Bình Dương chủ động kết nối vùng

Cập nhật: 11-09-2018 | 08:12:15

Những năm qua, công tác phối hợp, liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phía Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó tỉnh Bình Dương ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Vùng kinh tế quan trọng của cả nước  

Theo đánh giá, những năm qua, thực hiện mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành trong VKTTĐ phía Nam, phát triển kinh tế có vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh, thành trong vùng nói riêng và toàn vùng nói chung. Qua 20 năm thành lập và phát triển, công tác phối hợp, liên kết phát triển vùng đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ý tưởng hình thành các tam giác đã manh nha tại Việt Nam. Không lâu sau đó, “tam giác phát triển phía Nam” đã chuyển thành “tứ giác” với sức phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bình Dương. Trải qua 20 năm kể từ khi hình thành cho đến nay, cả nước đã hình thành 4 VKTTĐ, trong đó VKTTĐ phía Nam có tổng diện tích 30.583km2, chiếm 9,24% diện tích cả nước và 21,4% dân số cả nước. Năm 2016, quy mô kinh tế của cả vùng chiếm 42,9% cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng/người (cao gấp 2 lần bình quân cả nước).

Bình Dương là tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh trong VKTTĐ phía Nam và cả nước. Trong ảnh: Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của VKTTĐ phía Nam khá đồng bộ; là nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng cao... Đây là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính… Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh phát triển xung quanh TP.Hồ Chí Minh, liên kết bởi các tuyến trục và đường vành đai thông thoáng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng được tăng cường đầu tư cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển của các địa phương trong vùng. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng và xã hội toàn vùng đã có bước phát triển khá, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng, đồng thời phát huy vai trò là trung tâm giao lưu, trao đổi văn hóa của cả nước.

Hiện nay, VKTTĐ phía Nam là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất của cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và cơ bản như khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học… Trong vùng đã hình thành hệ thống đào tạo và trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế có trình độ cao, bảo đảm đào tạo và cung cấp dịch vụ y tế cho các vùng trong cả nước; là một trong hai vùng có khu công nghệ cao và trung tâm tin học, đào tạo và sản xuất phần mềm của cả nước.

Bình Dương đóng góp tích cực

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quá trình phát triển kinh tế của Bình Dương luôn quan tâm đến kết nối vùng. Có thể thấy, tỉnh đã chủ động và tích cực liên kết với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phát triển mạnh giao thông đường bộ, đường thủy. Các tuyến đường huyết mạch của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp vừa thúc đẩy đô thị phát triển theo hướng bền vững, đồng thời mở ra cơ hội mới trong liên kết vùng cho Bình Dương và các địa phương trong vùng.

Bình Dương có mối liên kết rất mạnh với TP.Hồ Chí Minh, trước hết là giao thông đối ngoại trong liên kết vùng, bao gồm đường từ TP.Hồ Chí Minh qua Bình Dương với vùng Nam Tây nguyên, với nước bạn Campuchia và với Nam Trung bộ cả về đường sắt, ga đầu mối. Về đường sông, Bình Dương cũng kết nối với đồng bằng sông Cửu Long...

Trong những năm qua, Bình Dương luôn xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh nhà; giao thông - vận tải phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân. Do đó, đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh có kết cấu theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc VKTTĐ phía Nam.

Đến nay, tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cụ thể như quốc lộ 13 với chiều dài 62km, rộng 6 làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp 1, nối từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước đã được thông suốt. Việc mở rộng quốc lộ 13, kết nối với đường 14 (đường Hồ Chí Minh hiện nay) và nối với Lộc Ninh (Bình Phước) sang nước bạn Campuchia tạo lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên phát triển. Bên cạnh đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường đi qua các khu công nghiệp lớn tại TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An để đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế trong VKTTĐ phía Nam, tạo thuận lợi kết nối thông suốt cho Bình Dương và các địa phương trong vùng như kết nối với quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước.

Đối với đường ĐT744 kết nối Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối Bình Dương với tỉnh Bình Phước… tạo môi trường giao thông thông thoáng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương. Tỉnh cũng đã tập trung cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông bảo đảm nhu cầu lưu thông thông suốt, như nút giao thông Sóng Thần với quốc lộ1A, nút giao Tân Vạn, nút giao Gò Dưa, nút giao Phú Long…

Cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng tạo kết nối vùng, hơn 20 năm qua Bình Dương đã không ngừng phát triển các khu công nghiệp, trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp của cả nước. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang hướng đến hình thành trung tâm công nghiệp đạt trình độ tiên tiến và hiện đại, theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động phổ thông. Đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích 794 ha. Các khu, cụm công nghiệp này đã phát huy hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói riêng, VKTTĐ phía Nam và cả nước nói chung.

Giai đoạn 2016-2018, trong điều kiện kinh tế của cả nước có nhiều dấu hiệu khởi sắc, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, kinh tế của Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 8,73%; quy mô kinh tế năm 2017 là 247,9 ngàn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng, ước đến cuối năm 2018 cơ cấu kinh tế là công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, nông - lâm nghiệp - ngư nghiệp và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 63,8%- 24,41% - 3,49% và 8,3%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ước đến cuối năm 2018 đạt 130,2 triệu đồng (trung bình của VKTTĐ phía Nam năm 2017 đạt 103,6 triệu đồng).

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=614
Quay lên trên