Vùng đất của những chiến công và đổi mới- Bài 4

Cập nhật: 26-04-2019 | 09:34:17

Bài 4: Tam giác sắt - Ngày ấy bây giờ

“Tam giác sắt”, một địa danh đã đi vào lịch sử với biết bao chiến công lẫy lừng. Nhưng, để làm nên chiến công ấy, đã có không biết bao chiến sĩ, đồng bào chiến đấu dũng cảm và ngã xuống trên mảnh đất này. Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, những người con của quê hương anh hùng hôm nay đang ra sức dựng xây vùng đất Tam giác sắt nói riêng, Bến Cát nói chung trở thành một vùng kinh tế năng động và phát triển…

Khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt . Ảnh: QUỐC CHIẾN

 

Đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt . Ảnh: QUỐC CHIẾN

Đất thép anh hùng

Khi nói đến ba xã tây nam của huyện Bến Cát đó là An Điền, An Tây và Phú An, những thế hệ đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên chiến trường của tỉnh, của miền Đông Nam bộ lại nhớ đến một vùng căn cứ nổi tiếng của cách mạng. Là vùng đất mà mỗi khi quân Mỹ, quân ngụy đặt chân tới là bước vào chỗ chết, là vùng “Tam giác sắt” đối với chúng. Với hệ thống địa đạo nối liền ba xã tây nam dài khoảng 70km, với những trận đánh chìm tàu giặc trên sông Sài Gòn, những trận đánh từ ô ụ, địa đạo chiến đấu diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo, và cả những tay súng bắn tỉa “mười viên chín thằng” đã từng làm cho đội quân viễn chinh Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa “Tam giác sắt” này.

Ba xã tây nam huyện Bến Cát đã hợp thành địa bàn có hình tam giác do hai con sông Sài Gòn và Thị Tính chạy bao bọc ba mặt: Đông, nam, tây và phía bắc là hương lộ 7 chạy dài từ Rạch Bắp, xã An Tây qua thị trấn Mỹ Phước. Trong kháng chiến chống Pháp, ba xã tây nam từng là căn cứ của huyện và một số cơ quan của tỉnh trú đóng. Từ năm 1960 đến cuối năm 1964, Mỹ - Ngụy đã thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét vào địa bàn ba xã nhưng đều không thể đánh bật được “Việt cộng” ra khỏi mảnh đất này. Sư đoàn 5 ngụy đã từng nhiều phen bị đòn đau trong những cuộc hành quân càn quét vào địa bàn ba xã tây nam. Phú An, An Tây, An Điền của huyện Bến Cát đã trở thành vùng đất thật sự nguy hiểm, đáng sợ đối với kẻ thù.

Ông Lê Đức Tấn (ngụ tại ấp Phú Thuận, xã Phú An) sau giải phóng là Chủ tịch ba xã tây nam, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bến Cát cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc đời chiến đấu của ông gắn liền với lịch sử địa đạo Tam giác sắt. Ông chính là người trực tiếp tham gia chiến đấu chống hai trận càn lớn của địch là Xê-đa-phôn và Phong Hỏa 2. Ông Tấn đã cùng với đồng đội, nhân dân vùng Tam giác sắt làm nên những kỳ tích rực rỡ trong cuộc chiến chống Mỹ.

Bồi hồi nhớ về những tháng năm đầy gian lao mà anh dũng, ông Tấn cho biết: “Vùng địa đạo Tam giác sắt luôn là mục tiêu chính của những trận bom pháo, càn quét, đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Tuy vậy, lực lượng chiến đấu của ta vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững từng tấc đất trong vùng địa đạo, gây cho địch nhiều thiệt hại. Năm 1975, địa đạo Tam giác sắt còn trở thành nơi quân ta hội quân, che giấu lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Vững vàng đi lên

Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi lại có dịp về vùng đất Tam giác sắt oai hùng. Con đường ĐT744 trải dài, nối liền các xã vùng tây nam Bến Cát được trải nhựa, phân làn hiện đại không thua kém gì những cung đường cao tốc. Phóng tầm mắt ra xa, những khu công nghiệp với quy mô hàng ngàn héc-ta, xen lẫn với những mảng xanh tươi mát của bạt ngàn những vườn cây ăn trái, của những ruộng lúa, ruộng màu có giá trị kinh tế cao, của làng tre Phú An rợp bóng đường làng…

Tam giác sắt của 44 năm trước, nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Những con đường ruộng đất lầy lội năm xưa nay đã được nhựa hóa, thênh thang đón bước chân người. Vùng “đất trắng” sau ngày chiến tranh, giờ đây cũng được thay bằng hệ thống cơ sở hạ tầng của một thị xã công nghiệp hiện đại. Từ những mảnh đất rừng cao su và các bãi ruộng sình lầy, những cung đường rải nhựa 6 làn xe như đường ĐT744, ĐT748, đường 7A, 7B… đã bắt đầu tỏa đi, hướng về trung tâm các thành phố lớn.

Đến xã An Tây, lòng chúng tôi thấy rộn rã hơn khi nhiều tuyến đường nơi đây được trải nhựa thẳng tắp, ven đường rực rỡ cờ hoa. Nông thôn mới thật sự làm “thay da, đổi thịt” mảnh đất này... Từ những cánh rừng tự nhiên bị bom cày, đạn xới, từ những khu làng tan hoang, 44 năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân An Tây cùng chính quyền địa phương từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Tây cho biết, thực hiện xây dựng nông thôn mới, thời gian qua xã An Tây đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại, vườn cao su, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa nước, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Trong năm 2018, xã thực hiện 2 công trình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản - giao thông nông thôn với tổng kinh phí 1 tỷ 750 triệu đồng; 7 công trình sử dụng vốn sự nghiệp giao thông nông thôn với tổng kinh phí 4 tỷ 500 triệu đồng; 1 công trình 1 tỷ đồng sử dụng từ nguồn vốn thưởng nông thôn mới. Xã An Tây còn hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi, trồng thủy sản, canh tác cây nông nghiệp. Ngoài ra, xã tiếp tục giữ vững và phát triển diện tích cây ăn trái, tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn. ..

Sự phấn khởi của Chủ tịch UBND xã An Tây cũng chính là niềm vui của người dân xã An Điền và xã Phú An hôm nay. Ông Nguyễn Văn Trí, một người dân xã An Điền cho biết: “Không chỉ anh dũng trong thời chiến, vững chí trong thời bình, người dân ở đây còn rất cần cù, chịu khó, chăm lo làm ăn nên kinh tế gia đình cũng nhờ thế ngày một đi lên. Bây giờ, ai cũng có việc làm, cuộc sống bà con ngày càng ổn định, khá giả. Hiện nay, nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được xe tải và xe du lịch. Đó là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự khởi sắc của địa phương trên bước đường phát triển”.

Đến nay, 3 xã An Điền, An Tây và Phú An, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục nâng cao chất lượng hoàn thiện các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Thu hút đầu tư được tăng cường, các khu công nghiệp trên địa bàn được lấp đầy, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Các địa phương đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường, số hộ sử dụng nước sạch, sử dụng điện đạt 100%. Phong trào làm đường giao thông nông thôn từng bước được xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm với nhiều công trình có tổng vốn huy động hàng chục tỷ đồng. Hệ thống giao thông đã được trải khắp các địa danh hào hùng xưa kia, nối liền với các trục lộ chính. Nhờ vậy, hoạt động giao thương - vận chuyển hàng hóa, hàng nông sản, đi lại của nhân dân ngày càng thuận lợi hơn… Đó chính là những tín hiệu vui của 3 xã tây nam trên bước đường phát triển hôm nay và ngày mai. (còn tiếp)

Hai cuộc chiến đi qua, biết bao lần địch chà đi xát lại, nhưng căn cứ địa cách mạng Tam giác sắt vẫn tồn tại hiên ngang, lẫy lừng cả nước vì sự dũng cảm kiên cường, góp phần xây dựng nên truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Vượt qua bao mất mát đau thương do bom cày, đạn xới, cán bộ và nhân dân vùng Tam giác sắt vẫn kiên cường, bất khuất, vừa lau nước mắt, vừa củng cố lực lượng đánh giặc, lập nhiều chiến công hiển hách. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân vùng 3 xã tây nam đã chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Mùa xuân 1975, từ trong lòng địa đạo này đã có nhiều cánh quân lớn thần tốc tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=890
Quay lên trên