Tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng kinh tế của Bình Dương trong 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng khá. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra cho cả năm và trong những năm tiếp theo.
Kinh tế của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng khá. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Giày Thái Bình. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Nhiều ngành tăng trưởng khá
Trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,91% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả nổi bật là các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng ở mức cao, điển hình như công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 8,16%. Trong khi đó, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong 4 tháng đạt 60.394 tỷ đồng, tăng 16,9%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 2,01% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD.
Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng đạt kết quả khả quan. Đối với đầu tư trong nước, sau 4 tháng Bình Dương đã thu hút được 17.165 tỷ đồng với 1.415 doanh nghiệp đăng ký mới và 319 doanh nghiệp tăng vốn. Về đầu tư nước ngoài (FDI), toàn tỉnh đã thu hút 608 triệu USD, đạt 43,5% kế hoạch cả năm, đứng trong tốp 3 tỉnh, thành thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Tình hình sản xuất, kinh doanh khởi sắc nên nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng đạt kết quả tốt. Theo đó, ước thu mới ngân sách 4 tháng đầu năm của tỉnh khoảng 16.800 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và đạt 32% dự toán HĐND tỉnh trong năm 2018; trong đó thu nội địa 12.800 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 32,4% dự toán; thu xuất nhập khẩu 4.000 tỷ đồng, đạt 30,7% dự toán năm. Về chi ngân sách địa phương, toàn tỉnh thực hiện 2.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và bằng 16,5% dự toán năm…
Thực hiện quyết liệt các giải pháp
Theo UBND tỉnh, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện, nhiều ngành có mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Để bảo đảm phát triển ổn định, trong thời gian tới tỉnh sẽ sửa đổi quy định về bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp; ban hành quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau thành lập và kế hoạch khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020; đồng thời theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn chỉnh bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trồng cây phân tán; bảo đảm an toàn các hồ chứa, công trình thủy lợi, tiêu thoát nước, xử lý các điểm ngập trong mùa mưa; cùng với đó tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch: Hệ thống bến thủy nội địa, bến xe Bình Dương mới, Đề án nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt; cùng với đó quản lý tốt trật tự đô thị, các dự án nhà ở và khu dân cư. Tỉnh cũng sẽ điều hành ngân sách Nhà nước tích cực, chủ động theo dự toán được giao; tiếp tục rà soát tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm...
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 4-2018 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ quyết liệt hơn trong việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; lập đường dây nóng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phương án thành lập tổ chức khoa học - công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện các tiêu chí của bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…
KHÁNH VINH