Ngày 10-5, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tiếp tục mở phiên xét xử ngày thứ ba đối với vụ án nguyên Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường) Cao Minh Huệ cùng các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại ngân sách Nhà nước trên 131 tỷ đồng. Trong phiên tòa, HĐXX đã triệu tập nhiều cựu cán bộ liên quan đến vụ việc. Đáng chú ý, quá trình xét hỏi về việc các thành viên trong gia đình gồm vợ, con và chị em ruột ông Huệ mua hơn 75 ha đứng tên để hưởng lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng hàng tỷ đồng, ông Huệ trả lời bản thân mình không hề hay biết việc này?!
Nhiều cựu cán bộ được triệu tập đến tòa
Tham dự phiên tòa, các bị cáo gồm: Cao Minh Huệ (65 tuổi - nguyên Giám đốc Sở Địa chính), Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện - nay là TX.Bến Cát), Đỗ Văn Sâm (61 tuổi, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT Bến Cát). Ba bị cáo này bị bắt, tạm giam từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011 rồi được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú cho tới nay. Riêng ông Nguyễn Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty Sobexco) đã qua đời năm 2010 nên cơ quan điều tra đã đình chỉ bị can đối với bị can này. Các bị cáo này đều bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Tại phiên tòa, bị cáo Huệ phủ nhận việc biết gia đình ông mua hơn 75 ha đất để hưởng lợi bất chính
Trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao có nêu đến trách nhiệm của một số cựu cán bộ của tỉnh và xét hành vi của những người này do tin tưởng hoặc do không biết mục đích hành vi của bị cáo Cao Minh Huệ và những người này không có động cơ vụ lợi nên cơ quan tố tụng không xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 10-5, HĐXX đã triệu tập những người này đến tham gia, chất vấn các thông tin để làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến vụ án. Tại phiên tòa, những người này đã được HĐXX, đại diện VKSND và các luật sư hỏi đáp nhiều nội dung liên quan việc sai phạm của ông Cao Minh Huệ. Đồng thời, nhiều người cho rằng bản thân không hề hay biết chủ đích của ông Huệ khi liên hệ hoặc yêu cầu ký, xét một số văn bản liên quan đến việc Công ty Sobexco bán cây cao su, nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến sai phạm nghiêm trọng.
Ông Huệ phủ nhận việc biết người nhà mua hơn 75 ha đất
Trong phiên xét hỏi, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Cao Minh Huệ về việc mua hơn 75 ha đất với giá trị hơn 3,6 tỷ đồng để cho các thành viên trong gia đình (trong đó có vợ, con, chị em ruột) đứng tên để hưởng lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng hàng tỷ đồng. Ông Huệ trả lời bản thân mình đảm đương rất nhiều công việc ở cơ quan, nên không thể quán xuyến được việc người nhà làm gì. Vì vậy, vợ, con và chị em ruột của ông Huệ mua đất rồi đứng tên để sau này hưởng đền bù từ dự án khu công nghiệp, ông không hề hay biết.
Tòa tiếp tục hỏi, bản thân bị cáo Huệ là trụ cột của gia đình, là người chồng và người cha thì việc lớn việc nhỏ trong nhà mọi người sẽ chia sẻ với nhau chứ sao lại không hề hay biết? Số tiền để mua đất lấy từ đâu? Bị cáo Huệ chần chừ đáp: “Bị cáo không biết việc này!”. Lúc này, một vị thẩm phán trong HĐXX, nói: “Căn cứ vào lời khai trước đó của bị cáo, căn cứ vào những chứng cứ mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thu thập thì việc bị cáo quanh co, phủ nhận chỉ là cái cớ, càng làm tăng tình tiết tăng nặng vì không khai báo trung thực tại tòa” .
HĐXX tiếp tục hỏi về việc bị cáo Huệ đã ký vào Tờ trình số 542 ban hành ngày 15-9- 2000, với nội dung: Thu hồi khu đất sản xuất nông nghiệp có diện tích 306,979 ha của Công ty Sobexco tại xã An Tây, huyện Bến Cát gồm các lô D1, D2, D3, D4, D5, D6, D7, D8, D9, C3. Giao toàn bộ diện tích thu hồi như trên cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp GCNQSDĐ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), cho người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời về việc này, bị cáo Cao Minh Huệ giải thích quanh co, phủ nhận nội dung của văn bản này. Khi HĐXX nhấn mạnh vậy chữ ký trong văn bản này có đúng là của bị cáo không? Bị cáo Huệ trả lời là đúng.
Căn cứ vào bản kết luận điều tra: Để vợ và con mình được cấp GCNQSDĐ trên 10 ha/người, mà vẫn bảo đảm hạn mức giao đất nông nghiệp, bị cáo Huệ đã ký Tờ trình số 666/ TT-ĐC đề nghị UBND tỉnh nâng hạn mức giao đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ 10 ha/hộ gia đình hoặc cá nhân lên 30 ha/hộ gia đình hoặc cá nhân. Khi HĐXX hỏi nếu không biết tại sao lại làm tờ trình trên để có lợi cho việc mua đất của người nhà gia đình mình thì bị cáo Huệ trả lời đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bị cáo không hề biết!
Theo HĐXX, dự kiến ban đầu phiên tòa xét xử diễn ra trong 3 ngày (từ 8-5 đến 10- 5). Tuy nhiên quá trình xét xử, một số yếu tố khách quan đã kéo dài thời gian phần xét hỏi, như: Nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ, những người có quyền và nghĩa vụ có liên quan đến vụ án thực hiện cung cấp thông tin một cách đầy đủ nhất cho HĐXX nắm rõ...
Đến cuối giờ chiều 10-5, một vị luật sư hỏi bị cáo Đỗ Văn Sâm về việc bị cáo cùng hai người khác gây thiệt cho Nhà nước số tiền 131 tỷ đồng, ngoài ra bị cáo Sâm hưởng lợi số tiền 200 triệu đồng, thì bị cáo Sâm đã không đồng ý với kết quả thống kê con số thiệt hại, đồng thời bị cáo này đã yêu cầu giám định lại con số thiệt hại. Ngay sau đó, phần xét hỏi đã kết thúc, HĐXX đã tạm dừng việc xét xử vụ án. Dự kiến phiên tòa tiếp tục xét xử vào 8 giờ ngày 13-5.
HƯNG PHƯỚC