Bình Dương - Champasak: Thắm đượm tình thân - Kỳ 2

Cập nhật: 10-09-2016 | 08:32:21

Kỳ 2: “Vàng trắng” trên đất Lào

 Từ cái bắt tay hữu nghị đầy thâm tình 10 năm trước của lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương- Champasak, những vườn cao su đã phủ xanh trên đất Lào. Để rồi hôm nay, từng dòng “vàng trắng” chảy mỗi ngày trên đất bạn mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhiều gia đình nơi đây.

 Những vườn cao su trên đất bạn Lào đã cho “quả ngọt”. Trong ảnh: Nhà máy chế biển mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào ở Champasak. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Bắt tay tạo “vàng”

Nằm trong khuôn khổ chuyến công tác trên đất Lào mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào (DVLR) tại Champasak. Sau khi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Dương và Champasak được ký kết, hai bên đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi, giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hợp tác triển khai thực hiện dự án trồng cao su tại tỉnh Champasak. Để triển khai dự án, tỉnh Bình Dương đã giao cho hai đơn vị là Tổng Công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Dương- TNHH MTV (3-2) và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng phối hợp thực hiện.

Tháng 9-2006, DVLR được thành lập và đi vào hoạt động ngay. Bà Trần Thị Kim Vân, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh nhớ lại: “Tôi chính là người trồng cây cao su đầu tiên trên đất Lào với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đó. Hồi đó, đi lại giữa 2 tỉnh còn rất khó khăn. Vậy mà giờ đây, cao su đã phủ bạt ngàn trên đất Lào. Thật vui biết bao”. Ban đầu, việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như việc xác định khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như công tác khảo sát, đền bù, khai hoang… Song, nhờ sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương, Champasak cũng như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Champasak, những mầm xanh cao su cứ thế vươn mình đầy kiêu hãnh trên đất Lào.

Đích thân ông Huỳnh Thanh Tùng, Giám đốc DVLR dẫn đầu đoàn xe chúng tôi đến thăm rừng cao su ngút xa tầm mắt tại huyện Ba Chiêng, Champasak. Đã 10 năm tuổi, cây cao su đang ở độ sung sức, rỉ những dòng nhựa trắng đều. Đứng trên đồi cao của nông trường số 2, ông Tùng hớn hở nói: “Đây là thành quả lao động cật lực của anh em cán bộ quản lý lẫn công nhân Việt Nam và Champasak trong suốt thời gian qua. Cao su bây giờ sinh trưởng và phát triển ổn định, năng suất rất đạt. Chắc chắn, trong thời gian tới, khi các vườn cao su non đến tuổi cho mủ, giá trị sinh lợi của cao su sẽ còn tăng cao hơn nữa”.

Đứng giữa rừng cao su xanh mát, đều đặn cho ra “vàng trắng” hàng ngày, ông Tùng chia sẻ, sở dĩ việc thực hiện dự án suôn sẻ từ những ngày đầu, ngoài quyết tâm của anh em công ty còn có một phần quan trọng từ người dân nước bạn Lào. Lúc đó, người dân ở đây đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai dự án. Ngoài ra, các bạn cũng hỗ trợ rất nhiều về nhân lực, vật lực để công ty trồng cao su thành công trên đất bạn. Sau huyện Ba Chiêng, công ty đã thực hiện trồng mới tại nhiều huyện khác trong tỉnh Champasak và tỉnh Salavan. Ở đây, khí hậu thuận lợi, đất đỏ bazan giữ ẩm cao trong mùa nắng nên cây cao su sinh trưởng rất tốt.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Ông Trần Minh Nhật, Phó Giám đốc DVLR cho biết, đến thời điểm này công ty đã trồng được 6.722,66 ha cao su tại các huyện Paksong, Ba Chiêng, Sanasombun (tỉnh Champasak) và Lào Ngam, Lakhongphen (tỉnh Salavan). Khí hậu và thổ nhưỡng ở Lào rất phù hợp với cây cao su nên vườn cây sinh trưởng khá tốt. Vườn cây cao su của DVLR được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá cao về quy trình trồng, chăm sóc, kiến thiết cơ bản. Công ty là một trong những đơn vị trong ngành đầu tư ra nước ngoài có suất đầu tư phù hợp.

Năm 2013, sau hơn 6 năm đầu tư chăm sóc, công ty đã chính thức mở cạo đợt đầu tiên. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự thành công của dự án. Đến nay, trong tổng số 6.722,66 ha cao su hiện có, công ty đã mở cạo 3.843,5 ha. Trong năm 2015, công ty đã khai thác được trên 3.078 tấn mủ, đạt 102,63% kế hoạch sản lượng; năng suất vườn cây đạt 1,21 tấn/ha. DVLR đã chế biến và gia công trên 2.698 tấn mủ, trong đó sản phẩm do công ty sản xuất là 1.835,62 tấn. Trong năm qua, công ty đã tiêu thụ 2.630,23 tấn sản phẩm, đạt tổng doanh thu 73,14 tỷ đồng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho tỉnh bạn.

Rời những vườn cao su bạt ngàn, xe của đoàn công tác tỉnh Bình Dương lại lăn bánh vượt hơn 50km đường dài đến với Nhà máy chế biến mủ cao su Dầu Tiếng - Việt Lào giai đoạn I với tổng vốn đầu tư 5,2 triệu USD, công suất 9.000 tấn/năm. Ông Nhật cho biết, với việc xây dựng nhà máy chế biến mủ, công ty không còn phụ thuộc gia công mủ tại các đơn vị bạn, mà đã chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời quản lý được chất lượng sản phẩm. Nhờ đó góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của công ty trên thị trường thế giới.

Đứng một hồi lâu bên những lốc cao su thành phẩm đóng gói thương hiệu DVLR chuẩn bị xuất ngoại, ông Tùng xúc động nói: “Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi xác định việc đi trồng cao su trên đất bạn không chỉ là công việc kinh doanh lỗ, lãi đơn thuần mà còn thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị 2 tỉnh Bình Dương - Champasak nói riêng và Việt Nam - Lào nói chung. Chính vì thế, anh em công ty dù Lào hay Việt cũng đều nỗ lực cố gắng hết sức vì sự thành công chung. Đến nay, không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ bạn xóa đói, giảm nghèo tại địa phương mà chúng ta còn gia tăng uy tín, niềm tin trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư giữa Bình Dương và Champasak. Chắn chắn, trong tương lai mối quan hệ hợp tác, đoàn kết giữa 2 tỉnh sẽ càng đậm sâu hơn nữa”.

 Trách nhiệm cộng đồng

 Cùng với việc thực hiện các bước của dự án theo đúng tiến độ, DVLR còn chú trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, nhất là công nhân tại địa phương cũng như người dân ở trong vùng dự án. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, công ty đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, chi trả tiền lương kịp thời cho người lao động nhằm giúp họ yên tâm sản xuất. Hiện toàn công ty có trên 1.200 người, trong đó lao động người Lào trên 1.000 người.

Năm 2015, công ty đã thanh toán tiền lương cho cán bộ, công nhân lao động gần 52 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/ người/tháng, bằng 116,7% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công ty còn dành 1,77 tỷ đồng để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho cán bộ, công nhân lao động. Công ty cũng đã cấp phát hàng bảo hộ lao động cho cán bộ, công nhân lao động gồm 7 mặt hàng với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song công ty luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ làm công tác chuyên môn chăm lo sức khỏe công nhân. Hiện công ty có 2 dược sĩ, 4 y sĩ được bố trí ở các đơn vị và trang bị tủ thuốc, những dụng cụ cơ bản để có thể sơ cấp cứu ban đầu. Năm 2015, công ty đã khám và điều trị cho gần 2.800 lượt cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương trong vùng dự án với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Từ năm 2006 đến nay, công ty đã tiến hành các hoạt động phúc lợi xã hội tại 5 huyện của hai tỉnh Champasak và Salavan với nhiều hạng mục công trình. Điều này được chính ông Bounthong Divixay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Champasak tâm đắc kết luận: “Những gì mà Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào đã làm được hết sức có ý nghĩa đối với chúng tôi. Không chỉ làm đường, kéo điện, khoan giếng... phục vụ dân sinh, công ty còn dạy văn hóa cho con em công nhân, hỗ trợ khám chữa bệnh, trao học bổng cho học sinh nghèo Champasak... Có thể nói, không chỉ là 1 trong 29 nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn, công ty đã thể hiện trách nhiệm cộng đồng hàng đầu tại địa phương chúng tôi”.

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=723
Quay lên trên