Bàu Bàng: Thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá của Tỉnh ủy

Cập nhật: 23-05-2018 | 06:41:01

Thực hiện các Chương trình đột phá của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Bàu Bàng đã cụ thể hóa, xây dựng và ban hành 4 chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình đã đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Huy động tốt các nguồn lực xây dựng hạ tầng

Huyện Bàu Bàng triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy trong điều kiện huyện mới thành lập nên bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, dân số cơ học tăng nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như an sinh xã hội, nguồn nhân lực, nhu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng… Trên cơ sở Chương trình số 23 của Tỉnh ủy-CTr/TU ngày 16-8-2016 về huy động và phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020, huyện đã huy động và phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thông qua việc huy động các nguồn lực đầu tư đã giúp huyện Bàu Bàng phát triển mạnh hệ thống thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Chợ Lai Khê (xã Lai Hưng) được đầu tư xây dựng mới bằng hình thức xã hội hóa.
Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, kế hoạch nguồn vốn cân đối trong ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 được phân bổ trên địa bàn huyện là 1.566 tỷ 040 triệu đồng. Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, quan trọng như xây dựng hạ tầng giao thông, giáo dục... So với nhu cầu, số vốn được phân bổ vẫn còn thiếu để huyện đầu tư xây dựng hạ tầng. Do đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, huyện đã tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, như từ các doanh nghiệp; xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao… Kết quả, huyện đã huy động được hơn 178 tỷ đồng.

Ngoài việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã có chủ trương đầu tư và đang thực hiện trên địa bàn huyện từ nguồn vốn ngân sách, huyện Bàu Bàng cũng mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các hạng mục khác như xây dựng nhà máy nước Bàu Bàng có công suất 5.000m3/ngày/đêm tại Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng, đang tiếp tục triển khai nâng công suất 50.000m3/ ngày/đêm…

Thu hút đầu tư vào dịch vụ

Từ khi huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động đến nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội như tín dụng, bưu chính - viễn thông, xây dựng, giao thông - vận tải, dịch vụ nhà nghỉ, chăm sóc sức khỏe... Theo lãnh đạo huyện, triển khai thực hiện Chương trình số 24 của Tỉnh ủy-CTr/TU ngày 16-8-2016 về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của địa phương giai đoạn 2015-2017 tăng bình quân 23,17%/năm (kế hoạch tăng 22 - 23%), riêng năm 2017 tăng 24,21%.

Bên cạnh đó, huyện Bàu Bàng đã vận động đầu tư 9 chợ truyền thống theo chuẩn nông thôn mới, gồm 1 chợ trung tâm huyện Bàu Bàng và 8 chợ tại các xã, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Số cơ sở hoạt động trong ngành thương mại - dịch vụ của huyện cũng tăng qua các năm, bình quân tăng 6,3 - 8,95%. Hầu hết cơ sở hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn là các đơn vị ngoài quốc doanh, các đơn vị sự nghiệp nhà nước chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công, y tế, giáo dục… Xét theo ngành hoạt động, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp chiếm 55,63%, dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ chiếm 21,42%, các dịch vụ khác chiếm 22,95%.

“Để đạt được các kết quả nói trên, trước hết là nhờ huyện xác định đúng tiềm năng, điều kiện phát triển của địa phương; chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo xây dựng thành các chương trình, kế hoạch sát với đặc điểm tình hình và yêu cầu, định hướng phát triển huyện nhà trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực. Huyện cũng phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp lớn ngay từ khâu quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch. Đồng thời, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong huyện đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các giải pháp địa phương đề ra… Từ đó, việc thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy đã mang lại hiệu quả thiết thực, có tính đồng bộ, tính kết nối giữa huyện với các địa phương trong trong tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội huyện nhà”, ông Nguyễn Hữu Chí khẳng định.

4 Chương trình đột phá của Tỉnh ủy gồm: Chương trình số 20-CTr/TU ngày 9-8-2016 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Chương trình số 22-CTr/ TU ngày 15-8-2016 về việc phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16-8- 2016 về huy động và phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16- 8-2016 về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

 

HOÀNG PHẠM - VIỆT THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên