50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bài 3

Cập nhật: 21-09-2019 | 01:33:10

Bài 3: Xây dựng đội ngũ kế thừa

Trong bản Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”. Thực hiện theo lời Bác, trong suốt thời gian qua, trong mọi hoàn cảnh đất nước, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ về mọi mặt. Tuổi trẻ cũng đã hăng hái ra sức thi đua, chiến đấu, học tập, lao động để xứng đáng với sự quan tâm đó.


Cán bộ, đoàn viên thanh niên Thành đoàn Thủ Dầu Một tham gia hành trình theo chân Bác tại Dinh Độc lập, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: K.VÂN

Xung kích vì quê hương

Bà Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng giọng vẫn sôi nổi, hào hùng mỗi khi kể lại những câu chuyên trong những tháng năm chiến đấu, lao động, học tập của mình khi đất nước còn chiến tranh. Cũng như bao lớp thanh niên khác của dân tộc Việt Nam, khi Tổ quốc lâm nguy, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, bà đã sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ vì nền độc lập của dân tộc.

Trước giải phóng 1975, bà Vũ Thanh Phương có 13 năm tham gia lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, khu chiến trường miền Đông. Trong thời kỳ này, bà được phân công làm Đảng ủy viên Tổng Đội TNXP - Bí thư Đoàn Tổng Đội. Bà nói: “Trong những ngày tháng gian lao mà anh dũng ấy, dù chỉ mười tám, đôi mươi nhưng nhiệt huyết cách mạng trong người trẻ bấy giờ luôn sôi sục; dù khó khăn, gian khổ, bom đạn cũng không làm sờn lòng mà luôn hướng đến chiến thắng, vì hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà”.

Theo bà, lúc bấy giờ, Đảng luôn chú ý giáo dục cho tuổi trẻ nước nhà về lý tưởng cộng sản, tinh thần xung phong cách mạng theo đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.” Đảng đã chỉ cho thanh niên thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình với cách mạng, đồng thời chỉ ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội phải coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Từ đó, lớp lớp thanh niên đã hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, dâng hiến tuổi trẻ cho cách mạng, cho dân tộc. Những cống hiến hy sinh ấy luôn được các thế hệ mai sau khắc ghi.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, phát huy truyền thống vẻ vang trong giai đoạn kháng chiến, cùng với thanh niên cả nước, tuổi trẻ Sông Bé lại tiếp tục xông pha trên những tuyến đầu gian khó nhất: Khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh lao động sản xuất, thành lập những khu kinh tế mới trù phú, góp phần tạo nên những bước đi vững chắc của đất nước và địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé khóa I, dưới sự giáo dục của Đảng về nhận thức mới về tiến trình phát triển của đất nước, với khát vọng đổi đời, khát vọng vượt qua đói nghèo, tuổi trẻ Sông Bé, trong đó có lực lượng TNXP đã quyết tâm vượt qua khó khăn, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, cây lương thực và rau màu ngắn ngày. Từ đây, đã hình thành nên những lâm trường của thanh niên xung kích như Lâm trường 30-4, Lâm trường Thống Nhất…

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng xã hội chủ nghĩa, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc nhân dân”, với tinh thần xung kích, tiên phong, đoàn viên, thanh niên tại các địa phương được tập hợp với tên gọi dân quân tự vệ hăng hái lên đường phục vụ chiến đấu. Bất chấp các hiểm nguy, trên công trường xây dựng tuyến phòng thủ biên giới từng đại đội dân quân tự vệ vẫn hăng hái thi đua lao động, mở các tuyến đường bảo đảm ngày công và năng suất.

Tiên phong trên con đường đổi mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Với Sông Bé, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh. Đây chính là luồng gió mới, mở toang cánh cửa phát triển để Sông Bé phát huy hết tiềm năng, nội lực. Từ đây, công cuộc đổi mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Sông Bé đã đoàn kết, tự lực, tự cường khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu vươn lên.

Là Bí thư Tỉnh đoàn khóa IV (1987-1992), nhiệm kỳ Đoàn khi tỉnh đẩy nhanh đổi mới, ông Phạm Văn Sơn Khanh nhớ lại, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV là cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới phong cách làm việc gắn bó với quần chúng; đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thời kỳ này đã giáo dục cho thanh niên có lý tưởng cống hiến; dấn thân, xung kích, không ngại khó, ngại khổ để chung tay xây dựng quê hương.

Theo tinh thần đổi mới toàn diện, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, công tác giáo dục của Đoàn cho thanh niên lúc này cũng có nhiều đổi mới. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xác định, để phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, vận động thanh niên làm theo thì chính người cán bộ Đoàn trước nhất phải là người dấn thân, chấp nhận hy sinh, xông pha đến những nơi khó khăn nhất; phải thể hiện bằng những công việc, hành động cụ thể. Ông Khanh nói: “Giai đoạn này, do địa bàn tỉnh rộng nên trong một tuần làm việc, một nửa tôi dành thời gian “nằm vùng” tại Phước Long, Đồng Xoài, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bình Long… còn một nửa thì ở dưới này (Bình Dương hiện nay - P.V). Tôi đã đi hết các đồn biên phòng của Sông Bé bấy giờ, trong các chuyến đi có cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên. Đến để hiểu cái khó, cái khổ của chiến sĩ, cũng là cách giáo dục về suy nghĩ và hành động cho đoàn viên, thanh niên về trách nhiệm với Tổ quốc”.

Với hình thức giáo dục bằng “người thật, việc thật” như trên, chính vì vậy, theo ông Phạm Văn Sơn Khanh, thanh niên trong giai đoạn này có lý tưởng rõ ràng và thể hiện bằng những công trình cụ thể, từ đó Tỉnh ủy luôn tin tưởng giao các nhiệm vụ mới.

Hiện nay, Bình Dương đang bước nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuổi trẻ trong tỉnh cũng đang tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, nối tiếp truyền thống của những lớp người đi trước, ra sức cống hiến, xây dựng quê hương. Trong suốt thời gian qua, thực hiện lời dạy của Bác về chăm lo cho thế hệ trẻ, Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Trong đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cùng với toàn xã hội quan tâm, tạo mọi điều kiện chăm lo cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, các tài năng trẻ của tỉnh bằng các nguồn quỹ, nguồn học bổng, hỗ trợ thiết thực cho đoàn viên, thanh thiếu nhi đúng người, đúng việc, tạo sức lan tỏa và động lực cho các bạn vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống.

Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án được các cấp, các ngành dành riêng cho thanh niên và trẻ em đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành cho thế hệ trẻ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tổ chức Đoàn các cấp luôn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; qua đó phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong từng đối tượng đoàn viên, thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong lao động, sản xuất, trong tham gia phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… góp sức trẻ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Với sự quan tâm chăm lo về mọi mặt của Đảng, tuổi trẻ cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là đội ngũ kế thừa của Đảng, phát huy sức trẻ, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước, địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=867
Quay lên trên