“Bệnh viện” cứu hộ động vật hoang dã

Cập nhật: 21-05-2019 | 07:33:42

Nằm lọt thỏm trong vườn cao su xanh mát, Trạm Bảo tồn động vật hoang dã (BTĐVHD) ở ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng được xem như một “bệnh viện” cứu hộ ĐVHD. “Bệnh viện” này đã thực hiện cứu hộ, chăm sóc, thả về tự nhiên hàng trăm loài ĐVHD, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn các loài ĐVHD quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. 

“Cứu tinh” của ĐVHD

Chúng tôi theo anh Lâm Thanh Phương, nhân viên phụ trách khu linh trưởng của Trạm BTĐVHD cho khỉ ăn. Vừa thấy bóng người đến, các “mỹ hầu vương” kêu ríu rít. Trong góc chuồng, một con khỉ đực đuôi lợn gần như trụi hết lông đang pha trò nhằm thu hút sự chú ý của chúng tôi. Anh Phương kể: “Con khỉ này đã hơn 20 năm tuổi và được xem là cụ khỉ trong trạm này. Khi chúng tôi tiếp nhận, chú khỉ gầy trơ xương, trên mình nhiều ghẻ lở. Khi mới về, khỉ bị trầm cảm nên chỉ ngồi trong góc chuồng. Sau thời gian được các y bác sĩ và nhân viên chăm sóc tận tình, “cụ khỉ” đã trở nên hoạt bát hơn”.

Cách chúng tôi vài bước chân, một con cu li nhỏ đang “mắc cỡ” giấu mặt. Con cu li này được trạm tiếp nhận chăm sóc đã hơn 3 tháng. Cách đây không lâu, người dân ở TX.Tân Uyên phát hiện con cu li trên cây cao su gần nhà. Thấy con cu li dễ thương, anh Võ Sỉ Quốc đã giữ lại nuôi. Sau khi tìm hiểu thông tin và biết cu li nhỏ là động vật quý hiếm, anh Quốc đã gọi đến đường dây “nóng” của chi nhánh Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (Wildlife At Risk - gọi tắt là WAR). Nhận được thông tin trên, trạm đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đến tiếp nhận và đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi tình trạng sức khỏe tốt sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan tổ chức thả về nơi cư trú tự nhiên theo đúng quy định.

 Trạm BTĐVHD phối hợp với các cơ quan chức năng thả một cá thể khỉ về môi trường tự nhiên sau thời gian chăm sóc

Ngoài con cu li trên, đa số các con vật được Trạm BTĐVHD tiếp nhận thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe, cơ thể bị thương tích hoặc bị trầm cảm. Đặc biệt, những con bị săn bắt, làm tổn thương cơ thể thường trở nên hoảng loạn tinh thần. Khi thấy bóng dáng con người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận động vật, các nhân viên của trạm sẽ tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra tình hình sức khỏe để lên kế hoạch chăm sóc, theo dõi định kỳ. Đối với những con bị thương mà chưa bị mất bản năng hoang dã, các nhân viên trong trạm chỉ cần chăm sóc đến khi lành vết thương, sức khỏe ổn định thì thả về môi trường tự nhiên phù hợp. Riêng những con bị nuôi nhốt lâu ngày, dẫn đến mất bản năng tự nhiên thì cần nhiều thời gian để phục hồi.

Nói thêm về điều này, ông Lê Xuân Lâm, quản lý Trạm BTĐVHD, chia sẻ: “Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã của chúng. Việc cứu hộ bao gồm cả phục hồi bản năng hoang dã về tự tìm kiếm thức ăn để tồn tại tùy theo đặc tính của từng loài, đặc biệt là không được gần gũi với con người. Sau khi thấy chúng phục hồi tập tính sinh học và chức năng vận động, chúng tôi sẽ đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần rồi mới thả ra môi trường tự nhiên”.

Tâm huyết với nghề

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ khi đi vào hoạt động, Trạm BTĐVHD đã hỗ trợ kiểm lâm tỉnh rất nhiều trong việc cứu hộ và tái thả về tự nhiên một số loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm do người dân giao nộp và xử lý vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, trạm đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức thả 102 cá thể là động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngoài việc tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc ĐVHD, trạm còn nỗ lực trong việc gây nuôi, bảo tồn nhiều loại ĐVHD quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Đáng chú ý, trong các loài ĐVHD đang được trạm gây nuôi sinh sản trong đó phải kể đến tắc kè đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica). Đây là loài bò sát được các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ phát hiện trên đảo Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau năm 2010. Theo đánh giá của các chuyên gia, tắc kè đuôi vàng là loài động vật đặc hữu, quý hiếm và có giá trị bảo tồn cao. Đặc biệt, tắc kè đuôi vàng chỉ có ở Việt Nam.

Sau khi được các nhà khoa học lập hồ sơ đề xuất, các cơ quan chức năng đã đưa loài tắc kè đuôi vàng vào Sách đỏ Việt Nam cũng như danh mục Công ước CITES - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và Sách đỏ Thế giới.

Trước tính trạng săn bắt trái phép dẫn đến quần thể tắc kè đuôi vàng trên đảo Hòn Khoai suy giảm đáng kể, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Hà Nội đã hợp tác với WAR gây nuôi sinh sản loài tắc kè đuôi vàng để bảo tồn loài bò sát quý hiếm này. Các chuyên gia đã đưa các cá thể tắc kè đuôi vàng về trạm này để gây nuôi. Trạm trở thành nơi đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam gây nuôi sinh sản tắc kè đuôi vàng. Tuy nhiên, vì đây là loài bò sát đặc hữu chỉ có ở đảo Hòn Khoai nên việc chăm sóc cho chúng không hề dễ dàng. Trong khi đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Bình Dương có nhiều khác biệt so với đảo Hòn Khoai. Vì vậy, các chuyên gia đã nghiên cứu xây dựng hệ thống chuồng trại với điều kiện gần giống môi trường sống tự nhiên của tắc kè đuôi vàng. Thậm chí, trạm còn mang cả đá trên đảo Hòn Khoai về để “phục vụ” cho tắc kè đuôi vàng.

Theo lý giải của các chuyên gia WAR, ngoài thức ăn ưa thích như dế, sâu gạo, ruồi giấm…, tắc kè đuôi vàng còn liếm những cục đá trên đảo Hòn Khoai để bổ sung thêm một số vi chất không có trong thức ăn hàng ngày của chúng. Nhờ những nỗ lực trên, trạm đã đã chào đón 4 “công dân” tắc kè đuôi vàng thế hệ F1, nâng tổng số tắc kè đuôi vàng trong trạm lên 14 cá thể, trong đó có 1 cá thể F1 đã trưởng thành và chuẩn bị chờ ghép đôi sinh sản.

Trong những lần đi công tác và du lịch ở Việt Nam, ông Dominic Scriven, một công dân người Anh nhận thấy các loài ĐVHD tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và đứng bên bờ tuyệt chủng. Nếu không có những biện pháp bảo tồn kịp thời, hiệu quả, nhiều loài sẽ vĩnh viễn biến mất. Thế nên, ông cùng các cộng sự có tâm huyết đã thành lập Chi nhánh WAR tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 2003, đồng thời hỗ trợ, xây dựng và vận hành Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi từ 2005-2015. Ngoài ra, WAR còn thành lập Trung tâm cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên tại tỉnh Lâm Đồng (tháng 3-2005) và Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me tại tỉnh Kiên Giang (tháng 7-2012). Nhiệm vụ của các trung tâm, trạm này là tiến hành cứu hộ các loài ĐVHD do các cơ quan chức năng bàn giao, hoặc tiếp nhận từ các các trang trại, các hộ dân nuôi nhốt động vật không đúng quy định. Các loài động vật được trạm cứu hộ, sau đó chăm sóc và phục hồi bản năng tự nhiên rồi thả về với thiên nhiên hoang dã. Sau thời gian hoạt động, các trạm trên đã bàn giao lại chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

 Đến nay Trạm BTĐVHD ở Bình Dương là nơi duy nhất ở Việt nuôi gây nuôi sinh sản tắc kè đuôi vàng

Ngày 28-6-2017, Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao đã chấp thuận cho WAR thành lập Trạm BTĐVHD tại Bình Dương để thực hiện “Chương trình nhân nuôi sinh sản nghiên cứu và bảo tồn các loài ĐVHD” trong giai đoạn 2017-2021. Trạm được thiết kế như một khu vườn nhỏ có nhiều cây xanh, phân chia theo 12 khu với những chức năng chuyên biệt. Trong đó, trạm có riêng một “bệnh viện” với đầy đủ máy móc trang thiết bị hiện đại cần thiết cho việc khám, chữa bệnh cho ĐVHD.

Hiện tại, trạm có 10 thành viên, trong có 2 bác sĩ thú y đều là những người có kinh nghiệm và am hiểu về lĩnh vực thú hoang và trên hết là tình yêu dành cho động vật. Các bác sĩ và nhân viên ở đây đều là những người có tay nghề cao, được đào tạo định kỳ thường xuyên tại nước ngoài nên rất chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ và khám chữa bệnh cho thú.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1344
Quay lên trên