Anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động

Cập nhật: 26-04-2016 | 10:06:46

 

LTS: Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, vùng đất Bình Dương đã phải gánh chịu nhiều bom đạn của quân thù. Nơi đây đã hình thành những căn cứ địa cách mạng, những chiến khu nổi tiếng như Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên, Chiến khu Thuận An Hòa... Vượt qua những gian khổ, hy sinh, nhân dân tại các căn cứ địa cách mạng, chiến khu xưa đã anh dũng chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng. Giờ đây, những chiến khu năm nào đã thay da đổi thịt mạnh mẽ; màu xanh hy vọng, màu xanh sự sống, màu xanh của sự phát triển đang lan tỏa rộng khắp trên những vùng đất này.

 Bài 1: Đổi thay vùng Chiến khu Đ

 Về lại TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, vùng đất xưa vốn là Chiến khu Đ anh dũng trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi vẫn như đang nghe âm vang của những chiến công vang dội. Con đường nối liền TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên đang trở thành công trường hối hả, được nâng cấp mở rộng để hai địa phương này kết nối nhanh hơn. Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, với những chiến công vang dội, Chiến khu Đ đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù và trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Có vai trò quan trọng về mặt chiến lược, ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ khoảng rừng nhỏ nằm bên bờ sông Đồng Nai, Chiến khu Đ đã được hình thành và dần phát triển rộng lớn, nối liền các căn cứ trên khắp chiến trường. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ là hậu phương lớn và trực tiếp của miền Đông Nam bộ, là nơi an toàn cho các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy của ta; đồng thời là bàn đạp để các binh đoàn chủ lực hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Hôm nay, nhắc đến cái tên Bắc Tân Uyên, nhiều người đã nghĩ ngay đến một vùng đất với những vười cây có múi tươi tốt trĩu quả ven sông Đồng Nai. Ảnh: C.SƠN

Để có được những chiến công vang dội, quân và dân Chiến khu Đ đã không tiếc hy sinh xương máu, đoàn kết một lòng, kiên cường trước kẻ thù, trong đó cũng có cả những người con từ địa phương khác mãi mãi nằm lại trên vùng đất này. Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân vùng Chiến khu Đ anh hùng nhanh tay bước vào công cuộc khai hoang, phục hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh, chung sức phấn đấu để đưa địa phương đi lên. Tân Uyên khi đó còn là vùng kinh tế mới của tỉnh Sông Bé. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để sản xuất nông nghiệp nên đã có rất nhiều người dân trên cả nước về đây lập nghiệp, chung tay xây dựng vùng đất chiến khu xưa. Hơn 40 năm qua, với sự lãnh đạo của tỉnh và huyện Tân Uyên, nay là huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên, vùng đất này đã không ngừng đổi thay. Vượt qua nhiều gian khó, hạn chế, từ vùng đất còn nhiều gian khó, Tân Uyên và Bắc Tân Uyên đang chuyển mình mạnh mẽ. Phát huy thế mạnh, dưới sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, kinh tế - xã hội của 2 địa phương đã có bước phát triển đúng hướng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

TX.Tân Uyên đang dần khẳng định là vùng đất năng động, giàu tiềm năng phát triển. Trong thời gian qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy tính năng động, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương, khai thác có hiệu quả những lợi thế, tiềm năng, các nguồn lực, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, TX.Tân Uyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển…

Với những thành tựu đã đạt được, TX.Tân Uyên hôm nay đang có những bước tiến vững chắc để tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đô thị hiện đại trong tương lai. TX.Tân Uyên đã xây dựng kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020. Trong đó thị xã xác định lấy phường Uyên Hưng làm điểm đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thị xã; xác định mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã, phát triển hệ thống các khu thương mại - dịch vụ, khu dân cư, tái định cư song song với bảo vệ môi trường sống xanh - thân thiện; hoàn thiện các chỉ tiêu đô thị còn yếu nhằm nâng cấp đô thị hiện tại và từng bước hình thành một đô thị Tân Uyên văn minh đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trong gian đoạn 2016-2018 và phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2020; xây dựng và phát triển phường Uyên Hưng, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn để được công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” vào năm 2018 và các phường Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Hiệp và Thạnh Phước sẽ đạt danh hiệu này vào năm 2020.

Từ TX.Tân Uyên, vượt qua cung đường dọc theo sông Đồng Nai, chúng tôi tìm đến huyện Bắc Tân Uyên. Là địa phương, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã đoàn kết thống nhất cùng chung sức đưa địa phương phát triển. Tìm đến xã Đất Cuốc, nơi còn lưu dấu nhiều chiến công oai hùng của quân và dân vùng đất Chiến khu Đ, chúng tôi được nghe các cựu chiến binh nơi đây kể lại những tháng ngày hào hùng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đất Cuốc, mảnh đất gian khó, bom cày đạn xới ngày nào nay đã có bước đổi thay mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả trong thực tế. Ông Phạm Văn Bé, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đất Cuốc nói: “Người dân vùng đất Chiến khu Đ chúng tôi luôn tự hào về truyền thống hào hùng, về những chiến công và càng quý trọng máu xương của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống thấm đẫm vùng đất này. Để xứng đáng với truyền thống đó, nhân dân Chiến khu Đ ngày nay đang ra sức lao động sản xuất để đưa địa phương phát triển đi lên”.

Hôm nay, nhắc đến cái tên Bắc Tân Uyên, nhiều người đã nghĩ ngay đến một vùng đất với những vườn cây có múi tươi tốt trĩu quả ven sông Đồng Nai, những khu nông nghiệp công nghệ cao, những vùng chăn nuôi tập trung, những địa điểm du lịch sinh thái đầy tiềm năng cùng với những hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng hiệu quả. Tất cả những điều kiện trên đã góp phần tạo nên vùng đất Bắc Tân Uyên năng động trên nhiều lĩnh vực. Với truyền thống kiên cường, bất khuất của vùng đất Chiến khu Đ và với những thành quả cơ bản đạt được kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Tân Uyên đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, thực hiện tốt cải cách hành chính gắn với phòng chống tiêu cực, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; khai thác tối đa mọi nguồn lực tập trung xây dựng nông thôn mới và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để huyện Bắc Tân Uyên sớm trở thành đô thị sinh thái của Bình Dương.

Anh dũng, kiên cường trong trong chiến tranh, lập nên những chiến công hiển hách, giờ đây trong thời kỳ đổi mới, nhân dân vùng đất Chiến khu Đ năm nào lại đang ra sức lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương… (còn tiếp).

 CAO SƠN - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=728
Quay lên trên