Bàu Bàng: Được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

Cập nhật: 08-03-2018 | 03:54:58

Cùng với huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng là 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật với bệnh lở mồm long móng trên heo. Đây là kết quả của việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn trong chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện Bàu Bàng trong thời gian qua.

 Một trang trại chăn nuôi heo ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: H.PHẠM

Xây dựng vùng an toàn

Kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật được huyện Bàu Bàng tích cực triển khai trên cơ sở Kế hoạch 1174 của UBND tỉnh về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trâu, bò, heo và dịch tả heo tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng cho biết, thực hiện kế hoạch này, UBND huyện Bàu Bàng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời bố trí kinh phí kịp thời, đầy đủ. Qua việc triển khai kế hoạch giúp cho ngành chức năng giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, sự lây lan của vi-rút gây bệnh lở mồm long móng, từ đó đưa ra các cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch, nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật và góp phần thúc đẩy chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Đến nay, trên địa bàn huyện Bàu Bàng có tổng đàn heo 225.628 con, trâu, bò 3.953 con, gia cầm trên 2,5 triệu con. Năm 2017, số lượng heo được tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện là 16.500 liều; số lượng heo được kiểm dịch tại chốt kiểm dịch cầu Tham Rớt là 271.802 con heo thịt và 400.737 heo con.

Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật với bệnh lở mồm long móng trên heo của huyện Bàu Bàng được Cục Thú y ký ngày 26-2-2018 và có giá trị đến ngày 26-2-2023.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm cho các trang trại, huyện Bàu Bàng cũng chú trọng tiêm phòng cho các đàn gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đạt trên 80% diện tiêm, đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả trên heo đạt trên 90% diện tiêm. Đối với các trang trại chăn nuôi, địa phương luôn bảo đảm kinh phí và tổ chức tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn của trạm với tỷ lệ đạt trên 90% diện tiêm”, ông Hiền cho biết thêm.

Nhằm phát hiện, ngăn chặn và khống chế kịp thời dịch bệnh từ các địa phương khác vào huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng cũng đã cử cán bộ kiểm dịch trực 24/24 tại chốt kiểm dịch cầu Tham Rớt, xã Trừ Văn Thố. Đây là điểm tiếp giáp với xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tăng cường công tác quản lý

Thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao huyện Bàu Bàng giai đoạn 2016-2020, trong đó ngành chăn nuôi được triển khai theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, quản lý thức ăn và quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và tiếp tục bảo đảm vùng an toàn dịch bệnh động vật, tới đây, Bàu Bàng sẽ tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, từ giám sát lâm sàng đến giám sát sau tiêm phòng; thực hiện hiệu quả các biện pháp khi có dịch bệnh, tránh dịch bệnh lan rộng. UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tổ chức quản lý chặt ổ dịch, tiêm phòng vắc-xin, khoanh vùng và kiểm soát gia súc, sản phẩm gia súc vận chuyển ra khỏi địa phương…

Đối với Trạm Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh của đàn heo trong quá trình chăn nuôi; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi để bảo đảm chất lượng thức ăn, sử dụng thuốc theo đúng quy định. Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, lãnh đạo huyện yêu cầu phải ghi chép thông tin về các hoạt động kiểm soát trong quá trình chăn nuôi như dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất khử trùng…

Ông Hiền cho biết thêm, ngoài việc triển khai công tác theo kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện trao đổi giữa trạm với người chăn nuôi để giải đáp các nội dung có liên quan đến phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và chăn nuôi an toàn…

 K.ĐĂNG - V.THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=514
Quay lên trên