Biết vượt qua nghịch cảnh

Cập nhật: 19-08-2015 | 09:36:02

Nếu chỉ nhìn từ xa, không thấy anh “đọc” bằng tay từ những văn bản viết chữ nổi, chúng ta sẽ thấy anh bình thường như mọi người…

 Anh Trần Anh Thi tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội Người mù tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ

Cảm nhận này của tôi là khi chứng kiến anh Trần Anh Thi phát biểu tham luận tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội Người mù tỉnh lần thứ 2-2015. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù TX.Bến Cát. Phong cách điềm đạm, tự nhiên và gần gũi khiến cho mọi người cảm thấy thật thân thiện ngay từ lần gặp đầu tiên. Vậy nhưng để có hình ảnh tự tin như hôm nay, anh Thi đã phải vượt qua nghịch cảnh thật lớn của bản thân mình.

Anh Thi kể, năm lên 10 tuổi, anh bị mù sau một đợt bệnh lao màng não. Từ một đứa trẻ bình thường, học hành giỏi giang nay bỗng dưng mù mắt. Rất lâu sau anh mới làm quen lại với bản thân mình. Nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của người thân, anh dần quen với cuộc sống thiếu ánh sáng. Mọi chuyện từ sinh hoạt, học hành đều khó khăn. “Nếu mình không vượt qua được hoàn cảnh, mình sẽ bị nó nhấn chìm luôn” - đó là câu mà anh luôn tự nhắc mình để phấn đấu, vươn lên.

Vậy là anh Thi chuyển sang học chữ nổi, luyện tập thể thao. Năm 2005, anh được chọn đi thi cùng các vận động viên khiếm thị khác. Anh đăng ký các môn thể thao như: ném lao, ném đĩa, đẩy tạ… Năm đó, anh được một huy chương vàng. Tiếp theo, có năm anh nhận được 3 huy chương vàng cho 3 môn thi. Cứ thế, bộ huy chương của Thi nhiều dần lên và đến nay là có 13 huy chương vàng cấp quốc gia cho các môn thi dành cho người khiếm thị. Điều đáng nể hơn là anh toàn chọn việc khó để làm, để học. Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Thi chọn môn tiếng Nhật để học. Anh học khóa 34 (2008-2012) của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Hiện nay, anh có thể dạy tiếng Nhật cho người sáng mắt. Một lý do anh chọn ngôn ngữ này theo anh Thi còn là “nể người Nhật, họ luôn biết vượt qua nghịch cảnh để tồn tại và sống tốt hơn, ý thức kỷ luật cũng rất cao”.

Gặp tôi, anh Thi khoe là mình vừa mới lập gia đình. Người bạn đời của anh tự nguyện làm “đôi mắt” cũng như bù đắp những gì còn khiếm khuyết ở chồng mình. Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay là một quá trình vượt qua bao khó khăn để tự chiến thắng nghịch cảnh, để mình tự tin hơn trong cuộc sống. Gia đình anh Thi đông anh em, đến 9 anh chị em nhưng luôn thương yêu, giúp đỡ nhau và đây cũng là nguồn động viên, giúp đỡ anh Thi thật nhiều khi ba mẹ không còn…

Nói về cuộc sống hiện tại, anh Thi cho biết, ngoài chăm lo cho gia đình, anh còn làm nhiều công tác của hội với mong muốn cho hội viên ngày một có cuộc sống tốt đẹp hơn qua các chương trình của Hội Người mù như tạo việc làm, vay vốn. Anh cũng đã học qua lớp massage (học nghề tại Nha Trang) và có thể dạy nghề lại cho người mù để tăng thu nhập. “Vấn đề quan trọng là tự bản thân người mù phải vươn lên. Đừng trông chờ vào ai có thể cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn. Có học thức, có nghề nghiệp thì tự nhiên mình cũng sẽ tự tin hẳn lên để vượt qua nghịch cảnh tối tăm của cuộc đời. Một điều nữa là cộng đồng cần giúp họ hòa nhập bằng công việc, bằng thu nhập ổn định và bằng cái nhìn không kỳ thị, chỉ thế thôi”, anh Thi chia sẻ.

Anh cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh được chọn đi Hà Nội dự Hội nghị điển hình người mù toàn quốc. Đó là một niềm vinh dự và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những gì anh Thi đã cố gắng.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên