Khoảng đầu tháng chạp âm lịch, phòng làm việc của Mai xôn xao những câu đại loại như: Tết này về quê không? Mua vé chưa? Đi máy bay hay xe khách hay tàu hỏa? Chuẩn bị gì chưa? Ở quê lạnh lắm nhé! Chuẩn bị đồ đủ ấm cho lũ trẻ… Tiếng xôn xao tết nhất đó như một sự quan tâm mà người ta dành cho nhau. Bù lại cho trước đó mấy ngày là không khí nặng nề của cuộc họp kiểm điểm cuối năm vừa lòng người này, không như ý người khác. Bù lại cho những lúc ai nấy cắm cúi làm việc như… ma đuổi để hoàn thành việc của một năm. Và cũng bù lại cho mỗi khi hễ rảnh một chút là nhân viên nào ô thửa đó úp mặt, cúi đầu, cười cười, xót xót, xa xa cùng thông tin loạn xạ được đăng tải trên facebook!
Mai vẫn làm việc như bình thường. Cô chẳng có khái niệm gì nhiều về quê hương bởi sinh ra và lớn lên ở miền Nam quanh năm hào phóng nắng mưa, hào phóng tình người này. Quê với Mai là những lần nghe ba mình kể chuyện ngày xưa thế này, ngày xưa thế khác. Mà cái ngày xưa đó cũng chỉ là khoảng thời gian vài chục năm.
Xôn xao một lúc rồi ai nấy làm việc. Mai cũng bận túi bụi với quá chừng công việc sổ sách, số liệu. Vé cho ba về quê ăn tết Mai đã mua từ nhiều tháng trước. Quà cáp cho bà con, Mai cũng đã thu xếp đâu vào đó nên chẳng lo lắng gì nữa. Tính Mai hay lo xa. Cô chu toàn, ngăn nắp mọi thứ để bớt phải băn khoăn, chộn rộn. Năm nay, ba của cô nhất định đòi về quê ăn tết cùng họ hàng. Mẹ mất lâu rồi nên chuyện gì Mai cũng thủ thỉ với ba. Ít có khi cha con xa nhau quá một tuần. Dù đã lấy chồng, sinh con nhưng Mai vẫn sống trong nhà cùng ba mình nên cô vẫn như đứa con gái nhỏ. Thôi năm nay mình ráng “hy sinh” để ba về quê cho thỏa lòng. Người ta nói, khi về già, con người thường hay nghĩ về cố hương.
Nhưng ông Quốc, ba của Mai thì thật sự… chộn rộn. Bởi ông đã có một quyết định cho riêng mình. Ông vẫn chưa nói ra với con gái rượu bởi không biết đứa con được ông nuông chiều từ nhỏ sẽ phản ứng như thế nào trước quyết định của ba nó…
Năm Mậu Thân 1968, ông được lệnh đi B. Ngày đó, ông Quốc mới mười tám đôi mươi. Ông là người lính vừa cầm súng vừa cầm bút chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp, một ước muốn cháy bỏng cho ngày thống nhất đất nước. Sau năm 1975, mấy lần ông định về quê nhưng lại chuyển công tác hết cơ quan này đến đơn vị khác. Ông lập gia đình và định cư luôn ở miền Nam này. Vợ ông mất đã mười mấy năm nay sau một cơn bạo bệnh và ông sống cùng vợ chồng con gái, hai cháu ngoại rất ngoan ngoãn, dễ thương. Cuộc đời của ông tưởng như thật mỹ mãn khi về già. Nhiều người ao ước có được tuổi già sung túc, hạnh phúc như ông.
Thế nhưng mấy năm gần đây, một ông già tuổi sáu lăm như ông bỗng nhiên… ưa khác thường! Ông không tập trung làm việc gì ra việc gì. Đôi khi đang đọc một quyển sách hay, ông bỏ ngang và thở dài. Đôi khi làm một bài thơ, viết một tạp bút cho tờ báo quen hay đặt bài, ông cũng bỏ dở dang. Có điều gì đó cứ thấp thoáng, ẩn hiện trong mớ trí nhớ ào ào, đầy ắp cứ “kéo” ông về với những ngày tháng của tuổi thơ, tuổi hoa niên trên cánh đồng làng, trong ngôi nhà bình dị in hình bóng người mẹ thân thương của ông trong từng bóng cây, góc nhà, giếng nước, vườn rau…
Tuổi thơ của ông là những lần lẩn quẩn theo chân mẹ. Là quá chừng trò chơi đánh đáo, ô ăn quan, cho trâu giữa thôn này với thôn khác chọi nhau rồi hò reo vang trời. Ba ông Quốc thoát ly đi theo cách mạng từ sớm nên ông hầu như chỉ có mẹ mình chở che. Những người chú, bác, ông bà cũng hết lòng yêu thương ông. Quê nhà với biết bao kỷ niệm là thế ông cũng đành bỏ lại tất cả để ra đi theo lý tưởng của một người thanh niên có trách nhiệm với nước nhà. Rồi từng người thân lần lượt ra đi, ngôi nhà ở quê được ông Quốc về sửa sang khang trang cũng trở thành ngôi nhà từ đường. Thỉnh thoảng ông mới về thăm.
Mai hay bảo ba cô trái tính trái nết. Đó là do gần đây ông Quốc bỗng nhiên hay thẫn thờ. Có khi ông ngồi hàng giờ trong thư phòng mà chẳng đọc cuốn sách nào hay viết lách gì như vẫn làm trước đây. Bao nhiêu ký ức cứ hiện về trong ông. Từng cụm khói mỏng bay trong buổi chiều tà nơi mái tranh nghèo. Khói bảng lảng bay như vấn vương mái tranh còn ướt sũng nước của trận mưa đêm trước. Gian bếp được che chắn bằng vách đất, mái tranh nhưng ấm cúng lạ kỳ. Mùa hè, gió mát lồng lộng. Mùa đông, gian bếp ấm áp và nơi bếp tro, mẹ hay lùi vài củ khoai để ông đi đâu về là có cái dằn bụng. Nhiều lần ông kể với Mai chuyện này, cô phì cười: “Ba hết chuyện nhớ à. Đến sợ khói cũng nhớ”. Mà thật, đời cô làm gì biết sợ khói để mà nhớ, để mà cay mắt.
- Ba nè, thiệt là kỳ cục nha. Nhà mấy nhỏ bạn con cách chỗ làm có mấy chục cây số chớ nhiêu. Tức là nhà chúng ở mấy tỉnh quanh quanh đây nè. Vậy mà đứa nào cũng háo hức kể chuyện quê tao thế này, tết quê thế nọ. Ngày thường thì mong cho đến lễ lượt để đi khỏi thành phố, để về quê - trong bữa cơm tối, Mai nói chuyện với ba. Đó là cô nhớ đến sáng nay mọi người xôn xao nói chuyện tết.
- Ừ, đó là tình cảm thiêng liêng. Con người ta ai cũng có một mái nhà lưu dấu kỷ niệm ở nơi chôn nhau cắt rốn. Là do con sinh ra, lớn lên ở đây nên khái niệm về quê nhà mơ hồ hơn chút thôi - ông Quốc ân cần.
- Ôi, thôi không nói chuyện này nữa đâu. Ba lại chìm vào miền quá khứ cho coi…
Mai kết thúc câu chuyện với ba và cũng đứng lên dọn dẹp nhà cửa, cho con học bài…
Từ giữa tháng chạp, ông Quốc bắt đầu lặt lá mai, chăm sóc vườn kiểng ở nhà thật tinh tươm, chu đáo. Xong ông bắt đầu đóng gói quần áo, sách vở, chăn màn. Mai đi làm về nhìn từng thùng ông đóng sẵn hỏi ba chỉ về quê ăn tết rồi vào, sao ba mang nhiều đồ đạc quá vậy. Ông Quốc chỉ ừ cho qua chuyện, không nói gì. Mai cũng nghĩ, có lẽ, ông gửi quà về quê cho bà con nên cũng không hỏi.
Những ngày gần giáp năm, thỉnh thoảng, ông Quốc lại dặn chị giúp việc làm cho mình vài món đãi khách. Ông mời dăm ba người, khi là những ông bạn hàng xóm thường uống trà, đánh cờ tướng, khi là những đồng đội cũ hay những người bạn thơ phú ở câu lạc bộ cấp phường, cấp quận. Mai đi làm về lại thấy ông ríu ran chia tay bạn bè. Mai lắc đầu cười: “Ba làm như đi định cư nước ngoài hổng bằng”!
Hai mươi sáu tết, đợi vợ chồng Mai và hai cháu ngoại đi làm, đi học về, cả nhà chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ông Quốc mới gọi cả nhà đến nói chuyện.
- Mai à, ba lo là con sẽ phân tâm, không tập trung cho công việc cuối năm, lo là con sẽ cản ngăn nên bây giờ ba mới nói. Ba tính về quê ở hẳn. Tức là… là… cũng không ở hẳn. Thỉnh thoảng ba vào thăm con cháu.
- Ba… Mai không nói gì. Cô nghẹn giọng trước thông tin quá đột ngột.
- Ba tính vậy sao được? Ở đó có còn ai đâu? Rồi ai lo cho ba? Chồng Mai lên tiếng thay cô.
- Không sao. Ba còn khỏe. Vẫn còn bà con chòm xóm chứ con. Ba đi gần năm mươi năm nay rồi. Giờ ba nên về quê để lo chuyện hương hỏa cho gia tộc. Cuộc sống ở quê cũng bình yên hơn…
- Hay là vợ chồng con và các cháu có làm gì ba phật ý? Vẫn là chồng Mai tiếp chuyện thay vợ bởi cô đã rưng rưng khóc và ôm hai con. Hai đứa cháu ngoại của ông Quốc cũng nói thầm thì “ông đừng đi, ông đi nhà mình buồn lắm”…
- Các con chưa bao giờ làm ba buồn. Buồn sao được trước mấy đứa cháu ngoan thế này. Nhưng ba muốn về quê, ba nhớ lắm… Ông Quốc ôm hai đứa cháu vào lòng. Xoa đầu như chúng còn trẻ nhỏ. Mai vẫn bàng hoàng. Cô không hình dung sẽ như thế nào nếu vắng ba…
Căn nhà ở quê cũ đón ông Quốc về trong một ngày giáp tết. Trước đó, ông đã gọi điện nhờ người em họ mua sắm vài thứ, trang trí lại nhà cửa nên nhìn căn nhà thật ấm cúng, khang trang. Ông xao xuyến nghĩ đến lễ cúng giao thừa. Không còn gì thiêng liêng hơn thắp nén nhang thành kính hướng về tổ tiên mà “nói” những lời thành tâm, mà “báo cáo” những gì mình đã làm được trong gần nửa thế kỷ qua. Chiều nay mấy người hàng xóm ở quê nghe ông về kéo đến thăm. Có người ngồi bấm đốt ngón tay rồi cười: “Năm con khỉ ông xách súng ra đi. Năm nay cũng là năm con khỉ, ông quay về. Dù không còn trai trẻ nhưng ông vẫn phong độ lắm. À, bà Mận vẫn ở vậy đó ông biết không?”. Người quê là thế, bỗ bã, xởi lởi. Nhưng, ông Quốc thoáng giật mình. Mận - con bé ông vẫn coi như em gái là người vừ a được nhắc đến sao? Ký ức đưa ông về ngày thơ cũ. Một con bé lủn củn theo chân ông mỗi khi ông đi chăn trâu, cắt cỏ. Ông dạy con bé học chữ bởi nhà nó quá nghèo…
Chiều ba mươi, mọi thứ đã tươm tất. Ông Quốc nhìn lại một lần nữa tất cả trong nhà, ngoài vườn với ý hài lòng. Bỗng có tiếng chó sủa, tiếng trẻ con xôn xao trước ngõ. Ông nhìn ra ngõ. Dụi mắt mấy lần để biết mình không nhìn nhầm. Vợ chồng Mai cùng hai đứa con tíu tít, lỉnh kỉnh xuống xe. Mai ôm chầm lấy ba. “Con muốn cho ba một bất ngờ. Con biết ba có ý định về quê lâu rồi nhưng con không nói ra. Năm nay con cũng ăn tết ở quê. Ba chẳng nói ai cũng có một mái nhà ở quê sao?”.
Ông Quốc mừng rơi nước mắt. Nơi nào đó, mẹ ông sẽ rất vui khi con cháu tìm về nguồn cội…
Truyện ngắn TRẦN QUỲNH NHƯ