Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng: Chủ động phòng chống cháy, phát triển rừng bền vững

Cập nhật: 12-03-2024 | 08:52:28

 Trong những năm gần đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng) đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, không để xảy ra chặt phá, khai thác trái phép đất rừng phòng hộ. Hàng năm, đơn vị chủ động phối hợp với UBND xã Minh Hòa, xã Định Thành tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước cho các hộ dân, đơn vị nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm nâng cao ý thức, bảo đảm rừng phát triển bền vững.

 Ngành chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng

 Quản lý rừng hiệu quả

Theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu, đất lâm nghiệp luôn được đơn vị quản lý chặt chẽ, theo quy hoạch của rừng phòng hộ. Chủ rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra theo ranh, mốc không để lấn chiếm hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Qua đó, chủ rừng đã phát hiện các hộ chuyển mục đích rừng phòng hộ sang làm trại chăn nuôi, xưởng thu mua chế biến mủ cao su, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra hiện trạng, lập biên bản từng hộ, báo cáo về Sở NN&PTNT và UBND huyện Dầu Tiếng để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

Ông Hồ Thành Kế, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu, cho biết để thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững theo Quyết định số 2774 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án quản lý bền vững rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng, giai đoạn 2020-2030, đơn vị sẽ chủ động triển khai ngay các hạng mục được giao để bảo đảm theo tiến độ công việc và nhiệm vụ. Ban quản lý luôn tạo điều kiện cho cán bộ quản lý bảo vệ rừng tham gia các khóa học nâng cao trình độ, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng. Qua đó, nâng cao kiến thức, năng lực về thực thi pháp luật và chuyên môn quản lý rừng bền vững cho các cán bộ, nhân viên, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Ngoài ra, Ban quản lý tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hạt kiểm lâm, các ngành chức năng của huyện Dầu Tiếng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đơn vị có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời với các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, phát huy hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng”, ông Hồ Thành Kế chia sẻ thêm.

Thực hiện tốt các giải pháp

Tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu, nhiều diện tích cây đang bị úa vàng, rụng lá, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ gây hỏa hoạn. Thêm vào đó, khu rừng này có chùa Thới Sơn, khách hành hương thường đến viếng chùa, cộng với mạng lưới giao thông ra vào rừng nhiều nên việc quản lý và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở đây gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình đó, trong những ngày qua, việc giám sát rừng phòng hộ núi Cậu đã và đang được các cấp, các ngành huyện Dầu Tiếng thực hiện rất nghiêm túc, điển hình là nghiêm cấm người dân vào rừng thời điểm này. Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu đã huy động cán bộ kiểm lâm vào rừng ứng trực ngày đêm, không được lơ là, thiếu cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng.

Ông Hồ Thành Kế cho biết Ban quản lý đã xây dựng các giải pháp cơ bản bảo đảm an toàn PCCCR. Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR bằng nhiều biện pháp qua các phương tiện thông tin đại chúng, xe loa lưu động...; nghiêm cấm việc đốt rừng làm rẫy, hướng dẫn người lao động, khách du lịch về nội quy phòng cháy khi vào rừng. Đồng thời, Ban quản lý tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR cho lực lượng tại chỗ và người dân sát với thực tế.

Song song đó, Ban quản lý còn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCCR; niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, phát tờ rơi cảnh báo về cháy, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí phục vụ công tác PCCCR; hướng dẫn các chủ rừng đốt dọn nương rẫy tạo đường băng cản lửa đúng quy trình kỹ thuật, nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, không để người dân vào rừng săn bắt động vật và đốt rừng làm rẫy.

Cùng với đó, Ban quản lý sẽ tăng cường công tác thường trực, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, đề xuất trang bị thêm phương tiện chữa cháy cần thiết phù hợp với công tác chữa cháy rừng tại địa phương, đồng thời có chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và người dân tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra; lập và thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); thành lập đội PCCC tại chỗ với phương tiện bảo đảm và thường xuyên tập luyện các phương án có sự giám sát của lực lượng cảnh sát PCCC.

 Thời gian này đang cao điểm nắng nóng, khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Dầu Tiếng nói riêng khá cao. Để bảo đảm an toàn cho các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, công tác PCCCR đang được ngành chức năng huyện Dầu Tiếng tập trung cao độ.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên