Vùng đất của những chiến công và đổi mới- Bài 2

Cập nhật: 23-04-2019 | 19:39:38

Bài 2: “Vành đai trắng” nay ngập tràn sức sống

Ngay từ cuối năm 1965, Bàu Bàng - một “vành đai trắng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành một địa danh lịch sử đi vào huyền thoại với trận đánh Bàu Bàng II vang dội ngày 12-11. Trận đánh được ví là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Và hôm nay đây, Bàu Bàng đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. “Vành đai trắng” ngày ấy, giờ ngập tràn sức sống với sự chuyển mình đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Đường vào trung tâm thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ông Tạ Xuân Thu với cuốn nhật ký ghi chép nhiều thông tin về trận đánh Bàu Bàng. Ảnh: THU THẢO

Truyền thống tự hào

Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng sừng sững ở xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), chính là niềm tự hào của người dân Bàu Bàng, là “địa chỉ đỏ” cho những ai mà lòng luôn hướng về với cội nguồn dân tộc. Nhìn về phía tượng đài, ông Trần Văn Ấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lai Uyên, một người con “gạo cội” của mảnh đất Bàu Bàng này cho biết, sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sụp đổ, Mỹ vội vàng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với mục tiêu “Tìm diệt - Đánh gãy xương sống Việt cộng”. Ỷ vào sức mạnh quân sự, quân viễn chinh Mỹ ngạo mạn đảm nhận vai trò trực tiếp chiến đấu ở phía trước; đẩy quân ngụy Sài Gòn về phía sau để “giữ nhà”, làm nhiệm vụ bình định. Và quân viễn chinh Mỹ cũng bắt đầu mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất vào mùa khô năm 1965-1966 để thực hiện mục tiêu “Tìm diệt - Đánh gãy xương sống Việt cộng”.

Tại Bàu Bàng, ngày 17- 6-1965, Mỹ đưa Lữ đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 1 lên đóng ở Lai Khê (thuộc huyện Bàu Bàng hiện nay). Lúc bấy giờ, Sư đoàn 1 Bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ”. Mỹ khoe khoang là trong lịch sử của sư đoàn không có hai từ “chiến bại” với chiến tích lừng lẫy là tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới. Sư đoàn này được thành lập năm 1917, quân số có 17.530 người; biên chế thành 3 Lữ đoàn, 5 Tiểu đoàn Pháo 105, 155 mm (90 khẩu), 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp (130 chiếc) 1 tiểu đoàn và 2 đại đội không quân cơ động đường không (trên 60 trực thăng và máy bay vận tải). Khi vừa đặt chân đến Lai Khê, Mỹ đã cho nhiều đợt máy bay ném bom chiến lược B52, ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng, xã Long Nguyên đến tận ấp Phú Bình, xã Kiến An...

Trong dịp đi công tác, chúng tôi may mắn được gặp ông Tạ Xuân Thu (hiện ở tỉnh Vĩnh Phúc) cùng cuốn nhật ký ghi lại nhiều kỷ niệm về các trận đánh Đồng Xoài, Bàu Bàng, Dầu Tiếng… Thời ấy, ông làm y tá của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4. Ông Tạ Xuân Thu nhớ lại, trước cuộc hành quân ồ ạt của Mỹ, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam, đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Sau những trận đánh mở màn ở Hiếu Liêm, Đất Cuốc… giành thắng lợi, Bộ Chỉ huy Miền quyết định sử dụng lực lượng cài thế mở chiến dịch tiến công lớn tiêu diệt quân địch trên chiến trường Bến Cát (gồm Bàu Bàng hiện nay) - đường 13 - Dầu Tiếng.

Trong khi ta đang chuẩn bị chiến trường, sáng ngày 11-11- 1965, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ cùng 2 chi đoàn thiết giáp, được hỏa lực của không quân, pháo binh yểm trợ tổ chức hành quân càn quét lên hướng Chơn Thành. Trước tình hình đó, ngày 11-11-1965, cấp trên ra mệnh lệnh cho Sư đoàn 9 hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn Phú Lợi và dân quân du kích xã Lai Uyên nắm chắc địch, tấn công tiêu diệt Sở Chỉ huy Lữ đoàn 3 bộ binh, Tiểu đoàn tăng - thiết giáp và Đại đội pháo 105 ly tại khu vực Bàu Bàng trong đêm 11 rạng ngày 12-11-1965; vây ép địch ở Đồng Sổ, sẵn sàng đánh quân địch ứng cứu bằng đường bộ hoặc đổ bộ đường không.

Sau 6 giờ chiến đấu ác liệt, Sư đoàn 9 đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Cả chiến đoàn Mỹ cùng lực lượng xe tăng yểm trợ đã bị Sư đoàn 9 phối hợp với bộ đội địa phương tấn công, tiêu diệt. Bàu Bàng trở thành mảnh đất chôn vùi uy danh Sư đoàn 1 bộ binh “Anh cả đỏ” của quân đội viễn chinh Mỹ. Trận đánh Bàu Bàng II thắng lợi to lớn, không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ đó là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”.

“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng”. Địa danh Bàu Bàng đã lập tức được gieo thành những vần thơ trong Thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi miền Nam năm 1966, sau những trận đánh chiến thắng vang dội cuối năm 1965.

Sức sống mới trên chiến trường xưa

Bàu Bàng năm xưa kiên cường bất khuất, Bàu Bàng hôm nay lại làm nên kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội. “Vành đai trắng” ngày ấy giờ đây tràn ngập sức sống mới, sức sống của sự chuyển mình, tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngày 1-4 vừa qua, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng đã tổ chức kỷ niệm 5 năm huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động. Kế thừa truyền thống anh hùng, với khẩu hiệu: “Đoàn kết, năng động và phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng đã khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển địa phương ngày một tươi đẹp hơn. Đến với Bàu Bàng hôm nay ai cũng nhận thấy một sự thay đổi nhanh chóng. Bàu Bàng khoác lên mình chiếc áo mới với bạt ngàn cao su, công ty, xí nghiệp mọc lên san sát, hệ thống trường học khang trang, đường sá thông thoáng... Đảng bộ và nhân dân huyện Bàu Bàng đã và đang tiếp tục không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo đúng định hướng và mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Như lời ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng: “Từ năm 2016, Bàu Bàng đã là một đại công trường”.

Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết sau 5 năm đi vào hoạt động, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân, huyện Bàu Bàng đã có những đổi thay tích cực. Cụ thể, kinh tế của huyện phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trong 5 năm gần 15%. Bàu Bàng đãvàđang trởthành một trong những địa phương có khả năng thu hút đầu tư tốt hiện nay của tỉnh. Huyện đã thu hút được 448 dự án đầu tư trong nước, số vốn đăng ký hơn 11.207 tỷ đồng; 71 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đầu tư hơn trên 2,6 tỷ USD.

Cùng với việc phát triển công nghiệp, huyện đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã và đang thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với diện tích 656.131m2, hơn 19.900 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho hơn 79.000 người. Đến nay, 7/7 xãcủa huyện được UBND tỉnh công nhận xãnông thôn mới, 1 xãđược nâng lên thành thịtrấn... Song song đó, Đảng bộ huyện Bàu Bàng đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và xác định xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đây là yếu tố quan trọng để Bàu Bàng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.

“Vành đai trắng” ngày xưa, Bàu Bàng hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ. Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, với những định hướng đã đề ra, tin rằng trong tương lai không xa Bàu Bàng sẽ “hóa rồng”, trở thành một trong những hạt nhân phát triển công nghiệp - đô thị năng động của Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (còn tiếp)

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên