho phóng viên đài BBC xem cho thấy, một dàn phóng tên lửa gồm nhiều ống phóng được đưa vào nhà ở của dân, nữ chủ nhân của ngôi nhà này và những đứa con phơi quần áo trên dàn phóng tên lửa này.
Phương pháp phòng ngự này đang khiến quân đội NATO hết sức lúng túng.
Ngoài ra, sức mạnh quân đội được phản ánh từ tinh thần binh sĩ. Mặc dù sau các cuộc không kích của NATO, liên tục xuất hiện hiện tượng quan chức Libya đào tẩu, trong đó bao gồm cả quan chức quân đội chính phủ, nhưng hiện tượng chia rẽ trong nội bộ quân đội chính phủ đến nay vẫn chưa hề xảy ra. Điều này nói rõ sĩ khí quân đội chính phủ vẫn còn.
Đội quân vẫn còn sức mạnh, chưa mất sĩ khí tất nhiên khiến Gaddafi cảm thấy bản thân còn sức mạnh.
Át chủ bài tuyên truyền
Mấy ngày trước, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Nga, con trai Gaddafi Saif đã lên án: "Phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ Libya, mục đích chính là khống chế và cướp dầu mỏ và những nguồn tài nguyên khác của đất nước này".
Mặc dù những lời cáo buộc như thế này không hề mới, nhưng lại có thể gây cộng hưởng trong thế giới Ả rập. Cách đây không lâu, trang web Đài truyền hình Ả rập có đăng bài viết nhận định: Những năm gần đây, thái độ của các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp đối với Gaddafi thay đổi nhanh chóng, từ tôn lên thượng khách đến dồn vào chỗ chết; bởi họ đã để ý đến hai “món hời” từ Libya là lượng dầu mỏ dữ trữ chất lượng cao gần 45 tỉ thùng và vốn đầu tư gần 100 tỉ USD.
Bài viết còn chỉ ra: “Sự tàn bạo của Gaddafi không phải bây giờ mới bắt đầu. Năm 1996, khi trấn áp bạo loạn tại một nhà tù ở Tripoli, Gaddafi hạ lệnh giết gần 1200 người; nhưng tại sao khi đó phương Tây không có phản ứng?”
Tháng 3 năm nay, trả lời phỏng vấn của đài BBC, trí thức cánh tả Mỹ Noam Chomsky tiết lộ: hồi tháng 9 năm ngoái, khu vực Tây Sahara tại bờ biển phía tây Bắc Phi nổ ra cuộc biểu tình của dân chúng, quân đội Morocco chiếm đóng khu vực này 30 năm trước đã trấn áp hết sức tàn bạo đối với quần chúng biểu tình; sau đó, sự kiện này lên đến Liên Hợp Quốc, các bên liên quan yêu cầu điều tra nhưng lại bị Pháp lờ đi; bởi Pháp là nước bảo hộ chủ yếu của Morocco.
Như vậy, mặc dù bản thân Gaddafi không phải vẻ vang gì; nhưng việc vạch trần bản chất quan tâm đến lợi ích hơn là chính nghĩa, tự cho mình quyền hô mưa gọi gió của ông này với một số nước lớn, vô hình trung đã kéo các nước trong liên minh phương Tây đang ở trên cao xuống đất trũng, khiến các quốc gia này không thể không cân nhắc trong hành động của mình.
Xét cho cùng, ở nhiều khía cạnh, đó cũng là bài học chung của các nước lớn khi định dùng sức mạnh quân sự để áp đặt các nước nhỏ.
Theo VTC