Ra đời từ năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương đã tập hợp được gần 500 hội viên. Bằng tấm lòng và trách nhiệm với đồng đội, hội thực sự trở thành “mái nhà chung”, tiếp thêm sức mạnh cho những người cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông Trường Sơn năm xưa vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Các chiến sĩ Trường Sơn về thăm lại chiến trường xưa ở xã Nâm Nung, huyện K’Rông No, tỉnh Đắc Nông
Kỳ tích Trường Sơn
Chiến tranh đã lùi xa 44 năm nhưng với những người lính từng góp phần làm nên huyền thoại đường Trường Sơn năm nào thì những ký ức của một thời mưa bom, bão đạn thật khó phai mờ. Trải qua 16 năm đầy khó khăn, gian khổ, nhưng bằng ý chí, nghị lực kiên cường, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông... đã lập nên những chiến công vang dội. Những chiến công đó đã đưa con đường Hồ Chí Minh trở thành huyền thoại như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh, “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khen tặng: “...Năm tháng sẽ đi qua, nhưng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một “con đường huyền thoại”, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong thế kỷ XX ”.
Đối mặt với kẻ thù tàn bạo và bao cạm bẫy từ rừng thẳm Trường Sơn, nhưng Đoàn 559 đã phát triển nhanh chóng về lực lượng, bảo đảm chi viện cho miền Nam ruột thịt ngày một to lớn hơn. Từ 500 cán bộ, chiến sĩ ban đầu, 2 năm sau đã trở thành đơn vị tương đương với cấp sư đoàn. Đến ngày 3-4-1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559, tương đương với cấp quân khu. Từ tháng 10- 1970, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn. Giai đoạn 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng, cùng 21 trung đoàn trực thuộc. Quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 559, tự hào cho biết, trong 16 năm, các lực lượng Trường Sơn đã làm nên những chiến công kỳ tích ở mỗi binh chủng để góp phần vào chiến thắng chung của toàn chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng có vinh quang nào mà không trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương. 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, hơn 4 triệu tấn bom đạn, hơn 10 triệu lít chất độc hóa học và hàng vạn tấn phương tiện trinh sát điện tử… trút xuống tuyến đường Trường Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng ta và ngăn chặn cuộc chi viện chiến lược cho miền Nam.
Tri ân đồng đội
Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, các chiến sĩ Trường Sơn một phần ở lại quân đội thành lập “Binh đoàn Trường Sơn” (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12). Còn lại, hàng triệu bộ đội và trên 3 vạn thanh niên xung phong và gần 1 vạn công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã trở về quê hương sống một cuộc đời bình dị. Nhưng do ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn và do thương tật, bệnh tật, di chứng của chất độc da cam, các chiến sĩ Trường Sơn trong những năm tháng cuối đời còn lại, nhiều người ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Đường Trường Sơn mở qua tận biên giới Campuchia
Xuất phát từ mục đích xây dựng một “mái nhà chung” cho những người lính Trường Sơn để cùng nhau chia sẻ vui buồn, động viên nhau giữ mãi phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, ngày 13-5- 2011, Bộ Nội vụ đã ra quyết định cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam. 4 tháng sau đó, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Bình Dương được thành lập ngày 22-9-2011. Hội hiện có 469 hội viên với 7 chi hội. Đặc biệt, Bình Dương là nơi sinh hoạt của Ban Liên lạc Đoàn B.90 - Đoàn C.200 - C.270, những cán bộ, chiến sĩ tham gia soi, mở đường đoạn từ nam Tây nguyên về các tỉnh Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ giai đoạn 1959-1967.
Một trong những hoạt động được hội chú trọng trong thời gian qua là hoạt động tình nghĩa và tri ân đồng đội. Theo ông Lê Văn Hòa, hiện nhiều hội viên của hội vẫn còn gặp những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, hội luôn cố gắng hỗ trợ để động viên tinh thần, cũng như tiếp sức để hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, thời gian qua, hội đã vận động nhà hảo tâm xây tặng hai căn nhà tình nghĩa. Ngoài ra, hội còn vận động trao tặng 887 phần quà với tổng giá trị trên 445 triệu đồng tại các bản làng nơi năm xưa các đồng chí của đoàn công tác Bắc - Nam gặp nhau và hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng. Đặc biệt, hội xác định giáo dục truyền thống là việc làm vô cùng ý nghĩa để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về Trường Sơn, về đường Hồ Chí Minh... “Sau hơn 8 năm thành lập, hội đã khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của những người từng là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông đã sống, chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn hiện đang sống và làm việc trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Văn Hòa cho biết.
TIỂU LIÊN