Băn khoăn về cơ chế bảo đảm của Chính phủ với các dự án PPP quan trọng

Cập nhật: 17-09-2019 | 07:37:35

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại phiên làm việc chiều 16/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những vấn đề gây nhiều băn khoăn trong Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đó là quy định về cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.

336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997, khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) áp dụng cho đầu tư trong nước.

Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, tính đến đầu năm 2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Thông qua đó, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán thì đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, như vậy là tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Đã xảy ra bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí. Cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ...

Tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan

Tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, song, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội băn khoăn với quy định về cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.

Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, việc xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật này là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu…), đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp Trung ương và địa phương, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP.

Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư. Do đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần làm rõ cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng.

“Bảo đảm của Nhà nước thế nào, không cẩn thận đưa vào luật bảo đảm búa xua là khó khăn. Tất nhiên, nhà đầu tư nào cũng muốn có sự chia sẻ rủi ro trong đầu tư, mà chính Nhà nước chia sẻ rủi ro đó thì quý quá, không bao giờ bị 'xù' cả, nhưng Nhà nước có chịu được tất cả câu chuyện bảo đảm không. Đây là vấn đề phải tính kỹ, nếu không cẩn thận sẽ trở thành gánh nợ tích lũy lại, phải trả nợ rất dài, khi mà những dự án đối tác công tư này phần lớn là dự án vắt qua vài chục năm, nhiều giai đoạn với sự thăng trầm của nền kinh tế,” ông Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt ra hàng loạt câu hỏi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về những hạn chế lớn nhất thời gian qua của các hình thức đầu tư này, tương ứng với từng hạn chế thì điểm nào trong luật khắc phục được.

“Ví dụ như BOT, ngay trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đưa định hướng là tập trung vào BOT để kiểm tra công khai, minh bạch có tham nhũng không? Bây giờ khắc phục bằng quy định nào? Khi có BOT thì tại sao phần nhiều thu hút là các dự án giao thông mà không thu hút được có loại đầu tư khác? Cần trả lời tại sao cũng cơ chế đó nhưng chỉ thu hút dự án BOT giao thông,” Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.

Bà Lê Thị Nga nêu lên thực tế là liên quan đến các dự án BOT giao thông, cả ba bên là nhà đầu tư, người dân, Nhà nước đều có vướng mắc. Nhà đầu tư thì chủ yếu kêu lỗ, người dân thì không đồng tình với việc BOT đặt ở đường độc đạo, buộc người dân phải đi.

Trong khi đó, có chuyên gia tính toán là không thể lỗ được nhưng nhà đầu tư vẫn kêu lỗ. Từ đó, bà đề nghị Chính phủ trả lời quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng này không. Băn khoăn về việc áp dụng hình thức đầu tư BT như Chính phủ đã đề cập là nóng vội, tràn lan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi về việc “tại sao thế giới không áp dụng hình thức này nữa mà chúng ta vẫn tiếp tục?”

Bà cũng băn khoăn đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu của các dự án BOT, khi mà việc đặt trạm không hợp lý, Nhà nước yêu cầu thay đổi trạm thì Nhà nước lại phải chia sẻ đối với rủi ro về doanh thu này.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, nếu làm tốt PPP sẽ mở ra cánh cửa huy động vốn xã hội và vốn quốc tế rất tốt, tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được thì hình thức đầu tư này đi theo hai khuynh hướng là sai phạm và bất lợi về phía Việt Nam.

Ông đặt vấn đề, nước ta là một nước nông nghiệp, việc bảo lãnh, chia sẻ rủi ro đối với nông dân còn chưa tốt, mà nay lại đặt vấn đề chia sẻ rủi ro với các dự án PPP.

“Quyền lợi của đất nước khi chúng ta triển khai PPP là gì, kẹt ở đâu, những gì bất lợi đặt ra và Luật này giải quyết sự bất lợi ở đâu. Sự khác biệt của PPP và xã hội hóa,” hàng loạt câu hỏi được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt ra.

Đánh giá của ông Phan Thanh Bình cho thấy, sau một thời gian kinh doanh, phần vốn của Nhà nước trong không ít dự án PPP bị thấp xuống và mất đi quyền chi phối trong vấn đề hợp tác công tư. Thậm chí, phần đất là tài sản do Nhà nước đưa vào ban đầu cũng phải nhượng cho nhà đầu tư để bù lại lỗ của doanh nghiệp.

“Họ lấy luôn đất của chúng ta và họ kinh doanh trên đất của chúng ta,” ông nói và đề nghị dự án Luật cần nêu rõ nguyên tắc của dự án PPP là đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, không bị bất lợi về phía Nhà nước và phải đảm bảo được phần vốn của Nhà nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2141
Quay lên trên