Không phải chúng ta chưa từng mâu thuẫn trong cách dạy dỗ con, nhưng đây lại là lần đầu tiên em nghe anh tuyên bố một câu xanh rờn rằng, anh là bố chúng nó, anh có quyền! Nhìn thái độ bừng bừng của anh lúc ấy, em chẳng biết phải nói sao…
Con chúng mình, đứa lớn lên mười, đứa nhỏ cũng đã sáu tuổi, đâu phải không biết gì. Mới đầu tuần đây thôi, con trai nhỏ len lén đạp chiếc xe bốn bánh của nó đến tiệm game cuối hẻm, dựng xe ở đấy vào xem ké. Cảnh tượng đó, đối với em thật là kinh khủng!
Ảnh minh họa
Em không dám hình dung tiếp về tương lai, khi thằng nhóc vẫn còn đợi mẹ đút ăn buổi sáng, sẽ rành rẽ ngồi chễm chệ trong căn phòng ngột ngạt máy tính và hơi người kia, cắm cúi vào cái thế giới trò chơi ảo đầy mê muội ấy.
Em hoảng sợ đến mức đã dẫn con về, phạt thật nặng, với hy vọng con hiểu mà tránh xa cái nơi mà những tội lỗi như bỏ học, dối trá, trộm cắp tiền bạc, thậm chí cả cướp và giết… sẽ bắt nguồn.
Thế nhưng, với anh mọi thứ đều là chuyện vặt. Trẻ con có biết gì, hiểu gì đâu mà em phải quan trọng hóa vấn đề như vậy? Lời kết luận của anh khiến em vừa chưng hửng, vừa bất ngờ.
Dạy con chưa bao giờ là vấn đề cấp thời hay nghiêm túc với anh thì phải. Trong mắt anh, các con đều còn vô cùng bé bỏng, hãy để cho chúng tận hưởng tuổi thơ… Suy nghĩ ấy không sai, chỉ là không còn phù hợp giữa cái thời sểnh ra là bọn nhóc hỏng mất như bây giờ, anh à…
Cũng vì suy nghĩ đó của anh nên con gái mình đã lên mười mà chưa hề biết làm những việc cá nhân như xếp mền gối khi ngủ dậy, gấp quần áo của chính mình cất vào tủ, đừng nói gì đến quét nhà, rửa bát, bắc nồi cơm điện…
Em từng dành thời gian để dạy con vài chuyện bếp núc, nhưng kế hoạch huấn luyện con gái bị phá sản khi anh hầm hè tuyên bố, con mình còn nhỏ lắm, cầm dao sẽ bị đứt tay, bật bếp ga dễ dẫn đến… cháy nhà. Đừng cãi lời, anh nói không có sai đâu! Con gái vốn chẳng mấy hào hứng với việc nhà, đã nhanh chóng vin vào chỉ thị của ba để trốn việc.
Anh thoải mái đưa cho con mượn chiếc điện thoại thông minh. Máy tính bảng của em, cũng chính anh lấy cho con chơi mỗi khi em vắng nhà. Để bọn nhóc giải trí chút đỉnh, cập nhật cho bằng bạn bè, thời của mình làm gì có mà “vuốt” như thế. Vả lại, không cho thì con nó chơi gì bây giờ? Khi em trách anh nuông chiều con không phải lối, anh đã phản biện như vậy.
Hậu quả là cả hai đứa luôn đeo bám theo ba, chỉ để vòi vĩnh cho được mấy thiết bị điện tử. Để rồi khi bận rộn, mệt mỏi, anh sẵn sàng cáu bẳn rằng, sao nuôi con lớn mà chúng nó vô tâm, chỉ biết đòi hỏi, quan tâm tới điện thoại, máy tính bảng chứ không hề biết hỏi han tới ba mình.
Anh lại có thói quen coi các clip hài khi ăn tối. Bữa cơm dài dằng dặc trong tiếng cười nói rổn rảng phát ra từ chiếc điện thoại. Hai đứa trẻ xúm xít dán mắt vào. Khi em quát con rời ra, đi học bài, anh lại bảo, ăn cơm cũng chẳng yên, cả ngày vất vả, chỉ có chút thư giãn thế này mà cũng bị con làm phiền, vợ nhấm nhẳng.
Góp ý với anh là đừng nên vừa ăn vừa xem như thế, con cái phân bì, em làm sao cấm con coi ti vi lúc dùng bữa, anh khăng khăng cho rằng, anh khác, con khác, làm sao đánh đồng cho được!
Em còn có thể nói gì đây, khi anh minh họa bằng câu chuyện ngày xưa, khi ông nội tụi nhóc đi làm về, anh thậm chí còn quạt tay cho ba anh ngồi ăn cơm được thoải mái. Anh có bao giờ thắc mắc là tại sao ba anh làm thế này thế nọ, mà anh thì chẳng được phép. Nên bây giờ, con của anh cũng phải suy nghĩ như thế, không được quyền “dòm ngó” các hành động của ba chúng.
Trẻ con thời nay chủ yếu chỉ cần học cho giỏi, đừng lăn tăn mấy cái râu ria lẻ tẻ ấy. Anh đã trấn an em như vậy. Nhưng, anh lại quên là bây giờ con nít nhanh khôn lắm, mình sơ sẩy là mất con vào game trực tuyến, vào mạng xã hội cũng như bao nhiêu cạm bẫy khác của cuộc sống hiện đại.
Em cũng không chịu nổi ý nghĩ, con chúng ta rồi sẽ như gà công nghiệp, chẳng có bất kỳ kỹ năng căn bản nào…
Nói thêm thì chúng ta lại sẽ cãi nhau. Bài toán dạy con mãi vẫn chưa có lời giải thống nhất. Em chỉ mong anh nghĩ lại, nghĩ thêm, anh nhé…
Theo PNO