Thưởng và phạt là những hình thức dạy con phổ biến mà hầu như bậc cha mẹ nào cũng áp dụng, nhằm động viên, khuyến khích hoặc trừng phạt, ngăn chặn con làm việc gì đó. Trong các cách dạy con, nói chung là nên thưởng, nhưng thưởng như thế nào và thưởng món gì là điều cần quan tâm.
Hồi năm ngoái, anh bạn tôi thấy đứa con gái tám tuổi đang học lớp 2 hay len lén mở cái iPad của anh để chơi game thì bảo: “Con mà thi cuối năm được ba điểm 10 (các môn tiếng Việt, tập làm văn và toán) thì ba thưởng cho con cái iPad”. Con bé hí hửng, ráng học, cuối cùng cũng được điểm tuyệt đối. Mang sổ liên lạc về khoe, con bé lập tức được ba mua tặng cho một cái máy tính bảng mới giá khoảng chục triệu. Ban đầu, con bé chấp hành “yêu cầu” của ba rất nghiêm túc, chơi vào giờ quy định, những trò gì, xem nội dung gì…, nói chung không có vi phạm nào đáng kể. Tuy nhiên, đến giữa năm học lớp 3, bạn tôi mới phát hiện ra là mình sai lầm. Do bận việc, anh không theo sát việc sử dụng Ipad của con, sau này anh mới nhận ra đó là công cụ hại con vô cùng. Ngoài các trò chơi, con gái anh còn xem các chương trình ca nhạc, phim ảnh không phù hợp với tuổi của bé, rồi lâu lâu nghêu ngao hát những câu mà người lớn phải giật mình, hoặc kể lại những cảnh bé thấy trên phim. Đã vậy, lúc làm toán, thay vì đặt bài toán rồi tính toán cẩn thận, con bé mở chương trình tính toán, bấm số và ung dung ghi kết quả. Thi học kỳ I năm lớp 3, con gái anh chỉ đạt điểm trung bình môn toán bởi lúc làm bài nó không thể tính được!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Rõ ràng việc giữ đúng lời hứa về phần thưởng cho con là rất tốt, nhưng tặng cho con một món quà không hợp độ tuổi của con đã gây ra hệ quả không hay. May mà bạn tôi đã sớm phát hiện và khắc phục kịp thời, nếu không thì hậu quả chắc nặng nề hơn.
Có phụ huynh lại không chú ý câu “của cho không bằng cách cho” nên việc thưởng cho con thay vì là hình thức biểu dương, khích lệ để động viên con phấn đấu hơn trong thời gian tới thì lại làm giảm ý nghĩa của món quà và cả việc thưởng. Có người gần như quên lời hứa thưởng, hoặc khi thưởng thì như “bị ép buộc”, lắm lúc nói với con những câu không hay (đại loại: “con nít mà hay đòi hỏi”, “thưởng cho con làm cha/mẹ tốn tiền quá”, “thưởng món quà này cho con không biết con xài được bao lâu”…). Vì vậy, món quà có ý nghĩa và được tặng trong một không khí ấm cúng, thân tình, yêu thương thì ý nghĩa đó càng được nhân lên. Chẳng hạn, quà tặng cho danh hiệu học sinh giỏi cuối năm được tặng trong dịp họp mặt đại gia đình, có lời khen ngợi và chúc mừng của ông bà, cô chú, anh chị em… hẳn sẽ làm trẻ thấy tự hào hơn và cũng thấy trách nhiệm phải nỗ lực hơn.
Cũng có phụ huynh hứa tặng cho con tiền khi con học tốt hoặc làm tròn công việc nào đó. Có người quy định rõ: học được điểm 10 thì thưởng 5.000đ, 9 điểm thì thưởng 2.000đ; mỗi lần quét nhà thưởng 5.000đ, tự giặt giày dép, thưởng 5.000đ mỗi lần… Những lần đầu thì rõ ràng có sự kích thích rõ nét, nhưng lâu dần hình như những việc lẽ ra là bổn phận của trẻ lại trở thành việc trao đổi, thậm chí là “mua bán”. Nếu việc này lặp lại nhiều lần thì trẻ mất dần ý thức về nghĩa vụ mà tập dần tính đổi chác, thỏa hiệp, rất không tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, chọn quà thưởng là tiền cho trẻ nên được các bậc cha mẹ hết sức cân nhắc.
Tóm lại, cha mẹ cần xác định thưởng cho con (một món quà vật chất hoặc tinh thần), điều đầu tiên phải nghĩ là ý nghĩa thực sự mà mình mong muốn dành cho con từ món quà đó. Do vậy, không nên tùy tiện chọn đại một món quà nào đó mà phải xem xét đến mong muốn, sở thích, nhu cầu, năng lực sử dụng của trẻ. Món quà ý nghĩa đó phải được tặng trong một dịp hợp lý, có tác dụng động viên và nhắc nhở trách nhiệm phấn đấu cho trẻ. Các bậc cha mẹ không nên quá chú trọng đến món quà có giá trị vật chất, trong nhiều trường hợp món quà có giá trị tinh thần còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Chẳng hạn, một chuyến dã ngoại của gia đình để trẻ thấy được sự gắn bó, tình yêu thương của các thành viên, có thể có ý nghĩa động viên trẻ nhiều hơn một món quà cụ thể nào đó…
Theo Phunuonline