Bến Cát: Tập trung đầu tư xây dựng để trở thành trung tâm phát triển

Cập nhật: 10-08-2010 | 00:00:00

  Để trở thành trung tâm phát triển của tỉnh, Bến Cát cần khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên và thành tựu của quá trình thu hút đầu tư của tỉnhLãnh đạo tỉnh vừa có đợt kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ vốn ngân sách tại huyện Bến Cát với điểm nhấn: “5 năm tới Bến Cát phải là trung tâm phát triển của tỉnh”. Nhưng hiện tại còn lắm chuyện phải làm...

Làm 6 tháng đủ... trả nợ tạm ứng!

Năm 2010 Bến Cát được giao chỉ tiêu vốn XDCB là 193,1 tỷ đồng. Kết quả cấp phát 6 tháng đầu năm là 88,6 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch. Giá trị thu hồi tạm ứng từ năm 2009 chuyển sang là 41,6 tỷ đồng, đạt 51% so với số dư tạm ứng. Cụ thể, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 24 công trình với tổng kinh phí 190 tỷ đồng. Đã cấp phát 154,1 tỷ đồng. Số còn lại phải thanh toán tiếp là 35,8 tỷ đồng; khởi công mới 20 công trình với tổng vốn 505,6 tỷ đồng. Đã cấp phát 176,1 tỷ đồng. Phải thanh toán tiếp theo là 329,4 tỷ đồng; huyện cũng đã tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu 8 công trình với tổng vốn 119,8 tỷ đồng; đang phê duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu 10 công trình, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án gần 20 công trình. Phương hướng 6 tháng cuối năm huyện sẽ phấn đấu đạt và vượt kế hoạch điều chỉnh của UBND tỉnh giao với hàng loạt công trình nên có khả năng thiếu vốn! Việc thanh lý các công trình, tài sản Nhà nước đã qua sử dụng thủ tục còn nhiêu khê, phức tạp, dẫn đến chậm thực hiện. Việc trồng trụ điện trên đường giao thông nông thôn (GTNT) còn lúng túng chưa biết áp dụng văn bản nào. Riêng với một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có tổng vốn lớn, ngoài khả năng của địa phương như: Nâng cấp mở rộng lộ 7B, 7A, nút giao thông ngã tư Tàn Dù, đường Vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư cần được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm!

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Huỳnh Văn Trai nhận xét: “Thấy kết quả báo cáo thì nhiều, nhưng nếu trừ đi phần tạm ứng của năm trước thì vừa đủ. Nếu tiếp tục tạm ứng thì năm sau lại phải trả nợ, kết quả là làm chỉ đủ để trả nợ tạm ứng”?

Quản lý còn lúng túng

Thảo luận về một số công trình, dự án đang bị “kẹt” vốn, điều kiện thi công... một cán bộ quản lý của huyện có ý kiến: “Công trình này (nạo vét rạch Chùm Chủm - PV) trước đây đã khởi động nhưng sau đó thấy êm ru chắc là bỏ rồi, bây giờ nhắc lại...”, đã bị chủ tọa cắt ngang: “Ai nói bỏ! Công trình này trước đây do ngành nông nghiệp quản lý sau đó chuyển sang cấp thoát nước và môi trường cho phù hợp với điều kiện quản lý chứ bỏ hồi nào”? Chủ tịch UBND huyện Bến Cát Nguyễn Văn Khải đỡ lời: “Ý kiến như thế vì công trình kéo dài quá lâu, thay đổi chủ quản ở trên cũng không thông báo nên dưới này cán bộ lúng túng”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Như vậy đến thời điểm này các anh đã làm được bao nhiêu rồi, có hoàn thành nghị quyết không hay đã vượt và chuẩn bị kế hoạch nhiệm kỳ tới”. Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch thì báo cáo con số lớn, còn Giám đốc Ban Quản lý dự án lại thông tin con số nhỏ hơn và lãnh đạo huyện phải đứng ra giải thích: “Tài chính quản con số lớn vì công trình được thực hiện bởi nhiều nguồn, còn ban quản lý dự án chỉ quản nguồn vốn ngân sách nên con số báo cáo nhỏ hơn là thực tế”. Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Công tác phân cấp quản lý là tạo sự chủ động cho địa phương, nên phát sinh thuận lợi, khó khăn thì phải báo cáo kịp thời! Chúng tôi từng làm lãnh đạo huyện nên rất thấu hiểu và thông cảm cho địa phương...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng đồng tình: “Ngân sách khó khăn thì phải sáng tạo lựa chọn, công trình nào, phần việc nào có lợi cho dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, gắn liền với cuộc sống người dân thì làm. Cái nào không thuộc diện chi thì dứt khoát phải làm đúng luật”. Ông Cung nhắc thêm: “Trước khi chính thức đưa báo cáo ra thảo luận thì lãnh đạo phải xem qua để đừng “lọt” những chuyện tỉnh đã giải quyết xong 8 tháng rồi mà báo cáo vẫn nhắc lại. Chủ trương của tỉnh là công trình nào cần làm thì tập trung làm đàng hoàng, đầu tư đúng mức để tránh lãng phí. Chúng ta phải tin nhau, tỉnh luôn tin tưởng địa phương”.

Trở thành trung tâm phát triển của tỉnh?

Nhìn lại bản đồ XDCB huyện Bến Cát đang triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ ra: “Địa bàn chúng ta rộng, yêu cầu xây dựng sẽ rất nhiều, nhưng không thể đầu tư dàn trãi, manh mún vừa lãng phí, vừa không phát huy hiệu quả. Tôi đã làm cuộc khảo sát nhỏ tại địa phương về đường GTNT thì thấy làm đường cấp phối, sỏi đỏ vừa nhỏ hẹp khó đi vừa lãng phí vì làm xong 3 năm sau phải làm lại mà kinh phí để làm rất khó điều tiết. Nên tới đây đường phải ra đường, trường ra trường, lớp ra lớp. Vẫn đường GTNT nhưng phải đủ rộng, đúng tiêu chuẩn và phải láng nhựa, bê tông hẳn hoi. Kinh tế còn khó khăn thì chia ra đầu tư nhiều lần. Năm nay làm công tác giải phóng mặt bằng, sang năm có vốn thì láng nhựa để bà con nông thôn có đường sá đàng hoàng. Người dân nông thôn đã nghèo, khó tiếp cận với các lợi ích xã hội thì cái gì đụng đến quyền lợi của bà con là bồi thường trong điều kiện cho phép”.

Ông Cung chỉ đạo tiếp, đó là phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để Bến Cát trở thành trung tâm phát triển của tỉnh. Yêu cầu địa phương phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua để triển khai xây dựng. Trong đó chú ý các điểm nhấn quan trọng mà thiên nhiên, quá trình thu hút đầu tư mang lại đó là hai tuyến đường dọc theo hai bờ sông Thị Tính nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế thiên nhiên trong quy hoạch, phát triển đô thị gắn với các “bàn đạp” trong quá trình thu hút đầu tư đã tạo nên là các khu công nghiệp, đô thị mà tỉnh đã hình thành. Phần tiếp theo là việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển bền vững, đó là đầu tư cho y tế, giáo dục. Phần này tỉnh lo, nhưng địa phương cũng phải gắn trách nhiệm, để 5 năm tới Bến Cát trở thành trung tâm phát triển của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Dân tín nhiệm chính quyền là ở hiệu quả đầu tư

Chỉ số tín nhiệm chính là lợi ích xã hội, những gì mà người dân trực tiếp được hưởng từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Nên địa phương phải tính toán, xác định công trình nào là mũi nhọn, công trình nào là nền tảng và việc bố trí cán bộ cũng phải phù hợp. Ví dụ bác sĩ giỏi thì phải quản lý bệnh viện chứ mang qua làm quản lý y tế dự phòng là lãng phí con người, không giải quyết được yêu cầu cuộc sống. Phải có niềm tin lẫn nhau, như tỉnh đặt niềm tin với Đảng bộ địa phương vậy!

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nguyễn Văn Hảo: Thưởng phạt nghiêm minh sẽ hết chậm

Tiếp xúc với nhà thầu thì nhà thầu đổ cho chủ đầu tư chậm thủ tục, giải ngân nguồn vốn. Gặp chủ đầu tư thì chủ đầu tư than nhà thầu làm chậm. Vậy ai chậm? Giải quyết bài toán này chính là nguyên tắc thưởng phạt nghiêm minh. Ai làm tốt thì thưởng xứng đáng, ai bê bối thì phạt, nghiêm trọng hơn thì cấm... luật đã quy định rõ rồi.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Huỳnh Văn Trai: Đi khảo sát làm tôi muốn rơi nước mắt!

Qua nhiều lần đi khảo sát thực tế tôi buồn muốn rơi nước mắt vì Nhà nước đầu tư xây trường đạt tiêu chuẩn, đường rộng lớn, văn phòng làm việc sạch đẹp, khang trang tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng mỗi khi lan can trường bị gãy, mái ngói bị gió làm hư, mặt đường bị ổ gà... các nhà quản lý vẫn cứ cứng nhắc ngồi chờ kinh phí, trong khi hư hỏng ngày một nhiều và nặng thêm. Sao không sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư để sửa chữa, thay thế mà phải đi xin và ngồi chờ rồi đổ lỗi cho nhau như vậy!

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên