Bài 21: Trận đánh suối Mạch Máng
Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, hai xã Bình Trị và Tân Hiệp (nay là phường Tân Bình), TX.Dĩ An là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc cán bộ chiến sĩ. Nơi đây đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt và đã có hàng trăm chiến sĩ cách mạng và nhân dân ngã xuống để bảo vệ mảnh đất anh hùng này. Một trong những trận đánh ác liệt được người dân địa phương luôn khắc ghi, đó là trận đánh suối Mạch Máng, trận đánh oai hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Ông Lê Đức Phong, một trong những nhân chứng còn lại của trận đánh suối Mạch Máng thăm lại Khu di tích suối Mạch Máng. Ảnh: P.V
Trận đánh không bao giờ quên
Trong cái nắng hanh của những ngày cuối năm Đinh Dậu, như một thông lệ, sau khi họp mặt Câu lạc bộ Truyền thống cách mạng, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng tại TX.Dĩ An lại cùng nhau về thăm Khu di tích suối Mạch Máng, nơi thờ phụng, tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 7, Tiểu đoàn 3 Dĩ An thuộc Phân khu 5 Sài Gòn - Gia Định và đồng chí, đồng bào địa phương đã anh dũng hy sinh trong hai đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Với ông Lê Đức Phong, một trong những nhân chứng còn lại của trận đánh ấy thì nơi đây như một phần máu thịt, bởi 50 năm trước, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông đã cùng đồng đội đánh một trận quyết tử. Sau trận đánh ấy, rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, mãi mãi nằm lại nơi đây. Nhìn lại từng tên liệt sĩ được khắc trên bia tưởng niệm, mắt ông Phong rưng rưng lệ: “Trận đánh ấy chúng ta cũng thiệt hại nhiều lắm, theo tôi biết thì nhiều hơn số liệu thống kê rất nhiều. Có 1 trung đội cùng sát vai chiến đấu, cứ ngỡ mở được đường máu, nào ngờ chỉ có 6 đồng chí may mắn sống sót, còn 30 đồng chí, đồng đội thương yêu đã mãi nằm lại nơi này. Cháu nhìn xem, vẫn còn rất nhiều cái tên bỏ trống”. Ông Lê Đức Phong vẫn nhớ như in trận chiến ấy. Mỗi lần về lại nơi này, từng gốc cây, ngọn cỏ, những tiếng hô “Tiến lên!” “Xung phong!”… vẫn vang lên trong tâm trí ông. Và hình ảnh từng đồng chí, đồng đội ngã xuống nhưng vẫn khư khư ôm khẩu súng trong tư thế chiến đấu như đang diễn ra trước mắt.
Suối Mạch Máng, cái tên không biết có tự thời nào, nhưng sau trận đánh ngày 4-5-1968 ấy bỗng được nhân dân đổi thành suối Sọ. Gọi là suối Sọ bởi vì sau đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng người ta còn thấy nhiều sọ người rơi vãi dọc theo con suối. Tại nơi đây, vào ngày 4-5- 1968 đã diễn ra trận chống càn vô cùng dũng cảm và oanh liệt của lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân địa phương, bao gồm: Đại đội 100, Tiểu đoàn 22, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7); bộ đội địa phương huyện Dĩ An và cán bộ dân quân du kích hai xã Tân Bình và Bình Trị.
Hơn một ngày đêm bám trụ chiến đấu kiên cường, lực lượng chủ lực và dân quân của ta đã đánh trả hàng chục đợt tiến công của bộ binh Mỹ - ngụy với sự yểm trợ của phi cơ, pháo binh và xe thiết giáp. Chúng đã đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày đầy máu lửa. Kết quả, quân ta đã bắn cháy 4 xe tăng, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên giặc, bẻ gãy hoàn toàn trận càn quy mô lớn của chúng. Giờ đây, những nhân chứng lịch sử trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân thật là hiếm hoi. Tất cả đều ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ấy vậy mà khi trò chuyện về những ký ức của những ngày chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, cách đây 50 năm, ai cũng kể vanh vách như chuyện xảy ra mới hôm nào.
Ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An, nhớ lại: “Lúc bấy giờ, quân Mỹ đã tràn lên đóng ở căn cứ Sóng Thần một lữ đoàn, chư hầu Đại Hàn, một tiểu đoàn công binh đóng tại chi khu Dĩ An. Tôi được phân công làm Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Thủ Đức để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sau đợt 1, địch điên cuồng phản kích ác liệt. Huyện ủy họp rút kinh nghiệm, chuẩn bị đánh tiếp đợt 2 vào đầu tháng 5-1968. Ta dự tính tập trung anh em bộ đội ở Mạch Máng, Hố Lang làm bàn đạp tiến đánh Dĩ An, Biên Hòa. Nhưng chưa kịp đào công sự thì địch bao vây, bắn pháo cấp tập suốt ngày. Bộ đội ta bám địa hình, đánh trả ngoan cường. Du kích xã thông thuộc đường sá, thoát ra một số, còn lực lượng huyện và chủ lực thương vong nặng trong trận này. Địch chết và bị thương rất nhiều, không đếm xuể. Chúng huy động nhiều xe cứu thương chở xác và lính bị thương”.
Còn ông Lê Đức Phong bồi hồi kể lại: “Có không dưới 4.000 quả trọng pháo đã được địch nhả xuống trong ngày hôm ấy. Có thể nói, đây là trận đánh kinh hoàng nhất đã diễn ra ở vùng đất Tân Bình trong suốt hai cuộc kháng chiến”. Chiến công này cũng đã đổi bằng xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội chủ lực Sư đoàn 7 và quân dân địa phương huyện Dĩ An, xã Tân Hiệp và Bình Trị thời bấy giờ. Từ đó, nhân dân đã đổi tên suối Mạch Máng thành suối Sọ để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ đã vì nước hy sinh.
Đại tá Phan Bá Tuyết, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4, cho biết: “Trong quá trình chiến đấu quyết liệt, mặc dù lực lượng quá chênh lệch, các đơn vị của Sư đoàn 7 cùng Tiểu đoàn 3 Dĩ An, dân quân du kích và đồng bào Tân Bình vẫn linh hoạt, chủ động, sáng tạo, duy trì cuộc chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch. Các trận đánh tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Mặc dù không có lực lượng tiếp ứng nhưng các đơn vị đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, người trước ngã người sau tiếp tục. Hàng trăm chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.
Tự hào quê hương anh dũng
Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, quê hương Tân Bình tự hào là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị quân dân, chính đảng tập kết trước khi vào chiến trường. Do đó, trong suốt hai cuộc kháng chiến, xã Tân Bình và Bình Trị có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc các cán bộ cách mạng lão thành của Khu ủy miền Đông, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và nhiều địa phương khác về đây bám trụ xây dựng và chỉ đạo phong trào, trở thành hậu phương tại chỗ ngay sát hang ổ của kẻ thù. Từ đó, Tân Bình vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, chấp nhận mọi khó khăn khốc liệt do kẻ thù tăng cường kìm kẹp. Có biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào địa phương và những người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã đổ xuống, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Tân Bình.
Ngày nay, trên con đường thênh thang chạy vào tận khu chiến trường ác liệt ngày nào, với nhà cửa, ruộng vườn xanh tốt, ít ai biết rằng khi xưa đây là một vùng hoang vắng, đường đi chỉ là những bờ ruộng nhỏ xíu, lầy lội khó đi. Năm 2007, địa phương cho xây dựng mở rộng tuyến đường này và lấy tên là đường Mả 35 và sau đó đổi tên đường thành tên của người nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi (tức Năm Lan). Cũng từ căn cứ Mạch Máng này, ngày 4-5-1968, sau một ngày cùng với lực lượng của Trung đoàn 165 chống càn ác liệt, chị Tươi đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho đồng đội và nhân dân niềm tiếc thương vô hạn.
Ông Lê Đức Phong kể lại: “Chị Năm Lan tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và hy sinh khi mới ở tuổi 28. 13 năm hoạt động cách mạng, nhưng chị đã làm nên những thành tích anh hùng. Tên của chị lúc ấy được chính quyền Mỹ - ngụy liệt vào danh sách đen đặc biệt. Trong trận đánh cuối cùng của chị tại suối Mạch Máng, lúc tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mặc dù bị thương nặng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Năm Lan vẫn không cho anh em cứu chữa mà chị còn động viên anh em xông lên giết giặc trả thù cho đồng đội”.
50 năm đã trôi qua, những người từng chứng kiến trận đánh và những người được nghe kể lại câu chuyện này vẫn bùi ngùi xúc động với niềm tiếc thương vô hạn. Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Tân Bình vẫn tiếp nối ngọn lửa truyền thống của cha anh, kế thừa và phát huy thành quả cách mạng để viết thêm trang sử vẻ vang cho quê hương trong thời bình... (còn tiếp)
Bia tưởng niệm suối Mạch Máng là nơi thờ phụng, tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 7 và Tiểu đoàn 3 Dĩ An thuộc Phân khu 5 Sài Gòn - Gia Định và đồng chí, đồng bào địa phương đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Với kinh phí từ nguồn xã hội hóa, công trình này được xây dựng hoàn thành vào năm 2008, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra trận chống càn. Đến năm 2012, công trình được trùng tu, ghi thêm danh sách liệt sĩ trên bia. Hiện nay, danh sách liệt sĩ do Cục Chính trị Quân đoàn 4 cung cấp là 155 liệt sĩ và dân quân du kích địa phương là 10 liệt sĩ. Năm 2013, Bia tưởng niệm Suối Mạch Máng được công nhận là di tích cấp tỉnh.
NHÓM P.V