6 tháng đầu năm 2019: Sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển theo chiều sâu

Cập nhật: 05-07-2019 | 00:11:07

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế đang diễn biến theo hướng tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.


Lãnh đạo ngành công thương thăm Nhà máy Chế biến gỗ Mifaco (Bình Chuẩn, TX.Thuận An)

Phát triển theo chiều sâu

Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ, dự kiến hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,08% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình sản xuất, xuất khẩu trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang có diễn biến theo hướng tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng ổn định và phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đến hết quý III-2019, một số doanh nghiệp đã ký đến quý IV và cả năm 2019, giá trị đơn hàng đã ký tăng 5 - 10% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2019, dự ước tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 8,68% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,86%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,35%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,71%.

Riêng tháng 6 năm 2019, IIP tăng 11,92% so với tháng trước và tăng 16,84% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,72% so với tháng trước và tăng 19,57% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,05% so với tháng trước và tăng 16,18% so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 32,06% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,21% so với tháng trước và tăng 17,46% so với cùng kỳ.


Sức mua tăng trưởng ổn định tại siêu thị Co.opmart Bình Dương

Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại nội địa cũng ổn định, hàng hóa phục vụ dồi dào, phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường. Nhờ triển khai thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường và kế hoạch dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, bảo đảm giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu ổn định, không tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện công tác an sinh xã hội phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, các doanh nghiệp cũng tăng cường thực hiện khuyến mại góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh. Trong 6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 111.831,5 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ, đạt 49,6% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 106.605,1 tỷ đồng, tăng 15,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 5.226,4 tỷ đồng, tăng 17,4%. Tháng 6-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 18.645,5 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 19,1% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 17.744,4 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 18% so cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 901,1 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 47,2% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III-2019, lượng đơn hàng xuất khẩu cũng tăng trung bình 15% so với cùng kỳ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,308 tỷ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ, đạt 45,5% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó: khu vực kinh tế trong nước 2,454 tỷ USD, tăng 7,2%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 10,854 tỷ USD, tăng 16,3% và chiếm tỷ trọng 81,2%.

Trong tháng 6-2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,947 tỷ USD, tăng 6,4% so tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 482,8 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2,464 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ.


Ngành giày da có tốc độ tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2019

Giá xuất khẩu nhìn chung không tăng, trong khi đó nguyên liệu nhập khẩu và trong nước tăng ít từ 3 - 5%, một số nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc lại có chiều hướng giảm, do hàng tồn kho của Trung Quốc tăng cao. Từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, nguồn lao động phổ thông đang có chiều hướng giảm, gây khó khăn cho việc sản xuất của doanh nghiệp. Theo dự báo của Sở Công thương, xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong 6 tháng cuối năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu chủlực của tỉnh có bước khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến từ đầu năm đến nay tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu gỗ thời gian qua ước đạt 1.528 triệu USD, tăng 16,3% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… đều đạt mức tăng trưởng tốt do lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 15% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 1.387 triệu USD, tăng 17,1% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các doanh nghiệp ngành dệt may của Bình Dương đã có đơn hàng hết quý III-2019, thậm chí cả năm 2019 và đang đàm phán ký kết thêm nhiều đơn hàng mới. Xuất khẩu của mặt hàng giày dép ước đạt 1.484 triệu USD tăng 13,9% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt mức tăng trưởng khá tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông. Hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III-2019, với lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 10 - 12% so với cùng kỳ. Ngành gốm sứ ước đạt 94,9 triệu USD, tăng 7,2% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 0,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Các doanh nghiệp gốm sứ đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019, lượng đơn hàng cũng tăng 10 - 15% so với cùng kỳ

Theo Sở Công thương đánh giá, việc triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, với những tác động tích cực từ việc đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Chính phủ và việc xóa bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình của Hiệp định CPTPP, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu. Trao đổi với chúng tôi về những yếu tố rủi ro của các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Sự gia tăng trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua đã có tác động tích cực làm dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch dẫn đến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới có chiều hướng chậm lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới nhiều khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu trong nước”.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Trong 6 tháng cuối năm 2019, Sở Công thương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm các chỉ tiêu cụ thể được giao. Cụ thể, IIP năm 2019 tăng 9,5% so cùng kỳ; giá trị gia tăng ngành dịch vụ năm 2019 tăng 10,6% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 tăng 18% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng 15,5% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu năm 2019 tăng 15% so cùng kỳ.

Theo đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công thương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh năm 2019; trong đó, tập trung triển khai tốt Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1- 2019 của Chính phủ; tiếp tục triển khai các quy hoạch, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; tập trung thực hiện các đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ và hàm lượng tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thông qua UBND tỉnh vào tháng 12-2019 và năm 2020; đề án Định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; dự án “Tuyên truyền vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”.

Hiện nay, ngành đã và đang khảo sát nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đểtổ chức hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp đầu tư trong nước và các hiệp hội ngành hàng năm 2019; tiến hành trình UBND tỉnh kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020; báo cáo tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất tại các CCN trên địa bàn tỉnh năm 2019. Đối với lĩnh vực quản lý thương mại, ngành công thương sẽ tổ chức kết nối cung cầu hàng nông sản của huyện Dầu Tiếng. Xin chủ trương UBND tỉnh và xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình siêu khuyến mại năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch BOTT hàng thiết yếu năm 2020; phối hợp UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra sắp xếp chợ và bố trí điểm bán hàng tết; khảo sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch BOTT các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp.

Xác định lĩnh vực quản lý năng lượng và kỹ thuật an toàn là lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong sản xuất và trong đời sống nhân dân. Sở sớm trình UBND tỉnh về quy định quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương; quy chế phối hợp quản lý hóa chất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý hóa chất trên địa bàn tỉnh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Ban hành sổ tay hướng dẫn kỹ thuật ứng phó sự cố hóa chất (nhóm khí độc - khí Amoniac NH3); triển khai và thực hiện công tác giám sát ảnh hưởng nổ mìn định kỳ năm 2019 tại các doanh nghiệp sử dụng VLNCN. Tổ chức huấn luyện an toàn cho người tham gia vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm; tổ chức lớp kiểm tra viên điện lực năm 2019; báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm 2019.

Trong thời gian tới, sở sẽ tổ chức 10 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 1 phiên chợ tuần hàng Việt kết hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ; hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông lâm thủy hải sản năm 2019. Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia 4 hội chợ triễn lãm trong nước. Xây dựng dự thảo sửa đổi quy chế quản lý, sử dụng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương; chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương năm 2020. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công địa phương, xây dựng các đề án chi tiết chương trình khuyến công địa phương năm 2019, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách khuyến công. Trình HĐND, UBND tỉnh, thông qua nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến công. Trình UBND tỉnh ban hành quyết định ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương; kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần V năm 2020. Thực hiện tốt công tác thẩm tra, giám sát, thiết kế các công trình công nghiệp và chiếu sáng công cộng; các lớp đào tạo, tập huấn, huấn luyện. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình kiểm toán năng lượng và sản xuất sạch hơn.

Đặc biệt, ông Dành cho biết trong 6 tháng cuối năm, ngành đẩy mạnh việc thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh, cung ứng, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lĩnh vực hoạt động điện lực; an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác an toàn tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; kiểm tra các trạm nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào chai trên địa bàn tỉnh.

Chính phủ thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô

Chiều 2-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp thường kỳ quý II-2019 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Cuộc họp nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế về chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương.

Theo đó, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất với Chính phủ chưa cần thay đổi chính sách tiền tệ, tài chính, mà thúc đẩy hơn nữa ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng nội lực của nền kinh tế. Tại phiên họp, các thành viên hội đồng cho rằng, tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô so với các giai đoạn trước đây; đánh giá cao kết quả đạt được về kinh tế - xã hội nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019.


Tham quan hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ tại Bình Dương năm 2019

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng chậm hơn dự kiến (riêng Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh hơn 3%). Rủi ro và bất ổn gia tăng trong điều kiện xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn leo thang và tiến trình Brexit bế tắc. Thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp khi các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất vì rủi ro gia tăng.

Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế 6,76%, thấp hơn năm 2018, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu điều hành. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận xuất hiện một số động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực chế biến chế tạo như lọc hóa dầu Nghi Sơn, thép Formosa, xe có động cơ Vinfast... Cả nước đã xuất siêu 1,64 tỷ USD. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, khi bình quân 6 tháng tăng 2,64%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu dưới 4% của Chính phủ...

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách đạt khá với 53% kế hoạch, nhưng chi ngân sách chậm, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm khiến bội thu ngân sách Nhà nước, chứ không bị thâm hụt ngân sách Nhà nước như năm ngoái, góp phần giảm bội chi và nợ công. Nợ công ở mức 57 - 58% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49% GDP và trái phiếu Chính phủ là công cụ tài khóa quan trọng khi thời hạn vay trung bình cao lên tới 13,7 năm với lãi suất thấp 4,6%/năm.

Bộ Công thương cho biết hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khá trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm ở lĩnh vực này. Đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thách thức với tăng trưởng GDP trong năm 2019 là không nhỏ khi các động lực tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng chậm hơn năm 2018; xuất khẩu có xu hướng giảm; cán cân vãng lai tăng cao nhưng chủ yếu phụ thuộc từ kiều hối nên chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng GDP; ách tắc các dự án hợp tác công tư và các dự án đầu tư của tư nhân...

P.V

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên