Huyền thoại một con đường - Bài 2

Cập nhật: 09-05-2019 | 08:04:07

Bài 2: B.90 - Miền Nam vẫy gọi

 ...Đường đã mở nhưng đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ vẫn trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng “trắng” chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Vì vậy, một đoàn vũ trang đặc biệt mang tên B.90 có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, xây dựng cơ sở và soi mở đường vào bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xứ ủy Nam bộ đã được thành lập. B.90 thực hiện một nhiệm vụ hết sức nặng nề…

 Các nhân chứng lịch sử về thăm lại chiến trường xưa - suối Đăk Rồ, Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: THU THẢO

 Tự hào vùng đất Nâm Nung

Chúng tôi cùng các nhân chứng lịch sử của Đoàn B.90 trở lại thăm chiến trường xưa-vùng đất Nâm Nung, thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, nơi 60 năm trước là điểm dừng chân đầu tiên của họ. Cảnh vật đổi thay, những con người một thời làm nên lịch sử của vùng đất này như già làng Y Thy (buôn Ja Rá), một trong 4 người M’nông đầu tiên hoạt động ở vùng căn cứ này và được kết nạp Đảng năm 1959, đã không còn nhanh nhẹn, quắc thước như ngày nào. Già làng Y Thy vẫn nhớ như in thuở đó, không có ngày nào máy bay địch không rải bom đạn xuống vùng đất này. Với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, đồng bào các dân tộc M’nông, Ê Đê nơi đây, dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, đói cơm thiếu muối, vẫn một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Ban ngày, đồng bào tăng gia sản xuất; đêm về dẫn đường, che giấu bộ đội, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cách mạng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Chào đón đoàn chúng tôi bằng nụ cười thân thiết, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, khoe: “Khác xưa lắm rồi! Đồng bào giờ đây đã có cuộc sống no ấm, sung túc hơn trước nhiều lắm, cơm đã đủ ăn, áo đủ mặc, nhà nào cũng có tivi, xe máy... Trước đây, không có xe đạp mà đi, nay bà con có cả xe hơi nữa đấy!”. Ghi nhận công lao của đồng bào nơi đây, Nhà nước đã phong tặng quân và dân xã Nâm Nung danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.

Trở lại thăm dòng suối Đăk Rồ, nơi đặt văn phòng của cơ quan B.4 năm xưa, bao ký ức lại tràn về. Ông Ao Sĩ, nguyên chiến sĩ Đoàn B.90, Chánh Văn phòng B4, kể: “Đoàn 559 được thành lập. Hành lang vận tải, liên lạc từ vĩ tuyến 17 đến Bắc Tây nguyên phát triển dựa theo đường mòn sẵn có dọc dãy Trường Sơn được kiến thiết từ thời chống Pháp. Riêng đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ đang trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Các lực lượng kháng chiến đã nỗ lực mở vào vùng này nhưng chưa thực hiện được”.

Để khắc phục tình trạng chiến trường bị chia cắt, đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc nối liền hai chiến trường Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ; Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương quyết định thành lập một đoàn vũ trang đặc biệt, có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, xây dựng cơ sở và soi mở đường, vào bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xứ ủy Nam bộ, hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dãy Trường Sơn.

“Đi nhanh, đến trước ông mặt trời…”

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng đoàn vũ trang đặc trách mở đường về Nam bộ. Và từ đây những đoàn vũ trang đặc biệt đã ra đời, soi mở đường, góp phần làm nên lịch sử vĩ đại của đất nước. Ngày 25-5-1959, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B.90. Với tinh thần khẩn trương, chuẩn bị chu đáo, ngày 20-6-1959, Đoàn B.90 lên đường về Nam. Đoàn B.90 có 25 đồng chí, do đồng chí Trần Quang Sang, cán bộ Phòng Miền Nam Ban Thống nhất Trung ương, nguyên Phó khoa Quốc dân Thiểu số khu 7 làm trưởng đoàn. Theo kế hoạch dự kiến, quân số của đoàn mở đường gồm 50 cán bộ, chiến sĩ. Nhưng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đoàn đầu tiên mở đường về Nam bộ phải thật gọn nhẹ, chủ yếu tinh về chất lượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nhưng giữ vững nguyên tắc tuyệt đối bí mật, do đó số lượng rút lại còn 25 người.

 Ông Lê Đạo (người đầu tiên bên phải) vui mừng khi được các đồng chí cùng soi đường năm xưa đến thăm. Ảnh: THU THẢO

Tiêu chí tuyển chọn được đặt ra là đoàn phải gồm cả người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số, người có quê Nam bộ và Liên khu 5; trong kháng chiến chống Pháp từng chiến đấu và công tác ở các chiến trường Nam Tây nguyên, Đông Nam bộ và Đông Bắc Campuchia; quen sống, chiến đấu ở vùng địch hậu và biết công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài tiêu chuẩn đức, tài, tinh thần chịu đựng gian khổ, không ngại hy sinh, còn một tiêu chuẩn đặc biệt là “không có vợ con và người yêu ở miền Bắc” để khi lên đường không bận bịu hậu phương và cũng là một biện pháp giữ bí mật tuyệt đối chủ trương của Đảng.

Ông Ao Sĩ bảo: “Để giữ bí mật cho hành lang, một luật bất thành văn mà ai đi qua cũng phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đó là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Để thực hiện phương châm ấy, tất cả đều không được đi dép. Mấy năm sống ở miền Bắc, mỗi bước đi là chân mang giày dép, nay đi chân trần thật gian khổ, nhiều người đôi chân rướm máu, có người bong cả lớp da dày dưới bàn chân… Nhưng rồi, những đôi chân ấy cũng quen như thời kháng chiến chống Pháp, cũng thoăn thoắt băng rừng, lội suối làm nhiệm vụ”.

Còn ông Phạm Văn Nhường, nguyên cán bộ Đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên tập kết ra Bắc, hiện đang sống tại phường An Thạnh (TX.Thuận An), cho biết: “Trước khi thành lập Đoàn B.90, tôi được anh Trần Quang Sang, cán bộ nghiên cứu Ban Thống nhất Trung ương đến tìm và đặt vấn đề vào Nam làm cách mạng. Con đường hành quân xa hun hút. Các thành viên trong đoàn không nhớ hết mình đã vượt qua bao nhiêu khe, suối, núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ này. Cái điệp khúc “Có đi có đến, không đi không đến” hay “đi nhanh đến trước ông mặt trời, đi chậm đến sau ông mặt trời” cứ lặp đi lặp lại. Sau 4 tháng hành quân, Đoàn B.90 đã đến được Nam Đăk Lăk an toàn, gặp Đội vũ trang công tác Đăk Mil, hoàn thành thắng lợi bước đầu của hành trình mở đường về Nam bộ...”.

Đội vũ trang công tác Đăk Mil nay còn một nhân chứng duy nhất là ông Lê Đạo (Ama Nhao). Hiện ông sống tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Khi những người đồng chí đến thăm, ông mừng rơi nước mắt. Ông kể biết bao kỷ niệm về một thời gian khổ đã qua. Ông cũng cho biết Đội vũ trang công tác Đăk Mil nguyên là đội vũ trang tuyên truyền 124 trong thời kỳ chống Pháp thuộc tỉnh Đăk Lăk. Đây chính là đầu mối, chỗ dựa đầu tiên của Đoàn B.90 để xây dựng cơ sở mở đường về Nam bộ. Suốt từ những năm 1955 đến cuối 1959, Đội vũ trang công tác Đăk Mil đã kiên trì bám trụ trong hoàn cảnh phải độc lập công tác, thiếu sự chỉ đạo của cấp trên. Đến cuối năm 1959, Đội vũ trang công tác Đăk Mil và Đoàn B.90 được hợp nhất, lấy mật danh là B4, do đồng chí Vũ Anh Ba là Bí thư... (còn tiếp)

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên