Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bàu Bàng vừa qua.
Chỉ ra tiềm năng và lợi thế của Bàu Bàng là hạ tầng khu công nghiệp (KCN) hoàn chỉnh, hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, quy hoạch KCN phụ trợ phục vụ các nhà đầu tư…, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng đây là nền tảng để Bàu Bàng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy công nghiệp làm vai trò chủ đạo.
Công nghiệp tăng trưởng cao
Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Nguyễn Văn Minh cho biết, năm 2014 huyện phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 13,5%. Bước vào thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua tình hình kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khả quan. Cụ thể, qua 6 tháng thực hiện kế hoạch, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đã đạt 55,23% kế hoạch năm 2014, tương ứng 6.505 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.642,5 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt hơn 1.764 tỷ đồng và nông nghiệp đạt 1.098,4 tỷ đồng.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (vốn Hàn Quốc) tại KCN Bàu Bàng
Từ kết quả đạt được, huyện Bàu Bàng phấn đấu năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.421 tỷ đồng, thương mại-dịch vụ đạt 3.054 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 2.328 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ- nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 54% - 26% - 20%.
Yếu tố quan trọng để Bàu Bàng thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế năm 2014 là hiện nay, trên địa bàn huyện đã thu hút nguồn lực vào sản xuất công nghiệp khá mạnh với 230 dự án đầu tư; trong đó có 198 doanh nghiệp trong nước, vốn đăng ký 1.334 tỷ đồng và 32 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 206 triệu USD. Huyện còn có KCN- đô thị Bàu Bàng với diện tích 2.166 ha đang thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả…
Nhiều lợi thế
Trên địa bàn huyện Bàu Bàng hiện có 3.899 hộ kinh doanh. Huyện đã đầu tư 1 bến xe khách với 15 đầu xe đi một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và phía Bắc; các tuyến xe buýt đã về đến trung tâm các xã. Huyện đã xây dựng 3/7 chợ nông thôn theo hình thức xã hội hóa. Về nông nghiệp, huyện hiện có 25.184 ha cây lâu năm; 109 trang trại chăn nuôi heo, 114 trang trại chăn nuôi gia cầm; 8 hộ chăn nuôi thủy sản...
|
Là huyện mới thành lập nhưng Bàu Bàng được quy hoạch theo hướng phát triển công nghiệp kết hợp đô thị, có tính liên kết cao với các đô thị trong tỉnh, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế, Bàu Bàng có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, Bàu Bàng có vị trí giao thông thuận lợi, có quốc lộ 13 đi qua - là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Cùng với những yếu tố thuận lợi trên, công nghiệp của huyện Bàu Bàng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều động lực để bứt phá khi tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng công nghiệp và đô thị để huyện mới bắt nhịp nhanh với đà phát triển công nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV cho biết, bên cạnh quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện đang được xúc tiến việc kết nối vào Bàu Bàng. Điều này sẽ tạo thêm động lực đưa kinh tế của huyện Bàu Bàng phát triển mạnh hơn.
Cũng tại Bàu Bàng, đón đầu cơ hội Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra thuận lợi, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng trong KCN - đô thị Bàu Bàng một KCN chuyên ngành nhằm phục vụ cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Nơi đây cũng sẽ thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới...
Tại buổi làm việc với UBND huyện Bàu Bàng vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, Bàu Bàng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Với lợi thế hiện nay, nhất là KCN - đô thị Bàu Bàng có quy mô lớn và giao thông kết nối thuận lợi, kinh tế của huyện sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
T.MINH