Huyền thoại một con đường

Cập nhật: 10-05-2019 | 05:48:28

Bài 3: Tìm chỗ dựa nơi đồng bào

Cùng với B.90 từ Nam Tây nguyên, Đoàn C.200 ở Đông Nam bộ cũng được thành lập, làm nhiệm vụ soi mở đường lên Nam Tây nguyên. Những người “vạch lá, bẻ cò” trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc nhưng nhờ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp sức làm nên c on đường huyền thoại.

 “Cây đại thụ” của núi rừng

Làng Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với những nóc nhà Chơ Ro, khiêm tốn ẩn mình trong tán cây rừng xanh mướt. Đây là tộc người có nhiều đóng góp cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến và có những sắc thái văn hóa riêng. Chính vì theo cách mạng mà làng Lý Lịch luôn nằm trong tầm ngắm của ngụy quyền. Bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu tinh thần cách mạng của người dân như bắt bớ trai làng đánh đập dã man, thậm chí là giết người để khủng bố tinh thần.

Chúng tôi đến thăm già làng Năm Nổi (tiếng Chơ Ro gọi là già Tơ Tơ). Chính ông đã làm nên một phần lịch sử oai hùng của làng Lý Lịch. Từ lâu, ông đã trở thành một biểu tượng của tấm lòng người Chơ Ro suốt đời chung thủy với cách mạng, theo Cụ Hồ. Ngôi nhà sàn truyền thống là nơi sinh sống của già Năm Nổi và vợ là bà Hồng Thị Lịch. Đã ngót nghét cái ngưỡng 90, nhưng ông còn minh mẫn lắm. Những kỷ niệm về thời đánh Pháp, diệt Mỹ oanh liệt, cùng năm tháng nuôi giấu cán bộ, bảo vệ Chiến khu Đ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Già làng Năm Nổi, kể lại: “Bị giặc dội bom, đốt nhà nhưng tinh thần cách mạng của người Chơ Ro vẫn âm ỉ như ngọn lửa không bao giờ tắt. Cách mạng còn thì làng còn. Thà chết vì quê hương hơn sống dưới ngọn lê, mũi súng lũ ác ôn. Vậy nên, trẻ nối gót già, người trước ngã xuống thế hệ sau đứng lên cùng bộ đội chống giặc, bảo vệ Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam từ lúc manh nha cho đến ngày toàn thắng”.

Già làng Năm Nổi (ngồi), cây đại thụ của núi rừng Chiến khu Đ ôm hôn thắm thiết người chiến sĩ cách mạng đã đem ánh sáng đến cho buôn làng.
Ảnh: THU THẢO

Minh chứng cho lời nói của ông là những bằng khen, huân, huy chương, cùng những bức ảnh mà ông vinh dự đứng chung với những cán bộ một thời ở Chiến khu Đ được treo trang trọng trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng. Trong số đó, có bút ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tặng: “Thân tặng anh Năm củ chụp”. Già làng Năm Nổi, cho biết đằng sau đó là kỷ niệm của một thời son sắt, tình quân dân như cá nước. Đồng bào Chơ Ro, rừng núi Lý Lịch đã dang vòng tay bảo vệ cách mạng, che chở cán bộ. Cái tên “ông Năm củ chụp” gắn với “huyền tích” một quả đồi có cây củ chụp trong những năm kháng chiến. Và, chính những chiến sĩ cách mạng đã đem ánh sáng đến cho đồng bào để hôm nay, đồng bào Chơ Ro rất tự hào với truyền thống của mình. Các thế hệ con cháu cũng theo gương đó mà học tập, làm việc.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên chiến sĩ C.200 cho biết trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, già Năm Nổi cũng luôn là lá cờ đầu của phong trào chống giặc, là lãnh tụ tinh thần của người Chơ Ro ở làng Lý Lịch.

Ghi nhận những chiến công của già Năm Nổi, Nhà nước đã hai lần phong tặng ông danh hiệu anh hùng. Những tấm bằng khen, huân huy chương chính là tình cảm đặc biệt mà Nhà nước trân trọng dành cho già làng Năm Nổi. Ông là thủ lĩnh tinh thần, cây đại thụ của đồng bào Chơ Ro giữa đại ngàn Lý Lịch.

Xuyên vào “vùng trắng”

Ông Nguyễn Thanh Tâm kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng khó khăn đi xây dựng cơ sở, soi đường. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ Đông Nam bộ đến Nam Tây nguyên vẫn là “vùng trắng”, chưa xây dựng được cơ sở cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đội vũ trang tuyên truyền đã nỗ lực mở vào vùng này nhưng chưa thực hiện được. Có đội chỉ còn vài chiến sĩ trở về. Trong khi đó, giữa năm 1959, Mỹ - Diệm tập trung lực lượng tiến công đánh phá. Chúng sử dụng máy bay bắn phá ác liệt và ra sức bao vây kinh tế, triệt nguồn lương thực từ ngoài vào. Lúc này, lực lượng vũ trang cách mạng đã kiên trì bám trụ nhờ vào sự hào phóng của thiên nhiên và sự đùm bọc, thương yêu giúp đỡ đồng bào dân tộc Chơ Ro, nhất là đồng bào làng Lý Lịch, Bù Cháp, trong đó có già làng Năm Nổi. Vì vậy, xây dựng lực lượng, tìm chỗ dựa nơi đồng bào ở vùng này hết sức cấp bách. Ông Nguyễn Thanh Tâm, cho biết nhiệm vụ lúc này của C.200 là vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào dân tộc Mạ, M’Nông, S’Tiêng dọc bờ sông Đồng Nai nhằm mở rộng căn cứ Chiến khu Đ về phía bắc, tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai thượng (nay là tỉnh Lâm Đồng).

Chiến khu Đ, nơi Đoàn C.200 được giao nhiệm vụ soi mở đường lên phía Nam Tây nguyên hợp nối với Đoàn B.90 từ phía Bắc mở vào. Ảnh: THU THẢO

Ông Hồ Minh Tư, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200 thì kể lại: “Đoàn C.200 gặp rất nhiều khó khăn. Địa bàn mới lạ, tiếng địa phương chưa biết, phong tục tập quán chưa quen và đặc biệt nhất là thiếu lương thực. Đoàn đi cơ sở chỉ mang theo ít muối và một số củ chụp luộc chín phơi khô làm lương ăn, hoàn toàn tự lo cho cuộc sống để bám dân làm công tác. Lương thực thiếu phải dựa vào củ chụp, củ nầng trong rừng. Thực phẩm thì dựa vào săn bắt thú rừng, măng các loại và bắt cá dưới sông, suối để cải thiện bữa ăn”.

Bước sang năm 1960, Đoàn C.200 được bổ sung tăng cường quân số và trang bị đủ 3 trung đội bộ binh. Đơn vị tham gia một số trận chiến đấu diệt địch ở Đồng Xoài (1-1960), Phú Riềng (3-1960), nhất là trận tấn công tiêu diệt Chi khu Đức Phong (Bù Đăng). Những trận đánh này đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân các dân tộc, tạo điều kiện cho các mũi công tác bám dân tuyên truyền và gây dựng cơ sở.

Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ về soi mở đường nối liền Đông Nam bộ với Nam Tây nguyên, nối thông sự chỉ đạo của Trung ương và sự chi viện của miền Bắc về đến Nam bộ. Tháng 6-1960, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy và Ban Quân sự miền Đông Nam bộ, Đoàn C.200 được tách ra một bộ phận làm nhiệm vụ đặc trách mở đường ra phía Bắc để mốc nối với lực lượng Đoàn B.90 từ Nam Tây Nguyên vào.

Ngày 6-6-1960, tại Suối Nhung (một nhánh của sông Mã Đà), Bí thư Khu ủy miền Đông Mai Chí Thọ và Trưởng ban Quân sự Xứ ủy kiêm Trưởng ban Quân sự Khu ủy miền Đông Nguyễn Hữu Xuyến thay mặt Khu ủy và Ban Quân sự miền Đông Nam bộ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đoàn C.200: Soi mở đường lên phía Nam Tây nguyên hợp nối với Đoàn B.90 từ phía Bắc mở vào. Trong bối cảnh đó, cùng với B.90 từ miền Bắc vào, tại Chiến khu Đ, tháng 7-1959, Đại đội 200 (mật danh Đoàn C.200 được thành lập), với 17 cán bộ, chiến sĩ. Trọng trách được đặt trên vai của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn C.200. Đồng chí Phạm Hồng Sơn làm trưởng đoàn, phụ trách quân sự. Đồng chí Nguyễn Trọng Tâm phụ trách chính trị, bí thư chi bộ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm còn nhớ: “Khi giao nhiệm vụ cho Đoàn C.200, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến nói rõ, tuy tách ra một lực lượng nhỏ, gọn nhẹ để đi mở đường nhưng đoàn vẫn giữ bí mật không được gặp dân. Đoàn phải cắt rừng mà đi, không được đi theo đường mòn, đi cặp theo sông Đồng Nai thượng và điểm hẹn gặp nhau ở buôn Pu Gor, dự kiến vào tháng 7-1960. Từ đây, C.200 bắt đầu một hành trình vượt qua bao khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ… (còn tiếp)

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=619
Quay lên trên