Bác Hồ trong những ngày đầu tiên độc lập

Cập nhật: 05-09-2010 | 00:00:00

Bác làm việc suốt ngày. Thường buổi sáng đầu giờ là cuộc hội ý Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó là Bác tiếp khách, tiễn khách về là Người lại ngồi viết thư, báo bằng cách cặm cụi mổ cò trên chiếc máy chữ nhỏ mang theo từ chiến khu...

 

Tối ngày 23-8-1945, Bác Hồ đi đò qua sông Hồng đến làng Gạ. Chiều 25-8, Người vào nội thành Hà Nội và đến ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang. Bắt đầu từ tối 2-9, Người chuyển đến Bắc Bộ Phủ và ở đây đến cuối tháng 10.  Bắc Bộ Phủ lúc đó gồm tòa nhà số 12 phố Hăngriviơ (nay là phố Ngô Quyền), kéo dài đến sát phía sau Bưu điện Hà Nội, bên phải là văn phòng Khâm sai, bên trái là vườn hoa Chí Linh (nay là chỗ đặt tượng đài Lý Thái Tổ). Sau khi giành chính quyền, Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan Bộ cũng đến đặt trụ sở trong phủ Khâm sai.

 

Nhà Bắc Bộ Phủ gồm hai tầng chính và một tầng hầm. Bác ở căn phòng nhỏ trên gác hai trang trí rất giản dị: bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ mặt đan mây hình lục lăng và chiếc ghế xích đu bằng song. Tầng dưới Bác tiếp khách ở phòng khách cũ, còn phòng ăn chỉ sử dụng khi Chính phủ mở tiệc tiếp thượng khách. Sáng 3-9-1945, tại Bắc Bộ Phủ (trụ sở tạm thời của Chính phủ). Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức. Ông Vũ Đình Hòa nhớ lại buổi họp quan trọng này: "Các vị bộ trưởng "nhân dân" an tọa xung quanh chiếc bàn dài gỗ mun, trải tấm dạ xanh. Vài người rì rầm, không khí nghiêm trang khác thường. Chiếc đồng hồ treo, khung chạm trổ, gõ tám tiếng trịnh trọng vừa dứt thì cánh cửa một phòng hé mở, ông Đổng lý văn phòng Hoàng Minh Giám khẽ nói: "Cụ Hồ Chí Minh" rồi rời nhanh chỗ ngồi.

 

Cửa phòng mở rộng, Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời hiện ra. Một ông già thon thon, quần áo kaki vàng nhạt, cổ áo cài khuy, chân bọc trong đôi giày vải đen, êm. Mặt gầy, trán cao, râu đen, dài thưa, điểm vài sợi bạc, đôi mắt sáng lóng lánh như gương... Tôi tranh thủ vào lúc tạm nghỉ, đến nói nhỏ với anh Hoàng Minh Giám xin hộ với Chủ tịch cho tôi được "yết kiến" Cụ Chủ tịch lúc nào đó vào ngày mai, vì có chuyện gấp ở Bộ Giáo dục mong được Cụ Chủ tịch chỉ giáo...

 

May quá, khi mọi người đã ra về, thì anh Giám báo tin là Cụ sẵn sàng cho tôi gặp ngay lúc này, ở phòng làm việc của Cụ, cuối hành lang. Tôi vội chạy tới, Cụ đã đợi ở cửa. Một phòng nhỏ xíu, vừa là phòng làm việc, vừa là phòng ngủ: một bàn nhỏ, hai ghế tựa, một kệ sách báo, một giường hẹp, gỗ tạp, chiếu cói, màn sô. Tôi trình Cụ Chủ tịch anh em sinh viên rất nóng lòng muốn biết ngày Chính phủ mở cửa lại các trường đại học và tổ chức thi tốt nghiệp kỳ hai. Các sinh viên đã đỗ kỳ một thì xin được Chính phủ công nhận và cấp bằng. Cụ Chủ tịch tươi cười tán thành yêu cầu của sinh viên, còn ngày giờ và cách thức cụ thể thì tùy Bộ quyết định. Bắt tay tôi tạm biệt, Hồ Chủ tịch còn dặn với:

 

“Chú nên lo ngay việc giải quyết nạn mù chữ cho đồng bào nghèo". Để thực hiện dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kính cáo đồng bào về việc tiếp nhân dân và các đoàn thể: "... tôi sẽ vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: các báo Việt và Tàu, Văn hóa thế giới, Công giáo, Công hội, Thương giới, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng... Xin chú ý:

 

1. Gửi thư nói trước, để tôi sắp thì giờ rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

 

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

 

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ".

 

Thế là cửa trước Bắc Bộ Phủ đông vui tấp nập, nhân dân Hà Nội và các vùng ngoại thành náo nức đến thăm nơi Cụ Hồ ở và làm việc, kể cả bọn Tưởng và quân Đồng minh cũng kéo đến quấy quả Bác từ chuyện gạo, tiền, nhà ở và cả thuốc phiện. Đồng bào ta đến xin gặp Chủ tịch rất đông, cao điểm là hai ngày 6, 7-9 (20 và 32 đại biểu) chủ yếu là báo giới và trí thức cũ.

 

Một đại biểu trẻ thắc mắc: "Thưa Cụ, Cụ kêu gọi xây dựng đời sống mới sao lại thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Khổng Tử đề ra cách đây đã mấy ngàn năm?", Bác nhìn mọi người cười hiền hậu rồi giải thích bằng cách so sánh rất dễ hiểu: "Tôi hỏi lại chú nhé? Cơm hàng ngày chúng ta ăn có từ bao lâu rồi? Không khí chúng ta thở có từ bao giờ? Thực hiện đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ đi hết cả. Những cái cũ mà vẫn thúc đẩy cuộc sống thì cần phải giữ gìn nó".

 

Bác làm việc suốt ngày. Thường buổi sáng đầu giờ là cuộc hội ý Thường vụ Trung ương Đảng (Thường vụ vẫn bí mật bố trí cho Bác ở số nhà 8 Lê Thái Tổ ngay sau Thủy tạ. Đây là nhà của ông Hồ Đắc Điềm, một nhân sĩ yêu nước. Sáng sáng, các đồng chí Trung ương trao đổi công việc và ăn sáng cùng Bác, nhưng cũng có hôm Bác ăn và bàn việc luôn ở Bắc Bộ Phủ để tranh thủ thời gian), sau đó là Bác tiếp khách, tiễn khách về là Người lại ngồi viết thư, báo bằng cách cặm cụi mổ cò trên chiếc máy chữ nhỏ mang theo từ chiến khu. Về Hà Nội, Bác được cấp tiêu chuẩn mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Bữa sáng của Bác thường là cháo hoa với đường cát và quả chuối tráng miệng (lần Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội gặp Bác, hai Cụ dùng điểm tâm món xôi ngô và bánh đa nướng).

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6060
Quay lên trên