Anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động - Bài 3

Cập nhật: 28-04-2016 | 08:09:38

Bài 3: Chiến khu xưa sáng tươi sắc màu công nghiệp hóa

 Thuận An Hòa, cái tên  đã từng đi vào lòng biết bao thế hệ người dân địa phương với sự hiên ngang kiên cường trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt. Vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa xưa kiên cường, bất khuất bao nhiêu thì nay lại tạo được ấn tượng hết sức mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa nay đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành vùng đất đầy năng động. Trong ảnh: Một góc KCN Việt Nam - Singapore I. Ảnh: P.V

 Đất thép anh hùng

Chiến khu Thuận An Hòa (là tên ghép của vùng đất thuộc 3 phường Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa, TX.Thuận An) được hình thành từ năm 1946, nhằm tạo thành vùng căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Đây là căn cứ của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của tỉnh; căn cứ của cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang huyện Lái Thiêu trong hai cuộc kháng chiến. Đây còn là vị trí trú quân, bàn đạp tốt nhất của các đơn vị chủ lực của tỉnh, Miền trong các trận đánh, các đợt hoạt động, các chiến dịch tiến công các mục tiêu địch trên địa bàn, trong nội ô Sài Gòn trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Chiến khu Thuận An Hòa có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng. Mặc cho địch liên tục bủa vây, càn quét với mục đích thâm độc là xóa sổ “cái gai trong mắt” này, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự kiên cường, mưu trí của lực lượng cách mạng cùng sự đùm bọc, che chở của người dân địa phương, Chiến khu Thuận An Hòa vẫn đứng vững dưới mưa đạn kẻ thù, khiến cho địch phải khiếp sợ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, người dân nơi đây hết lòng đi theo cách mạng, tiêu biểu nhất là Bình Hòa đã được Bác Hồ khen tặng là làng kháng chiến kiểu mẫu năm 1948 vì cả làng không ai đi theo giặc. Không chỉ có các chủ lò đường, lò chén góp tiền cho kháng chiến mà người dân nghèo trong chiến khu còn đẽo từng chiếc đòn gánh, đan thúng, đan nia cũng gom góp từng cắc, từng xu nuôi quân đánh giặc.

Mỗi khi thấy bọn lính Tây, lính ngụy vừa ra khỏi đồn bót, người dân đi xe ngựa, xe đạp hay chạy bộ đến thông báo cho ta. Cũng tại chiến khu này đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng như Trần Thị Hoa, Từ Văn Phước, Lê Thị Trung làm cho quân Mỹ khiếp sợ mỗi khi càn quét vào căn cứ. Để rồi, trong chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975, hòa cùng dòng thác cách mạng, Thuận An Hòa đã trở thành bàn đạp vững vàng để lực lượng ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Vượt qua nhiều gian lao, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Chiến khu Thuận An Hòa đã trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. Dù đã 41 năm trôi qua sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, những chiến công của quân và dân Chiến khu Thuận An Hòa vẫn được thế hệ trẻ hôm nay nhớ đến như là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết quân dân muôn người như một, kiên cường, hiên ngang trước họng súng quân thù.

Đất thép nở hoa

Tượng đài Dân quân chính Đảng Chiến khu Thuận An Hòa uy nghi hiện hữu hôm nay là biểu tượng của tinh thần bất khuất của quân và dân Chiến khu Thuận An Hòa, là nơi để các thế hệ cán bộ và nhân dân địa phương ghi nhớ về những tháng ngày gian lao mà anh dũng năm xưa. Hơn 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ kháng chiến, cán bộ, quân và dân vùng Chiến khu Thuận An Hòa ngày nay đang ra sức lao động, học tập, sản xuất, chung tay đưa địa phương ngày càng đi lên.

Đi dọc trên đại lộ Bình Dương tại khu vực phường Thuận Giao, Bình Hòa hay đến với Phú An trong những ngày tháng tư lịch sử này, nhìn thấy những tòa nhà cao tầng hiện đại sừng sững, những dòng xe cộ tấp nập qua lại, chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn về sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất anh dũng này. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân vùng đất này đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, mở rộng sản xuất, tạo thế và lực cho địa phương phát triển. Những giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống vùng đất bom cày đạn xới ngày nào đã được đáp đền xứng đáng khi những địa phương của vùng chiến khu xưa hồi sinh nhanh chóng và có những bước đi mạnh mẽ. Để rồi hôm nay, An Phú, Thuận Giao, Bình Hòa đã phát triển lên thành phường; có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ nhanh chóng, trở thành những hạt nhân trong phát triển kinh tế của TX.Thuận An.

Vùng đất Thuận An Hòa lửa đạn ngày nào đã trở thành vùng đất hứa, là nơi đất lành chim đậu với mọi người. Minh chứng cho điều này là tại đây trong thời gian ngắn nhịp sống đô thị đã trở nên sầm uất; là sự hình thành các khu dân cư, khu chuyên gia, khu thương mại...; sự xuất hiện của các khu công nghiệp như Việt Nam - Singapore I, Việt Hương... với hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động… Thuận An Hòa đang chắp cánh bay cao trên con đường đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Thuận Giao cho biết: “Được thụ hưởng những thành quả hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thuận Giao, một phần máu thịt của Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa không thể nào quên công lao của những người đã ngã xuống, những cống hiến quan trọng của các thế hệ đi trước. Từ truyền thống của Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thuận Giao tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, ra sức thi đua để đưa địa phương ngày càng phát triển đi lên. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, phường Thuận Giao đã có cơ cấu kinh tế phát triển hợp lý, trong đó công nghiệp, thương mại - dịch vụ giữ vai trò chủ lực. Hạ tầng kinh tế - xã hội của phường được đầu tư phát triển đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa trong thời gian tới. Cùng với đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên”.

Cùng sát cánh với nhau trong thời kỳ kháng chiến, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các phường Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa đều đạt được những kết quả nổi bật khi cùng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Những tuyến địa đạo năm nào nay được thay thế bởi những con đường trải nhựa khang trang, sạch đẹp bảo đảm cho sự thông thương, đi lại của nhân dân, các doanh nghiệp cũng như kết nối nhanh với các địa phương khác. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, truyền thống Chiến khu Thuận An Hòa là tài sản tinh thần quý báu của cả 3 địa phương Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa. Đảng ủy phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Vượt qua khó khăn, thách thức, vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa ngày nay đã chuyển mình. Những nhà máy, xí nghiệp, những trung tâm thương mại, khu dân cư vẫn đang tiếp tục mọc lên trên vùng đất này đã chứng minh cho sức bật mạnh mẽ của nơi đây. Nối tiếp truyền thống Thuận An Hòa hào hùng, kiên cường trong quá khứ, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa năng động, sáng tạo hôm nay là niềm tự hào của TX.Thuận An trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. (Còn tiếp)

 CAO SƠN - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1464
Quay lên trên