Ngày xuân nói chuyện trở về với sơn mài truyền thống

Cập nhật: 05-02-2021 | 22:36:23

Trong sự trở về mang theo niềm tin và hy vọng, sản phẩm sơn mài Bình Dương vẫn chiếm được sự yêu thích của những người yêu sơn mài là động lực lớn để những nghệ nhân làm nghề sáng tạo, gắn bó và gìn giữ nghề truyền thống của tỉnh nhà.

 Anh Đinh Thiệu bên những chiếc bình soie do anh sản xuất

 Nghề chơi cũng lắm công phu

Chiều trôi thật nhanh trong dòng hối hả của ngày cuối năm, tôi tìm về Cơ sở sơn mài Đinh Thiệu (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) như lời hẹn cùng anh Đinh Thiệu, chủ cơ sở làm bình soie ít ỏi còn lại của sơn mài Bình Dương. Để rồi, thấy mình được hòa vào những đam mê, những ước vọng của anh với nghề, với thời gian và cả mùa xuân.

Mân mê chiếc bình soie vừa hoàn thành trong ngày cuối năm, anh Thiệu trầm ngâm kể, anh đến với sơn mài như một đam mê không thể cưỡng lại được bởi anh không phải là “con nhà nòi”. Tìm đến sơn mài bằng ý niệm kiếm cho mình một lối vào đời như bao người trai trẻ cùng thời. Song anh không biết được rằng từ đó, cuộc đời anh rẽ lối khi niềm đam mê dành cho bình soie, một vật dụng sơn mài cổ để trang trí trong nhà, một thời làm mưa làm gió thị trường trong và ngoài nước là quá lớn. Với anh, mỗi ngày được làm nghề, được sống với đam mê là hạnh phúc.

Và rồi sơn mài thoái trào, anh trải qua bao khó khăn để sống đúng với lòng mình bởi như bao người đàn ông là trách nhiệm với gia đình, vợ con và gánh nặng kinh tế. Anh bảo với chúng tôi rằng chắc cũng do duyên trời định, anh lại gặp những định mệnh kết nối để đi đúng lối mà anh mơ ước, dù rằng để bước trên hành trình ấy, anh chấp nhận lối đi đơn độc trong hàng ngàn ngả rẽ của thị trường sơn mài.

Anh nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng, không phải ngẫu nhiên, sản phẩm bình soie sơn mài của Bình Dương lại nổi tiếng và một thời làm mê đắm khách hàng trong ngoài nước. Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh, từ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải qua quá trình với 25 công đoạn. Quá trình thực hiện một chiếc bình soie rất phức tạp, công phu, trong đó, để bảo đảm độ phẳng, bóng láng nghệ thuật, người thợ phải gia công rất kỹ lưỡng các công đoạn, trung bình mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng, có khi đến một năm mới bảo đảm yêu cầu chất lượng. Công việc của mỗi công đoạn đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng, tỉ mỉ, công phu. Có công đoạn làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu là chuyện rất bình thường. Và trong quá trình thực hiện hệ thống quy trình đó, trải qua nhiều thời kỳ, những bí quyết nghề nghiệp phải được tinh luyện, chính nhờ vậy sản phẩm mới đạt được giá trị nghệ thuật cao và độc đáo. Yếu tố kỹ thuật trước hết phải kể đến khâu pha chế sơn, lớp sơn phía dưới phải dẻo, bền chắc, có độ dày đều nhau. Điều đó đòi hỏi người thợ có tay nghề cao vì yêu cầu ra sơn phải thật đều, nhanh tay, mặt sơn phải thật đều, yêu cầu không bụi, không sọc thép, có như thế khi mài quang mới đạt, nếu có sơ suất thì phải phủ lại t oàn bộ.

 Anh Đinh Thiệu giới thiệu về nghệ thuật làm bình soie

Kỳ vọng vào sự trở về

Có luồng ý kiến cho rằng, vì sơn ta ngày càng hiếm, nguyên liệu đắt đỏ, công đoạn cầu kỳ nên các nghệ nhân ngày nay chỉ đi lướt qua hoặc không mặn mà với cách làm truyền thống. Nhưng anh Đinh Thiệu lại cho rằng, sơn mài truyền thống vẫn còn có nhiều bí ẩn kỳ diệu và đang chứng tỏ khả năng vô tận trong biểu đạt, vì vậy nó vẫn có sức hút mãnh liệt với những người trân trọng nghề như anh.

Thách thức của người nghệ nhân là làm sao bình soie vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đậm đà tính cách Á Đông, vừa phù hợp với không gian sống hiện đại… Tiếp đến là khâu trang trí các sản phẩm, các mô hình chạm khắc, cẩn phải giữ nguyên được nét cổ điển vốn có vừa phải hài hòa trong cái nhìn hiện đại dù chất liệu trang trí cho bình như vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc… không thể thay đổi. “Vì vậy, tôi cố gắng bảo tồn những kỹ thuật truyền thống, vừa nỗ lực tìm kiếm nét hiện đại trong pha màu, trang trí, đặt chúng cạnh nhau, tương tác với nhau, để tạo nên một cái nhìn vừa cổ điển nhưng hiện đại trong mỗi tác phẩm”, anh tâm huyết nói.

Ngày nay, trong điều kiện mới, cuộc sống, con người và nghề nghiệp, ở lĩnh vực nào cũng có thể có cơ hội đồng thời có thách thức mất còn. Và may mắn thay vài năm gần đây, bình soie nói riêng và sơn mài nói chung đã chứng kiến sự trở về của những người yêu nghệ thuật sơn mài. Đó là niềm hạnh phúc bất tận của người chở đi giấc mơ tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống thông qua những chiếc bình soie như anh.

Thích thú ngắm từng chiếc bình lớn nhỏ khác nhau được trưng bày trong không gian chật chội song chứa đựng sự trân quý dành cho mỗi tác phẩm, tôi nhận ra ở đó không chỉ chứa đựng sự tinh tế của nghề cổ mà còn lấp lánh vẻ đẹp văn hóa truyền thống với những họa tiết đặc sắc của trống đồng Đông Sơn, rồng thời Lê, Phúc - Lộc - Thọ… Đó là kết tinh của đam mê, sự khéo léo, tỉ mỉ, và cả những nỗ lực sáng tạo không ngừng của những người trẻ muốn đem lại sức sống mới cho nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại, phù hợp với từng không gian sống khác nhau. Điều này lý giải tại sao với cùng mẫu thiết kế, mỗi sản phẩm được làm theo hình thức thủ công vẫn luôn khác biệt, không hoàn toàn giống nhau.

Trước một mùa xuân mới, anh Đinh Thiệu ước mong những bạn trẻ ngày càng cảm nhận được văn hóa Việt, tinh thần Việt chứa đựng trong cách thể hiện từng sản phẩm sơn mài. Để anh, với tình yêu vô điều kiện, từng bước hiện thực hóa giấc mơ cần mẫn “chở văn hóa” Bình Dương đến với nghệ thuật trang trí trong và ngoài nước

TIỂU MY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên