Bắc Tân Uyên: Khởi sắc nông thôn mới

Cập nhật: 30-10-2017 | 08:20:46

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân huyện Bắc Tân Uyên đã thay đổi mạnh mẽ, thu nhập ngày một tăng cao; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện...

 Huyện Bắc Tân Uyên luôn xác định việc phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân là điểm tựa để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong ảnh: Một trang trại trồng cây ăn trái có múi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng

Những ngày đầu mới thành lập, huyện Bắc Tân Uyên gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong số 10 xã của huyện thì chưa có xã nào được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế. Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết xác định xây dựng NTM là chương trình quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Huyện ủy, UBND huyện và Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM theo kế hoạch đề ra; trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, các công trình cấp nước tập trung nông thôn, chợ nông thôn...

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của nhà nước, các địa phương trong huyện Bắc Tân Uyên còn huy động nguồn lực trong dân để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn chiếu sáng cho các ấp, ngõ, xóm. Nhờ vậy đến nay, 10/10 xã của huyện đều đạt chuẩn về y tế, trường học; 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia và có nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt gần 50 triệu đồng/người.

Ông Phạm Ngọc Uy, Chủ tịch UBND xã Đất Cuốc, khẳng định quá trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của xã. Kết quả nổi bật đó là, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của xã đạt 55,3 triệu đồng; xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và đang hoàn thành hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017.

Chú trọng các mô hình kinh tế hiệu quả

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Bắc Tân Uyên luôn xác định ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, làm điểm tựa để thực hiện các tiêu chí khác. Trên cơ sở đó, thời gian qua huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, phát triển vườn cây ăn trái có múi, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... giúp người dân ổn định cuộc sống.

Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 12 hợp tác xã hoạt động hiệu quả với tổng vốn điều lệ gần 145 tỷ đồng, thu hút hơn 100 xã viên tham gia; tăng 3 hợp tác xã so với năm 2016. Đặc biệt, tại địa phương đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái có múi, diện tích khoảng 2.000 ha, năng suất bình quân đạt 36,4 tấn/ha/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là điều kiện quan trọng và cần thiết để cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên vươn xa trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, để tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích bà con thực hiện các dự án, như dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi… Bên cạnh đó, UBND huyện đã phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi theo định hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Nhờ vậy, các mô hình trồng cây ăn trái có múi từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Bắc Tân Uyên cũng luôn quan tâm đến các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, công tác giáo dục - đào tạo được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm tạo mọi nguồn lực cho việc xây dựng NTM. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 7 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng bưởi theo hướng VietGAP, kỹ thuật cạo mủ cao su... cho nông dân, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trên địa bàn.

Với sự chung sức, đồng lòng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay huyện Bắc Tân Uyên đã có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. 3 xã còn lại là Tân Lập, Tân Thành và Đất Cuốc cũng đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ gửi UBND tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017.

Để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, huyện Bắc Tân Uyên đang nỗ lực thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tăng trưởng bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong đó, huyện chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể dục - thể thao...

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1119
Quay lên trên