Ấm áp tình đất, tình người vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 06-02-2016 | 20:05:38

Như có sức cuốn hút kỳ lạ, vào những ngày đất trời đang vào xuân, chúng tôi ngược đường lên Phú Giáo, về thăm đồng bào các dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Bình Dương. Cuộc sống sung túc, đậm đà sắc xuân của đồng bào dần hiện ra trước mắt chúng tôi như bức tranh đầy màu sắc.

 Đồng bào Sán Chay huyện Phú Giáo tại buổi liên hoan văn nghệ- thể thao các dân tộc thiểu số. Ảnh: KIM HÀ

Trên những con đường dẫn vào các thôn, ấp đâu đâu cũng nhộn nhịp tiếng xe tải, xe máy chạy vào tận vườn của từng gia đình để thu mua nông sản, rau các loại. Tiếng cười nói vui vẻ của các bà, các chị làm huyên náo cả một vùng quê như xua đi bao nhọc nhằn. Thấp thoáng phía xa xa, hình ảnh người đàn ông người Nùng mang cần trục, bơm rút nước trên ruộng để chuẩn bịvụ mùa mới. Trên bờ kênh, phụ nữ vun đất, tưới phân cho những gốc điều, gốc tiêu xanh mướt. Chỉ cho tôi xem 3 ha gốc tiêu kết trái còn đọng sương mai, anh Hoàng Đình Bé, dân tộc Nùng ở tổ 2, ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo khoe: “Khoảng 20 tháng Chạp là hái được, nhà vừa có tiêu gói bánh cúng ông bà ngày tết vừa có thêm ít tiền sắm quần áo mới cho mấy đứa nhỏ. Năm nay, gia đình tôi đón tết thật to, sắm thêm cái tủ lạnh, máy điều hòa để mừng một năm làm ăn bội thu”.

Cũng giống như bao gia đình người Nùng khác ởTân Hiệp (Phú Giáo), gia đình bà Hoàng Thị Khính ở tổ 6, ấp 2 cũng chuẩn bị một cái tết thật ấm cúng theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình. Bà Khính cho biết: “Người Nùng chúng tôi ăn tết từ 28 tháng Chạp tới hết Rằm tháng Giêng, trong đó ngày 29 và 30 được coi là hai ngày bận rộn nhất. Cuộc sống đỡ vất vả rồi, mình phải chăm chút nhà cửa để đón ông bà về nhà ăn tết cho sum vầy, cầu năm mới làm ăn thuận lợi”.

Ở xã An Bình, huyện Phú Giáo không ai là không biết đến gia đình chị Huỳnh Thị Tốt, dân tộc Khơ me. Gia đình chị là ĐBDTTS nghèo, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Quê gốc ở Pô Xát - Campuchia, năm 1991, chị Tốt theo chồng đến An Bình, Phú Giáo lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, không có nhà để ở, chị đã bươn chải, làm đủ mọi việc để kiếm sống, ngày đi làm mướn cho nông trường, tối về tranh thủ cày xới mảnh vườn trước nhà, trồng thêm khoai, sắn và chăn nuôi heo nái. Chồng chị Tốt làm phụ hồ, cũng chỉ đủ ăn qua ngày, cuộc sống rất vất vả. Đất không phụ công người, nhờ tính siêng năng, chịu khó, chỉ trong vòng hơn 1 năm, hai vợ chồng chị dành được ít vốn, mua được 0,2 ha đất sản xuất. Từ đó, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Đến nay, gia đình chị đã có tới 1,1 ha điều, 0,1 ha nọc tiêu, ngoài ra còn chăn nuôi bò sinh sản, heo nái…

Rời gia đình chị Tốt, chúng tôi tìm đến nhà chị Thị Hằng, dân tộc Tày, ấp Tân Thịnh. Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà tình thương còn thơm mùi vôi mới, chị Hằng vui vẻ nói: “Trước đây căn nhà của gia đình tôi gió lộng tứ bề. Có những đêm mưa cả nhà phải ngồi gom lại một góc vì mưa dột nát. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm trợ giúp nên tết này gia đình tôi đã có căn nhà tươm tất để thờcúng ông bà, con cháu về sum họp cũng có chỗ nghỉ ngơi thoải mái”. Căn nhà tình thương đến với chị như tiếp thêm sức mạnh để chị cố gắng làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo. Chị Hằng xúc động kể: “Ngoài đóng góp tiền, nhiều người còn phụ giúp ngày công lao động. Tình nghĩa của bà con tôi không sao quên được”.

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết, toàn xã An Bình hiện có 230 hộ dân tộc gồm: Khơ me, Tày, Mường, Stiêng, Thái, Sán Dìu. Cùng với những chính sách dân tộc chung của tỉnh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã luôn được quan tâm hỗ trợ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng về vật chất, tinh thần cho đồng bào... Dự án Định canh định cư đã có 112 hộ đồng bào dân tộc được cấp đất, mỗi hộ được cấp từ 1 - 1,5 ha đất; 10 hộ được cấp bò giống. Ngoài ra, xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, chăm sóc cây tiêu; hỗ trợ cây trồng, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp bà con ổn định sản xuất. Đến thăm các vùng ĐBDTTS hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là những ngôi nhà mới, những đàn bò, heo, vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, con cái được học hành tử tế. Điều này khẳng định, đời sống ĐBDTTS đã đổi thay hoàn toàn, từ những hộ sống ngay trong lòng thành phố đến các xã vùng xa.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Hiện nay cuộc sống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng họ vẫn rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để họ vươn lên hơn nữa trong cuộc sống”. Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của đất trời, xuân của lòng người. Chắc chắn rằng, với sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và trên hết là tinh thần vượt khó của ĐBDTTS, sẽ tiếp tục mang sắc xuân tươi đẹp hơn đến với ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.

 Hiện nay, toàn tỉnh có 20 dân tộc thiểu số với hơn 17.000 người sinh sống. Số liệu thống kê đầu năm 2015, toàn tỉnh có 838 hộ ĐBDTTS khá giàu, 950 hộ trung bình, 56 hộ nghèo và 71 hộ cận nghèo theo tiêu chí hộ nghèo của tỉnh. Những năm qua, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi, xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, giới thiệu việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

 

KIM HÀ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên