Khi người dân đồng lòng

Cập nhật: 03-05-2019 | 09:07:39

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là động lực để xây dựng nông thôn mới, thời gian qua nhiều gia đình ở huyện Dầu Tiếng đã tự nguyện đóng góp tiền, hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp và làm mới nhiều tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã, góp phần giúp Dầu Tiếng sớm cán đích trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Dương.


Bà Đặng Thị Liên
(thứ hai từ phải sang), ở ấp Thị Tính, xã Long Hòa, đang trao đổi với cán bộ, nhân dân trên địa bàn ngay trên tuyến đường mà gia đình bà hiến 32m ngang đất cho Nhà nước mở đường. Ảnh: HỒNG NGA

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Chúng tôi về xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng trong một ngày nắng nóng tháng 4. Trên con đường trải dài, sạch đẹp, bà Đặng Thị Liên, ngụ ấp Thị Tính, xã Long Hòa - người đã hiến 32m ngang đất cho Nhà nước để làm đường giao thông, tâm tình: “Đất gia đình tôi sản xuất bao đời nay, nuôi sống cả gia đình, trước khi hiến cho Nhà nước làm đường tôi cũng băn khoăn. Nhưng mình hiến một phần đất để có con đường đi lại thuận lợi, rồi cuộc sống sẽ được nâng cao hơn, vậy là cái được nhiều hơn mất; mình phải nhìn xa hơn, không thể giữ mãi quyền lợi ích kỷ cho riêng mình được”.

Gia đình bà Liên là một trong 7 hộ ở xã Long Hòa vừa hiến đất cho Nhà nước để mở đường giao thông nông thôn giúp việc đi lại của người dân, học sinh trên địa bàn thuận lợi hơn. Theo lãnh đạo xã Long Hòa, chủ trương mở tuyến đường này đã có từ lâu, tuy nhiên vì xã khó khăn về kinh phí, quan trọng hơn nguồn đất để mở tuyến đường đều là của các hộ dân nơi đây. Việc mở tuyến đường này rất có ý nghĩa, bởi hiện nay 3 trường mẫu giáo và THCS Long Hòa đều nằm trên tuyến đường ĐT744. Mỗi ngày vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh nên lưu lượng xe qua lại tại đây rất nhiều thường gây ách tắc giao thông, thậm chí đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông. Tuyến đường được xây dựng giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn, địa phương cũng an tâm hơn.

Gia đình bà Liên không khá giả. Chồng bà mất cách đây trên 15 năm, hiện bà đang nuôi một người em bị bệnh, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc cho trạm thu sóng Viettel thuê mỗi tháng 3 triệu đồng. Tuy vậy, ngay khi địa phương thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà là người đầu tiên chấp thuận hiến 32m đất ngang để Nhà nước làm đường giao thông.

Kế bên hộ bà Liên là hộ bà Nguyễn Thị Minh cũng tự nguyện hiến 400m2 đất để làm đường. Các hộ khác nằm trên tuyến đường nói trên đều hiến đất, chặt bỏ những cây cao su đang cho thu hoạch để cùng Nhà nước làm đường giao thông. Niềm vui của bà con trọn vẹn khi tuyến đường nhựa bê tông dài 700m, rộng 6m hoàn thành đưa vào sử dụng. Điều đáng nói, nhiều gia đình hiến đất ở đây điều kiện kinh tế còn không ít khó khăn, nhưng khi có chủ trương của Nhà nước họ vẫn sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung.

Không chỉ hiến đất, người dân huyện Dầu Tiếng còn bỏ tiền tự làm đường giao thông nông thôn. Ông Phạm Văn Dương ở ấp Hố Cạn, xã An Lập là một trong những điển hình. Thời gian qua, gia đình ông đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng để làm 1km đường bê tông nhựa đoạn từ ấp Hố Cạn đi ấp Hàn Nù. Riêng trong năm 2018, gia đình ông tiếp tục hỗ trợ xã 300 triệu đồng để làm mới thêm một con đường dài 700m trị giá 1,35 tỷ đồng ở ấp Hàn Nù. Hay như hộ ông Phan Văn Hồng đã hiến đất và tự bỏ tiền, nhân công ra làm 500m đường bê tông xi măng tại ấp Bàu Khai. Ở xã Định An, hộ ông Hồ Văn Ngừng, ngụ ấp Đồng Sến, đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng để xây dựng mới 1 tuyến đường dài 4km...

“Quả ngọt” từ sức dân

Từ khi có đường mới, ấp nối ấp, xóm liền xóm, giao thông thuận tiện đã tạo điều kiện để người dân huyện Dầu Tiếng phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. “Ở một xã xa nhất huyện mà người dân có thể chạy xe bon bon từ rẫy về nhà, không còn cảnh đường chia cách trở thì không có gì vui bằng”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, ngụ xã Minh Hòa, hồ hởi nói.

Có thể thấy, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự đồng thuận cao của nhân dân trong huyện, thời gian qua phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Dầu Tiếng đã đạt được kết quả tốt đẹp. Chỉ tính trong 2 năm qua, huyện đã nâng cấp, dặm vá sửa chữa 152 tuyến đường với tổng chiều dài trên 205km, duy tu sửa chữa 14 cầu bê tông cốt thép; đến nay không còn cầu tạm, cầu sắt. Bên cạnh đó, các xã trong huyện đã thực hiện dặm vá, sửa chữa, bê tông hóa 105 tuyến đường giao thông.

Đến nay, toàn huyện có trên 95% đường do huyện quản lý và đường liên xã được nhựa hóa, 100% đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có 39,5% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng. Những năm qua, giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân 14%. Toàn huyện có 339 công ty, doanh nghiệp và 32 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 13.200 lao động. Hiện thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 55 triệu đồng/năm.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí giao thông nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua luôn được huyện Dầu Tiếng quan tâm. Tuy vậy khi khi bắt tay vào thực hiện, các địa phương trong huyện cũng gặp không ít khó khăn, bởi để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn đạt tiêu chí “Giao thông” cần rất nhiều vốn và sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân. Trong điều kiện đời sống người dân nông thôn trong huyện còn nhiều khó khăn, việc người dân tích cực tham gia đóng góp để cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Nhắc lại điều đó để thấy rằng, Dầu Tiếng có được kết quả như hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự chung tay, góp sức của người dân.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, nói: Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã nhận được sự chung tay, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Điều này góp phần quan trọng làm nên những kết quả tốt đẹp của huyện nhà như ngày hôm nay. Việc người dân đồng lòng hiến đất, ngày công, tiền bạc cùng Nhà nước xây dựng, phát triển quê hương đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân.

Qua đó, có thể thấy thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã phát huy sức mạnh của cả dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, cùng với cả nước, tinh thần đại đoàn kết đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới, thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển, Dầu Tiếng đã và đang đổi thay nhanh chóng. Đến Dầu Tiếng hôm nay, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy những con đường thoáng đãng, khang trang, những khu dân cư quy củ, những vườn cây ăn trái xanh tươi… Đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

Huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, với sự nỗ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành đã trở thành hơi thở của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu, ấp trong huyện. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đã và đang sát cánh bên nhau, đồng sức đồng lòng tô đẹp quê hương. Minh chứng cụ thể cho điều đó là nguồn vốn nhân dân trong huyện đóng góp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018 trên 299,260 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 1.991,673 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới của toàn huyện.

Thành tựu nổi bật của địa phương trong xây dựng nông thôn mới là Dầu Tiếng trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015).

HỒNG NGA - DUY PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên