4 việc làm cùng nhau của gia đình hạnh phúc

Cập nhật: 26-11-2015 | 14:28:17

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình ít có thời gian cùng nhau ăn bữa cơm, cùng nhau đi chơi hay tham gia các hoạt động chung. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Mọi lý do bận rộn công việc, bận rộn học hành đều được cho là không chính đáng và không thể đánh đổi được những thời gian quý giá bên người thân của mình. Hãy lựa chọn những cách sau để bạn có thể được tận hưởng những giây phút hạnh phúc đó.

1. Cùng đi chợ, nấu ăn, duy trì bữa cơm gia đình

Nhiều ông bố cho rằng, đi chợ, nấu ăn, rửa bát là việc của các bà vợ nên đã đẩy hết chuyện bếp núc đó cho vợ, chỉ đợi đến giờ ăn là ngồi vào bàn, ăn xong thì đứng lên làm việc riêng. Lại có một số gia đình, các ông bố là đầu bếp chính, vợ con chỉ đứng phụ nhặt rau, rửa bát. Dù theo cách này hay cách khác, các thành viên trong gia đình nên cùng nhau đi chợ, cùng nhau vào bếp.

Chị Thu Hằng, một công chức tại Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ, dù rất bận việc cơ quan, nhưng hàng sáng, chồng chị vẫn tranh thủ chở vợ mua rau cỏ, thịt cá cho cả ngày. Buổi chiều, khi vừa đi làm về, vợ chồng, con cái lại cùng xắn tay vào bếp. Vợ nhặt, rửa rau, con bóc tỏi, còn chồng thì đứng bếp chế biến món ăn. Vì thế, dù đi làm về muộn nhưng nhờ có sự hợp tác của các thành viên nên bữa tối vẫn được hoàn thành sau 45 phút với các món ăn nóng sốt trong không khí ấm cúng, sum vầy.

Bữa cơm tối bên gia đình là khoảng thời gian để các thành viên cập nhật thông tin của nhau, chia sẻ chuyện vui - buồn trong công việc, học tập. Vì vậy, dù giờ giấc của mọi người có thể lệch nhau nhưng cần thiết phải duy trì tối thiểu 1-2 bữa cơm tối mỗi tuần có đầy đủ cả nhà. Đó chính là bí quyết quan trọng của các gia đình hạnh phúc.

2. Cùng dọn dẹp, bố trí nhà cửa

Thông các công việc quen thuộc này, các thành viên trong gia đình sẽ có cơ hội tương tác với nhau nhiều hơn. Lúc này, mẹ có thể đóng vai trò là "chỉ huy trưởng", còn bố và các con là "nhân viên" của mẹ. Việc dọn dẹp cùng nhau không những rút ngắn thời gian và chia sẻ công việc mà còn là dịp mọi người có thể ôn lại những kỷ niệm gắn với các đồ vật trong nhà. Bố mẹ có thể kể cho các con nghe "sự tích" của cái tủ quần áo trong phòng ngủ, sự xuất hiện của cái đồng hồ treo tường trong phòng khách hay từ khi nào cái quạt trần cũ kỹ đã được treo vị trí hiện tại... Những câu chuyện đó giúp các thành viên trong gia đình cảm thấy thêm gắn bó với nhau.

3. Cùng tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi

Vào các ngày cuối tuần, bố mẹ nên bố trí thời gian vui chơi cùng con hay đơn giản là đến quán cafe cùng với nhau: bố gọi cafe phin, mẹ nhâm nhi tách trà, còn con uống sinh tố và đùa vui trong sân vườn... Cả nhà có thể rủ nhau đi hát karaoke cũng là một ý tưởng hay bởi qua âm nhạc có thể truyền tải và lan truyền tình cảm, sự hứng khởi, vui vẻ đến mọi người. Ngoài ra, bố mẹ có thể dẫn các con đi hiệu sách, mua sắm hay cùng nhau đi xem một bộ phim mới trình chiếu...

4. Cùng chia sẻ, tâm sự, buôn chuyện

Qua nói chuyện, tán gẫu, bố mẹ và các con có thể chia sẻ, tâm sự như những người bạn hay cùng nhau tháo gỡ vướng mắc trong học tập, công việc, cuộc sống hàng ngày. Việc cùng nhau lắng nghe và tham gia góp ý cho người thân của mình là thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, yêu thương của các thành viên trong gia đình. Các gia đình sau giờ ăn tối nên duy trì việc quây quần với nhau ở phòng khách, vừa ăn hoa quả vừa tán gẫu. Ngoài ra, với các trường hợp đặc biệt như chuyện bí mật giữa mẹ và con gái, hay chuyện tâm sự "giữa những người đàn ông" của bố và con trai, từng thành viên của gia đình có thể có cuộc hẹn gặp bí mật.

Theo suckhoedoisong

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1070
Quay lên trên